Bài 2: Cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm

Giáo dục - Ngày đăng : 06:33, 21/08/2014

(HNM) - Tâm lý sính bằng cấp, sử dụng, trọng dụng con người dựa trên bằng cấp được coi là nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự bùng nổ của các hình thức liên kết đào tạo. Cùng với đó, việc các cơ sở giáo dục ĐH và những cơ sở liên kết tại địa phương bất chấp các điều kiện bảo đảm chất lượng để tăng quy mô,


Buông lỏng quản lý


Gần đây, Thanh tra Chính phủ đã công bố vi phạm của nhiều cơ sở giáo dục ĐH trong liên kết đào tạo giai đoạn 2006-2010. Theo đó, qua xem xét hồ sơ 419 chương trình liên kết đào tạo trong nước tại các trường ĐH, thanh tra phát hiện 46,5% (195/419) chương trình liên kết tuyển sinh hệ vừa làm, vừa học khi chưa được Bộ GD-ĐT cấp phép như của các trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Viện ĐH Mở Hà Nội, ĐH Cần Thơ, ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh, ĐH Vinh… Một số trường làm hợp đồng đào tạo không xác định đối tượng tuyển sinh, không quy định cụ thể trách nhiệm cho đơn vị phối hợp tham gia vào quá trình đào tạo, mời giảng viên, tổ chức đánh giá kết quả các học phần; không có văn bản xác nhận nhu cầu của địa phương hoặc cơ quan nơi đặt lớp; 15/18 trường không có biên bản ghi nhận về điều kiện cơ sở vật chất, cơ sở liên kết, danh sách giảng viên dự kiến tham gia giảng dạy và cán bộ tham gia quản lý lớp. Có 59/419 chương trình liên kết đào tạo địa điểm đặt lớp không đúng quy định như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Vinh, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, ĐH Mở TP Hồ Chí Minh, ĐH Tây Nguyên, ĐH Huế… 5 trường ĐH tuyển sinh vượt chỉ tiêu cho phép là: ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Đà Lạt, ĐH Nha Trang, ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Thậm chí, hồ sơ lưu trữ các lớp liên kết đào tạo ĐH trong suốt 3 năm (từ 2006 đến 2008) của ĐH Vinh không có danh sách thí sinh.

Siết chặt các mô hình đào tạo là một giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.



Những vi phạm nêu trên cho thấy lãnh đạo một số trường chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH, có sự buông lỏng trong quản lý liên kết đào tạo từ khâu xác định đối tượng tuyển sinh, quá trình thực hiện cho tới việc quản lý thu, chi lệ phí, học phí. Mặc dù công tác thanh tra, kiểm tra trong liên kết đào tạo đã được Bộ GD-ĐT quan tâm nhưng chưa sâu, xử lý sau thanh tra, kiểm tra còn bị buông lỏng. Theo Thanh tra Chính phủ, Bộ GD-ĐT cũng chưa có hướng dẫn đầy đủ và kịp thời về kế hoạch, chiến lược cụ thể, chưa có tổng kết đánh giá để chấn chỉnh kịp thời việc liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH.

Chế tài chưa đủ mạnh

Hà Nội hiện có 30 trung tâm giáo dục thường xuyên và 48 trường trung cấp chuyên nghiệp, song chỉ có 2 trung tâm và gần 10 trường trung cấp được tổ chức thực hiện liên kết đào tạo với các trường ĐH, CĐ. Trước những băn khoăn về chất lượng đào tạo và những nguy cơ xảy ra sai phạm tại các lớp đào tạo theo mô hình này, nhiều đơn vị cho biết: Theo Quyết định 42/2008/QĐ-BGDĐT thì toàn bộ quy trình tổ chức, việc giao chỉ tiêu liên kết, liên kết đào tạo ở ngành nào, trình độ gì, có được tổ chức liên kết với trường A/B hay không… hoàn toàn do Bộ GD-ĐT quyết định. Việc thực hiện quy trình tuyển sinh từ tuyển sinh "đầu vào", kiểm tra, đánh giá… đến "đầu ra" cũng đều do phía có chỉ tiêu tuyển sinh, tức là các cơ sở giáo dục ĐH đảm nhận.

Luật Giáo dục ĐH cũng quy định cơ sở giáo dục ĐH chỉ được liên kết đào tạo với những cơ sở giáo dục đáp ứng các yêu cầu về môi trường sư phạm, cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện và cán bộ quản lý. Cơ sở chủ trì đào tạo phải chịu trách nhiệm toàn bộ các khâu từ lập hồ sơ đăng ký mở lớp liên kết đào tạo, tuyển sinh, tổ chức đào tạo và cấp văn bằng. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều địa phương trong toàn quốc cho thấy, các cơ sở giáo dục ĐH chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm. Có chăng thì mới quan tâm đến ngành nghề, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, còn các điều kiện khác chưa được quan tâm đúng mức như môi trường sư phạm, thư viện, đội ngũ cán bộ quản lý.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bùi Anh Tuấn cũng thừa nhận rằng, nhiều quy định, quy chế của Bộ GD-ĐT ban hành trước đây còn thiếu các chế tài hoặc các chế tài chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe. Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã có một số giải pháp chấn chỉnh, có thể kể đến là việc xây dựng quy chế mới về đào tạo liên thông, kiểm tra rà soát đào tạo liên kết, giảm dần quy mô đào tạo không chính quy, không cho phép đào tạo chính quy ngoài cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, Vụ trưởng Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh tới sự kiểm tra, giám sát của các lực lượng xã hội, của người học bên cạnh tăng cường tự chủ và chịu trách nhiệm cơ sở giáo dục ĐH, quy định rõ trách nhiệm của các cơ sở chủ trì và các cơ sở liên kết đào tạo...

Nhóm phóng viên