Thước đo cải cách là sự hài lòng

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:36, 21/08/2014

(HNM) - Trong một thời gian ngắn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã liên tiếp có các buổi làm việc với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên & Môi trường về các vấn đề liên quan đến cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.



Và nữa, sau khi ra Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 43/NQ-CP áp dụng riêng cho các thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Trong đó định lượng rõ ràng: Cắt giảm ít nhất 40% thời gian thực hiện gắn với tiết kiệm tối đa chi phí tuân thủ thủ tục cho các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế. Đây là những tín hiệu mạnh mẽ cho thấy quyết tâm cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng của Chính phủ.

Thủ tục hành chính quá nhiều, thời gian thực hiện quá dài là vấn nạn đối với người dân và doanh nghiệp. Người ta nói, hành chính - "hành là chính" không phải là không có cơ sở, bởi nhiều dự án, công trình xây dựng từ khi bắt tay thực hiện thủ tục đến lúc khởi công mất từ 2 đến 3 năm, thậm chí 5 năm, cá biệt có những công trình bị "treo" đến cả chục năm và có nơi để khởi công được một công trình, nhà đầu tư phải "vượt qua" 40 thủ tục các loại. Bất cập này do đâu? Do có nhiều luật, nhiều văn bản hướng dẫn quy định cho việc tiến hành một dự án; do khi thực hiện, mỗi cơ quan, đơn vị lại có hướng dẫn riêng... Lòng vòng chạy thủ tục, tốn phí công của thế nào, có lẽ không phải nói thêm. Tóm lại, những phiền hà mà các nhà đầu tư đang phải chấp nhận không từ "trên trời rơi xuống" mà từ các cơ quan quản lý nhà nước.

"Quản lý nhà nước không phải là giành thuận lợi cho chúng ta mà quản lý là để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, làm ăn" - người đứng đầu Chính phủ đã nói như vậy. Tuy nhiên, để việc cải cách hành chính nói chung, cải cách thủ tục hành chính nói riêng thu được kết quả như mong muốn thì trước hết, các bộ, ngành, địa phương phải lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, của người dân; lắng nghe những lời kêu ca phàn nàn từ thực tiễn kinh doanh, sản xuất… Nếu không nghe, hoặc nghe không thấu đáo, không thể đưa ra những điều chỉnh tương ứng, những giải pháp phù hợp với thực tế… Và một điều không thể không làm là phải quyết liệt tẩy trừ tệ "tham nhũng vặt" trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức liên quan đến việc thực hiện thủ tục hành chính ở các cấp. Bởi đây cũng là một nguyên nhân dẫn tới những bức xúc xã hội.

Triển khai các giải pháp mạnh mẽ để tiến hành cuộc "cách mạng" về môi trường kinh doanh, tạo động lực phát triển mới trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng là hết sức cần thiết. Quyết tâm của Chính phủ đã rõ, nhiều diễn đàn, nhiều cuộc đối thoại giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp đã được tổ chức, nhiều tín hiệu khả quan đã được phát đi cùng với những lời hứa của không ít vị "tư lệnh" ngành. Vấn đề lúc này là cần hiện thực hóa quyết tâm bằng hành động cụ thể. Hiệu quả của việc cải cách thủ tục hành chính không chỉ được định lượng bằng việc cơ quan này, cơ quan kia đơn giản hóa được bao nhiêu thủ tục, mà quan trọng hơn là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp khi đến với cơ quan công quyền.

Thế Phương