Phá thế độc canh
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:44, 20/08/2014
Nước ta là nước nông nghiệp, nghề làm ruộng nghìn đời nay là trồng lúa nước. Lúa nước nuôi sống người từ đời này qua đời khác, thấm vào tâm lý, vào cuộc sống, vào văn hóa. Nghĩ về nông thôn, về nghề nông, về nông dân là nghĩ đến lúa nước. Giờ không trồng lúa nữa thì trồng cây gì, chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn - người dân đều muốn, thế nhưng kinh nghiệm ở đâu, thành bại thế nào, ai mà đoán trước được. Đó là lo lắng chung của nông dân và điều đó không phải không có lý.
Làm ruộng bây giờ không giống ngày xưa. Ngày xưa giống cũ, canh tác phụ thuộc vào thiên nhiên và kinh nghiệm, năng suất thấp, chỉ 1 tạ đến 3 tạ/sào Bắc bộ, không giữ diện tích lúa là đói. Ngày xưa lúa được mùa cũng chỉ đủ ăn, giá luôn ổn định. Ngày xưa người ít, một lao động có hàng mẫu đất canh tác, ở Nam bộ, có gia đình vài ba trăm mẫu lúa. Diện tích ấy trồng lúa nếu được mùa, có thể nuôi sống mình, gia đình và còn để bán. Ngày nay giống, kỹ thuật thâm canh, điều kiện canh tác đã khác, mỗi héc ta có khi thu được cả chục tấn lúa. Được mùa, lúa trên thị trường thừa, giá lúa hạ, hàng chục năm diễn đi diễn lại cảnh "được mùa rớt giá" chưa có lối thoát. Dân số tăng trong khi đất không đẻ thêm, từ chỗ thả sức cày bừa đến chỗ bình quân mỗi lao động 2 sào đất, mỗi sào cả năm canh tác lúa, lãi 200.000 đồng, người nông dân sống bằng gì? Thiếu đất, thừa lao động lại đưa cơ giới, khoa học - kỹ thuật vào nữa lao động càng thừa thêm, đành bỏ nhà ra thành phố mưu sinh.
Thế nên phải bứt phá, bằng giống mới, bằng kỹ thuật, bằng thị trường và bằng phá thế độc canh, thay đổi cơ cấu cây trồng, rút bới diện tích lúa, thay bằng các giống cây khác phù hợp, có hiệu quả hơn. Chỉ có thay đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị nông sản trên thị trường mới có thể đem lại đời sống ấm no cho nông dân - một mục tiêu quan trọng hàng đầu của xây dựng nông thôn mới và chỉ xây dựng thành công nông thôn mới mới có thể đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đó là ý nghĩa quan trọng của chủ trương rút bớt 280.000ha lúa trong đất nông nghiệp.
Hà Nội tuy là thành phố nhưng có tới 61% diện tích là đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nông thôn. Đất chật người đông, đất nghèo trồng lúa không đủ ăn là hoàn cảnh bắt buộc, mặt khác là cơ hội để chuyển đổi từ lúa sang các loại hoa, cây ăn quả, cây đặc sản... Người Hà Nội thông minh, có nhiều kinh nghiệm trồng trọt, tiếp xúc thường xuyên với thị trường, đã có nhiều mô hình thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng như trồng hoa, trồng cây ăn quả, cây thuốc, cây đặc sản cho thu nhập gấp hàng chục lần trồng lúa. Với những kinh nghiệm và điều kiện thuận lợi này, chắc chắn việc hưởng ứng chủ trương rút một phần đất lúa sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn sẽ hỗ trợ cho phong trào xây dựng nông thôn mới của Hà Nội nhanh hơn, mạnh hơn.