Đưa đặc sản Việt vào siêu thị

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:34, 20/08/2014

(HNM) - Thời gian qua, nhiều siêu thị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tăng cường các biện pháp hỗ trợ để đưa sản phẩm Việt vào siêu thị nhiều hơn.

Nhiều loại trái cây đặc sản Việt Nam được bán trong các siêu thị. Ảnh: Hồ Như


Tại các siêu thị Big C, Co.opmart, Hiway… người tiêu dùng không chỉ choáng ngợp với lượng hàng hóa lớn mà còn được thỏa mãn việc "săn lùng" các loại đặc sản nổi tiếng ở nhiều địa phương trên cả nước. Chỉ riêng mặt hàng lương thực đã có đủ các loại gạo như gạo Hương Việt, Xiêm Hồng, Tám Xoan… để các bà nội trợ lựa chọn. Ngoài ra còn nhiều loại nông sản, thực phẩm nổi tiếng, như tỏi Lý Sơn, xoài cát Hòa Lộc, Sầu Riêng Sáu Ri… Tại hệ thống siêu thị Co.opmart, với khoảng 700 nhà cung cấp, chủ yếu là doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước, nên lượng hàng Việt chiếm 90-95% cơ cấu hàng hóa. Trong đó, các mặt hàng lương thực, thực phẩm chiếm 96%...

Tại hệ thống siêu thị Big C, Hiway, lượng hàng Việt cũng chiếm hơn 95%, do các sản phẩm làng nghề, đặc sản, thực phẩm sạch… được ưu tiên trong chiến lược kinh doanh của hệ thống. Nhờ đó, nhiều chủng loại hàng hóa từ các địa phương trên cả nước đã xuất hiện tại siêu thị, giúp người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn khi mua sắm.

Tuy nhiên, để vào được siêu thị, các nhà sản xuất hàng Việt phải đáp ứng được những tiêu chí khá khắt khe của nhà phân phối. Ý kiến chung của nhiều nhà phân phối đều cho rằng, khi nhà nông sản xuất đặc sản và nhà phân phối có sự liên kết chặt chẽ thì cơ hội kinh doanh mặt hàng này sẽ được mở rộng và ổn định. Đây cũng là yếu tố quyết định việc nâng cao chất lượng và vị thế của loại sản phẩm này. Hiện nay, các nguồn cung cấp đặc sản vẫn theo hướng tự phát, sản phẩm ở các vùng miền vẫn sản xuất theo dạng thủ công rời rạc, công nghệ lạc hậu, nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng. Bên cạnh đó, do làm theo mùa vụ, thụ động trong khâu sản xuất và chế biến nên nguồn hàng cung cấp không ổn định.

Theo đại diện hệ thống siêu thị Co.opmart, điểm yếu nhất của các cơ sở sản xuất và DN nhỏ hiện nay là chất lượng sản phẩm chưa đồng nhất và không đáp ứng được yêu cầu khi nhà phân phối đặt hàng với số lượng lớn và ổn định trong thời gian dài. Các DN còn yếu ở khâu bảo quản, lưu trữ và vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, hầu hết DN vừa và nhỏ đều chưa quen với những thủ tục như giấy kiểm định, chứng nhận an toàn thực phẩm… chưa kể các khoản khác như chi phí cho các chương trình khuyến mãi, phí thuê quầy, kệ.

Ông Lê Thành Trung, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN vừa và nhỏ (thuộc siêu thị Big C) cho biết, đa số nhà cung cấp khó tiếp cận kênh phân phối lớn là do thiếu tính chuyên nghiệp (mã số, mã vạch, hàng không đúng chuẩn), quy mô nhỏ lẻ, chất lượng hàng không đồng đều. Bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, nhiều sản phẩm đặc sản của các DN làng nghề chất lượng tốt nhưng vẫn khó vào siêu thị, do DN thiếu nguồn vốn, kinh nghiệm phát triển thị trường, khả năng quản trị…

Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian qua các nhà phân phối đã nỗ lực trong việc hỗ trợ các nhà sản xuất cải thiện chất lượng, mẫu mã hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như yêu cầu của các hệ thống phân phối hiện đại. Trước hết phải kể đến hoạt động hỗ trợ của Saigon Co.op (đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Co.opmart). Từ năm 2009 đến nay, Saigon Co.op đã ký với hơn 40 nhà cung cấp. Ở các tỉnh và các cơ quan chức năng hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho các hợp tác xã, các DN sản xuất những mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP cung cấp cho người tiêu dùng. Với cách làm này, nhiều sản phẩm nông sản đã có đầu ra và giá ổn định khi được siêu thị Co.opmart bao tiêu sản phẩm. Dù không trực tiếp hỗ trợ nông dân chuyển đổi theo mô hình VietGAP, nhưng Big C đã, đang tích cực trong việc phối hợp với nhà cung cấp vừa và nhỏ tại các tỉnh chuẩn hóa quy trình sản xuất. Thông qua Trung tâm hỗ trợ DN vừa và nhỏ Big C, các nhà cung cấp vừa và nhỏ đã được hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện thiếu sót trong thực hiện mã số, mã vạch, chất lượng hàng… để đưa hàng vào Big C.

Để đưa được các mặt hàng đặc sản vào siêu thị thành công, điều cốt yếu phụ thuộc ở chất lượng sản phẩm. Đồng thời, DN phải chủ động sản xuất, liên kết để sẵn sàng cung ứng khi hàng của mình được người tiêu dùng chấp nhập. Làm được như vậy, hàng hóa mới có thể "bám rễ" sâu hơn ở siêu thị.

Thanh Hiền