Âm nhạc giúp cải thiện khả năng học của trẻ

Giáo dục - Ngày đăng : 09:37, 20/08/2014

Hát hay học chơi một nhạc cụ sẽ giúp trẻ em tăng khả năng ghi nhớ, cải thiện thành tích học tập.

Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng trẻ em học nhạc có thành tích học tập tốt hơn so với bạn bè ở trường. Tuy nhiên, nghiên cứu này mới chỉ thực hiện với trẻ em thuộc tầng lớp thượng lưu và trung lưu. Còn theo nghiên cứu mới, việc đào tạo âm nhạc có thể giúp trẻ em nghèo cải thiện ngôn ngữ và kỹ năng đọc của họ, Nature World News cho hay.

Âm nhạc giúp cải thiện bộ nhớ, kỹ năng đọc ở trẻ em. Ảnh: Reuters / Mario Anzuoni.


"Có sự khác biệt trong não bộ trẻ em lớn lên trong môi trường nghèo ảnh hưởng đến khả năng học hỏi, các học sinh giàu thường làm bài tốt hơn ở trường so với trẻ em có nguồn gốc thu nhập thấp. Chúng tôi thấy việc đào tạo âm nhạc có thể làm thay đổi hệ thống thần kinh, giúp trẻ em học tốt hơn, bù đắp khoảng cách học tập này”, tiến sĩ Nina Kraus từ trường Đại học Northwestern nói.

Đối tượng nghiên cứu là các học sinh có gia đình thuộc tình trạng kinh tế xã hội thấp, đang học tại trường công ở Chicago và Los Angeles, Mỹ. Trẻ em được chia thành hai nhóm, một nhóm tham gia vào các lớp học âm nhạc trong khi nhóm kia thì không, hai nhóm học sinh có chỉ số thông minh tương tự nhau khi bắt đầu nghiên cứu.

Các nhà khoa học ghi lại sóng não của trẻ em khi chúng nghe âm thanh lặp đi lặp lại với một nền âm nhạc mềm mại. Sau hai năm, phản ứng thần kinh của trẻ tham gia lớp học âm nhạc cao hơn học sinh khác. Tuy tiếp cận với âm nhạc không mang lại sự thay đổi nhanh chóng nhưng đây là cách tiếp cận dài hạn để cải thiện thành tích học tập của trẻ thuộc tầng lớp kinh tế xã hội thấp hơn.

"Chúng tôi đang chi tiêu hàng triệu đô la vào thuốc nhằm tăng khả năng tập trung ở trẻ em và ở đây chúng tôi có một sự can thiệp mà không cần sử dụng đến dược chất, hàng ngàn trẻ em hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp cận, được tạo điều kiện cải thiện kỹ năng học hỏi”, Margaret Martin chủ dự án “Sự hòa âm” ở Los Angeles nói.

Nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị thường niên thứ 122 của Hiệp hội tâm lý Mỹ.

Theo Lê Hùng