Khuyến khích dòng vốn tư nhân

Kinh tế - Ngày đăng : 06:46, 20/08/2014

(HNM) - Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện cắt giảm đầu tư công bằng vốn ngân sách, tăng thu hút đầu tư tư nhân.


Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, trong những năm gần đây thành phố đã thực hiện hiệu quả công tác tái đầu tư công, giảm tỷ trọng vốn khu vực nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Theo đó, năm 2011 vốn ngân sách chiếm 24,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; năm 2012 chiếm 21,8%; năm 2013 chiếm 20,9%. Bình quân 3 năm 2011-2013 tỷ trọng vốn khu vực nhà nước chiếm 22,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tại Quyết định 339/ QĐ-TTg là 35%-40% tổng đầu tư xã hội. 

Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội của TP Hồ Chí Minh suy giảm, gây lo ngại cho sự phát triển của thành phố.


Song song với cắt giảm đầu tư công, TP Hồ Chí Minh đã chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng, các ngành, các sản phẩm có lợi thế và tiềm năng phát triển. Nhờ chủ trương khuyến khích của thành phố, vốn ngoài nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội có xu hướng tăng dần từ 59,9% năm 2011 lên 62,7% năm 2013; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng có xu hướng tăng nhẹ từ 15,5% năm 2011 lên 16,1% năm 2013.

Cũng theo UBND TP Hồ Chí Minh, tổng mức đầu tư toàn xã hội duy trì tăng trưởng hằng năm: Giai đoạn 2011-2013, đạt gần 645.000 tỷ đồng, tăng 7,48% so với giai đoạn 2006-2010; bình quân đạt gần 215.000 tỷ đồng/năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 60.134 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,1%). Tuy vậy, do kinh tế khó khăn nên mức tăng trưởng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong 3 năm gần đây ngày càng thấp đi so với cùng kỳ: Năm 2011, tổng đầu tư tăng 19,3%; năm 2012 tăng 6,9%; năm 2013 tăng 3,7% và 6 tháng đầu năm 2014, chỉ còn tăng 3,2% (so với cùng kỳ năm 2013).

Mục tiêu tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015 là hơn 1,4 triệu tỷ đồng, vì vậy theo các chuyên gia kinh tế thì tổng mức đầu tư toàn xã hội trong 3 năm 2011-2013 chỉ mới đạt khoảng 645.000 tỷ đồng (khoảng 46%) là còn rất thấp so với yêu cầu. Bên cạnh đó, tỷ trọng đầu tư tư nhân tuy có tăng hằng năm nhưng tốc độ tăng so với cùng kỳ cũng giảm: Năm 2011 tăng 44%, năm 2012 tăng 10,7% và năm 2013 tăng chỉ có 5%.

Theo ông Trần Du Lịch, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, do tình hình kinh tế khó khăn nên giảm đầu tư xã hội là sự giảm sút chung cả nước chứ không riêng ở TP Hồ Chí Minh. Lý do là nền kinh tế không hấp thụ vốn và trì trệ nên đầu tư xã hội bị giảm. Tuy nhiên, ông Trần Du Lịch cũng cảnh báo rằng, tăng trưởng kinh tế của TP Hồ Chí Minh hiện nay nhờ vào việc đầu tư toàn xã hội của những năm trước đây. Nếu mức tăng trưởng đầu tư toàn xã hội tiếp tục giảm như giai đoạn hiện nay thì tiềm năng tăng trưởng trong tương lai, cụ thể là giai đoạn 2016-2020 sẽ giảm dần.

Theo ông Lê Mạnh Hà, TP Hồ Chí Minh đã và đang thu hút vốn đầu tư xã hội bằng nhiều hình thức và sẽ làm hết sức mạnh mẽ bằng các chủ trương xã hội hóa đầu tư. Bên cạnh các cơ chế khuyến khích bằng chủ trương chính sách rõ ràng, thành phố cũng thực hiện cải cách hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư nhằm thu hút các nguồn vốn. Còn các chuyên gia kinh tế lưu ý, khi cắt giảm đầu tư công thì thành phố cần có chính sách rõ ràng để thu hút và khuyến khích nguồn vốn đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước.

Đặng Loan