Chủ đầu tư chây ỳ, cản trở cấp sổ đỏ cho người dân: Cần chế tài mạnh!
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:47, 21/08/2014
Để giải bài toán này, năm 2014 thành phố đã giao kế hoạch cho các quận, huyện giải quyết 40.000 sổ đỏ trong tổng số trên 76.000 trường hợp nợ đọng. Nguyên nhân chính là do hàng loạt chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, cố tình chây ỳ, thậm chí gây khó khăn trong việc cấp sổ đỏ cho khách hàng tại các dự án do chính họ cung cấp. Phải chăng, sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng và chế tài xử phạt không đủ mạnh chính là "mảnh đất màu" cho các chủ đầu tư mặc sức tác oai tác quái?
Hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội còn tới trên 76.000 hộ đang trong tình trạng bị “nợ” sổ đỏ. Ảnh: Hải Anh |
Lỗi thuộc chủ đầu tư!
Năm 1998, ông Bùi Quốc Hội (phường Hàng Bông - quận Hoàn Kiếm) đăng ký mua một căn nhà liền kề, diện tích trên 130m2 tại địa chỉ 40M2 - Khu đô thị mới (KĐTM) Yên Hòa do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng dân dụng Hà Nội (Công ty CPDD) làm chủ đầu tư. Do những vướng mắc trong GPMB và xây dựng, mãi đến năm 2008, KĐTM Yên Hòa mới khánh thành, bàn giao nhà. Sau 3 lần góp vốn, năm 2010, ông Hội chuyển về nhà mới trong niềm vui hân hoan. "Trước khi nhận nhà, Công ty CPDD yêu cầu chúng tôi phải nộp nốt số tiền 5% giá trị căn nhà sau đó mới được nhận hóa đơn tất toán. Trong hợp đồng mua nhà được ký kết giữa hai bên (khách hàng và chủ đầu tư) cũng ghi rõ, sau khi người mua nhà thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính, chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn thành giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà cho các hộ dân" - ông Hội cho biết. Tuy nhiên, đã 4 năm trôi qua kể từ khi dọn về nhà mới, ông Hội và hàng trăm hộ dân tại KĐTM Yên Hòa vẫn chưa có sổ đỏ. Bức xúc, rất nhiều lần các hộ dân tại KĐTM đã đồng loạt ký đơn kiến nghị gửi chủ đầu tư và các cơ quan quản lý, nhưng vụ việc không được giải quyết. Theo ông Lương - Tổ phó tổ dân phố 74, KĐTM Yên Hòa, trong những lần tiếp xúc với đại diện nhân dân, phía chủ đầu tư là Công ty CPDD đều cho rằng, sở dĩ việc hoàn thiện các thủ tục làm sổ đỏ bị "tắc" là do các hộ dân đã tự ý sửa chữa, xây dựng sai so với thiết kế ban đầu. "Đây là điều hết sức vô lý. Bởi lẽ, khi xây dựng KĐTM Yên Hòa, Công ty CPDD thực hiện cơ chế "trọn gói", vừa là đơn vị thiết kế, xây dựng và thi công. Khi nhận nhà, mỗi hộ dân được chủ đầu tư giao cho một bản thiết kế riêng, có đóng dấu của công ty. Quá trình hoàn thiện, mỗi hộ được Ban Quản lý cử 2 kỹ sư trực tiếp tham gia giám sát, theo dõi chặt chẽ để bảo đảm việc sửa chữa, lắp đặt theo đúng thiết kế ban đầu" - ông Lương khẳng định. Tuy nhiên, theo thống kê của UBND quận Cầu Giấy, lý do thực sự khiến hàng trăm hộ dân tại KĐTM Yên Hòa chậm được cấp sổ đỏ không thuộc lỗi người dân mà do phía chủ đầu tư "chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước"!
Việc các hộ dân bị chủ đầu tư "nợ" sổ đỏ tại KĐTM Yên Hòa không phải là cá biệt. Riêng trên địa bàn quận Cầu Giấy, năm 2014 có 18 dự án cần cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở (GCN) với số lượng lên đến 6.659 hồ sơ, tuy nhiên số lượng hồ sơ có thể cấp chỉ đạt 1.313 trường hợp. Trong số 18 dự án cần cấp, duy nhất dự án KĐT Đông Nam nằm trên đường Trần Duy Hưng, do Tổng Công ty Vinaconex 6 làm chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành việc cấp GCN đến hộ dân. Tất cả 17 dự án còn lại đều có tỷ lệ cấp GCN rất thấp do nhiều lý do như đang thực hiện bàn giao; đang xây dựng; chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; các hộ gia đình chưa kê khai hồ sơ; căn hộ đang cho thuê... Đặc biệt, trong số đó có 6 dự án chủ đầu tư thể hiện sự bất hợp tác hoặc chây ỳ với cơ quan chức năng. Dẫn đầu trong 6 dự án này là dự án KĐTM Yên Hòa, nơi có 1.047 căn hộ biệt thự, nhà liền kề và chung cư, nhưng đến nay mới chỉ có 112 trường hợp đủ điều kiện được cấp sổ đỏ. Kế đến là 2 dự án tại KĐTM Dịch Vọng của các chủ đầu tư là Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm và Công ty Hoàng Hà, Công ty Hà Đô với tổng số 1.131 căn hộ cần cấp GCN năm 2014 nhưng các chủ đầu tư "chưa liên hệ với văn phòng đăng ký đất đai để thực hiện nộp hồ sơ pháp lý"...
Tương tự như Cầu Giấy, Hà Đông là quận có số lượng KĐTM phát triển nhiều trong thời gian gần đây, nên nhu cầu làm GCN rất lớn. Năm 2014, Hà Đông được thành phố giao cấp 8.000 GCN - là quận dẫn đầu về chỉ tiêu cấp GCN trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, đến hết tháng 8 năm 2014, với sự nỗ lực cao nhất của các cấp, các ngành, UBND quận mới cấp được 3.837 GCN, đạt 48% so với kế hoạch, vượt 596 GCN so với cả năm 2013 (năm 2013 cấp được 2.846 GCN). Đánh giá về thực trạng này, ông Vũ Ngọc Phụng, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho rằng, tiến độ cấp GCN chậm là do nguồn hồ sơ từ các dự án phát triển nhà ở còn ít, một số phường công tác xét duyệt cấp GCN còn chưa thường xuyên, số lượng hồ sơ chuyển lên Phòng TN&MT quận chưa bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đề ra.
Liệu có hết... vướng!?
Làm rõ trách nhiệm những bên liên quan, mới đây, Sở TN&MT Hà Nội đã công bố công khai 74 chủ đầu tư còn đang "nợ" GCN đối với khách hàng. Trong danh sách này có nhiều tên tuổi lớn như các đơn vị thành viên của Tổng Công ty Vinaconex, Công ty HUD, Sông Đà, Handico, Coma, Licogi, Lilama Hà Nội, Tổng Công ty Viglacera, Constrexim... Theo Sở TN&MT Hà Nội, để xảy ra tình trạng này, trước hết do chủ đầu tư thiếu trách nhiệm với người mua nhà, để tồn tại một số vấn đề trong quá trình hoàn thiện hồ sơ như thủ tục thanh lý hợp đồng, chậm xuất hóa đơn giá trị gia tăng, không xác nhận hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho khách hàng... Đáng kể hơn, bản thân chủ đầu tư cũng để xảy ra nhiều sai phạm như tiến độ dự án chậm, một số khác dừng thi công, tiến độ bàn giao không đúng kế hoạch dự kiến, thay đổi thiết kế, quy hoạch, quy mô công trình... Về vấn đề này, trong các đợt kiểm tra, giám sát, cơ quan chức năng TP Hà Nội cũng chỉ ra có nhiều dự án điều chỉnh tăng số phòng, tầng, tăng dân số để có lợi cho nhà đầu tư. Thậm chí tình trạng này xảy ra ở một số nơi là do chủ đầu tư tự ý điều chỉnh quy hoạch mà không xin phép, trong khi cơ quan có thẩm quyền không kiểm soát được cũng là lý do cấp GCN cho cư dân bị "tắc".
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản số 5839/UBND-TNMT, kể từ ngày 5-8-2014 cho phép Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội (VPĐKĐ) tổ chức tiếp nhận hồ sơ, thẩm định hồ sơ và làm thủ tục trình Sở TN&MT ký cấp GCN cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở. Đánh giá về sự điều chỉnh này, bà Phạm Thúy Hòa - Giám đốc Văn phòng đăng ký đất và nhà quận Hà Đông cho rằng, quy định này là phù hợp với bối cảnh hiện nay. Về lý, các dự án phát triển nhà ở do thành phố phê duyệt nên các thủ tục, hồ sơ pháp lý do các sở, ban, ngành thành phố quản lý, nắm giữ nên rất thuận lợi trong việc đôn đốc chủ đầu tư hoàn thành các nghĩa vụ đối với người mua nhà, đồng thời có chế tài đủ mạnh để xử lý các chủ đầu tư chây ỳ cấp GCN. Trường hợp chủ đầu tư cố tình chây ỳ, gây khó dễ cho người dân trong việc cấp sổ đỏ, thành phố có thể cho dừng các dự án của chủ đầu tư tại nơi khác. Bên cạnh đó, bản thân chủ đầu tư là các doanh nghiệp cũng được trực tiếp đề đạt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cấp GCN cho cư dân của mình. Tuy nhiên, không ít ý kiến tỏ ra nghi ngờ việc giao phó quá nhiều trọng trách cho VPĐKĐ Hà Nội trong khi đơn vị này chưa chứng tỏ được năng lực thời gian qua. Một chuyên viên thuộc Phòng TN&MT quận Ba Đình cho biết, phần lớn việc quản lý dự án của VPĐKĐ chỉ thực hiện trên giấy, do đó rất thiếu thực tế ngay từ khâu thống kê số chủ đầu tư 'nợ" sổ đỏ của người dân. Đơn cử, theo thống kê của VPĐKĐ, trên địa bàn quận Ba Đình hiện có 4 dự án nằm trong danh sách "chủ đầu tư nợ sổ đỏ người dân". Song khi kiểm tra thực tế, có 3/4 dự án đang trong quá trình thi công, chưa hoàn thiện. Đặc biệt, dự án còn lại là Trung tâm Thương mại Saphire 2 (phố Vĩnh Phúc) do Công ty cổ phần ĐT&XD Trường An làm chủ đầu tư, nhưng theo báo cáo của UBND phường, hiện trên địa bàn phường không có dự án nào mang tên Trung tâm Thương mại Saphire 2 tại phường Vĩnh Phúc. Tương tự, tại KĐT Yên Hòa, chủ đầu tư là Công ty CPDD, nhưng trong thống kê của VPĐKĐ, chủ đầu tư của KĐT này được "đổi tên" thành Công ty cổ phần ĐTXD và Thương mại Việt Nam (!?)...