Bán đảo Triều Tiên: Sức mạnh không mang đến hòa bình
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:06, 20/08/2014
Với mong muốn hai miền Triều Tiên thống nhất thành "một gia đình, một dân tộc" trên tinh thần vị tha cũng như hòa giải, người đứng đầu Giáo hội Công giáo kêu gọi hai quốc gia láng giềng này sớm giải quyết mọi bất đồng thông qua đối thoại hòa bình.
Triều Tiên không ngừng phản đối tập trận chung Mỹ - Hàn mang tên “Người bảo về tự do Ulchi”. |
Thế nhưng, khi lời nguyện cầu vừa mới kết thúc, những tín hiệu leo thang căng thẳng đã liên tiếp xuất hiện trên bán đảo Triều Tiên. Bắt đầu là một loạt vụ bắn thử tên lửa tầm ngắn ngay sau khi phi cơ chở Giáo hoàng Francis đáp xuống sân bay ở thủ đô Seoul. Dù Triều Tiên khẳng định việc thử tên lửa chiến thuật mới phát triển này không phải là hành động khiêu khích nhằm biểu dương sức mạnh vũ trang chống lại chuyến thăm của Giáo hoàng, nhưng động thái mới nhất của Bình Nhưỡng khiến dư luận không khỏi quan ngại. Triều Tiên nhấn mạnh vụ thử trên một lần nữa chứng tỏ độ chính xác và khả năng thao diễn của lực lượng tên lửa nước này. Bất chấp những quan ngại của Hàn Quốc cũng như dư luận khu vực, Bình Nhưỡng tuyên bố nước này sẽ tiếp tục tiến hành các vụ bắn thử tên lửa tầm ngắn trong thời gian tới.
Sau "cử chỉ" làm nóng bầu không khí vốn thường xuyên căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên của Bình Nhưỡng, Hàn Quốc khai màn cuộc tập trận chung thường niên mang tên "Người bảo vệ tự do Ulchi" với Mỹ trong thời điểm diễn ra lễ cầu nguyện cho hòa bình. Phần lớn được tiến hành mang tính giả định trên máy tính, cuộc tập trận có sự tham gia của hàng chục nghìn binh sĩ Hàn Quốc và Mỹ nhằm đánh giá khả năng sẵn sàng chiến đấu trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược từ Triều Tiên. Kéo dài đến hết ngày 29-8, đây là lần đầu tiên "Người bảo vệ tự do Ulchi" mô phỏng hành động đáp trả nguy cơ tấn công hạt nhân, sử dụng chiến lược răn đe từng được Mỹ và Hàn Quốc thảo luận tại cuộc đối thoại quốc phòng thường niên hồi năm ngoái.
Cho dù Hàn Quốc và Mỹ đều lên tiếng khẳng định, đây là cuộc tập trận chung mang tính cố định và không nhằm vào Bình Nhưỡng, nhưng Triều Tiên vẫn đưa ra những phản đối quyết liệt. Trong một tuyên bố mới nhất, Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định: Các cuộc tập trận chung liên tiếp với quy mô ngày càng lớn trên bán đảo Triều Tiên là "những hành động khiêu khích quân sự nghiêm trọng nhằm vào Triều Tiên" và "phá hoại hòa bình, an ninh và không thể tha thứ". Bình Nhưỡng nhấn mạnh rằng, việc Mỹ đưa "chiến lược răn đe thích hợp" vào cuộc tập trận "Người bảo vệ tự do Ulchi" là "lời đe dọa hạt nhân công khai đối với Triều Tiên". Bình Nhưỡng sẽ "mở cuộc tấn công phủ đầu mạnh nhất từ trước đến nay" nếu cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn Quốc diễn ra. Tuyên bố còn kêu gọi cộng đồng quốc tế thừa nhận tính chính đáng của các biện pháp tự vệ mà nước này thực hiện nhằm bảo vệ đất nước, ngăn cản các cuộc tập trận hạt nhân "khiêu khích" của Mỹ và Hàn Quốc. Bên cạnh đó, tuyên bố còn cảnh báo Triều Tiên sẽ tiếp tục "các hành động phản kháng tự vệ thường xuyên và thường niên ở cấp độ cao hơn mà không ai dự đoán được".
Đây không phải lần đầu Triều Tiên tiến hành các vụ thử tên lửa tầm ngắn và cũng không phải lần đầu tiên Hàn Quốc và Mỹ tiến hành các cuộc tập trận chung thường niên. Tuy nhiên, trong bối cảnh lòng tin ngày càng bị xói mòn, sự nghi kỵ ngày càng tăng cao, mọi động thái từ cả hai phía đều được nhìn nhận bằng sự thiếu thiện chí. Điều đó khiến cho tiến trình đối thoại cũng như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trở nên khó khăn và mong manh hơn. Hơn 6 thập kỷ đã qua kể từ sau cuộc chiến tranh 1953, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên mới được thực hiện trên cơ sở một thỏa thuận đình chiến. Hàng loạt vụ bắn tên lửa, thử hạt nhân, những lời lẽ cứng rắn hay chỉ trích lẫn nhau đều đã diễn ra nhưng rốt cuộc vẫn chưa mang đến hòa bình thực sự cho bán đảo tại Đông Bắc Á này. Như thế để thấy rằng mọi sự phô trương sức mạnh chỉ làm lập trường các bên thêm xa cách và không dẫn đến một tương lai ổn định.