Tăng huy động vốn để kích thích kinh tế Hà Nội phát triển
Kinh tế - Ngày đăng : 19:04, 19/08/2014
Theo ông Ngô Văn Quý – Giám đốc Sở KHĐT Hà Nội: Trong hai năm 2013 -2014, tổng ngân sách TP Hà Nội dành cho đầu tư phát triển (tính đến tháng 6/2014) là hơn 42.657 tỷ đồng, bằng 46,63% kế hoạch 3 năm 2013 – 2015 là 90.112 tỷ đồng; trong đó vốn bố trí cho 396 dự án ngoài trọng điểm trên 7.001 tỷ đồng, cho các công trình trọng điểm là 7.130 tỷ đồng (chưa kể 3.000 tỷ đồng kế hoạch trái phiếu xây dựng Thủ đô năm 2014).
Dự kiến, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển của TP Hà Nội trong cân đối ngân sách năm 2015 rất lớn, gần 32.501 tỷ đồng, riêng ngân sách cấp TP cho các dự án xây dựng cơ bản là 21.657 tỷ đồng.
Để tăng cường công tác quản lý đầu tư từ NSNN, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, trong kế hoạch năm 2015, Hà Nội chủ trương cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung, hiệu quả, giảm dần tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Hà Nội cũng chủ trương rà quỹ đất sạch, quỹ đất 20% tại các khu đô thị, các quỹ đất dự kiến đối ứng các dự án BT dừng triển khai thực hiện để tổ chức đấu thấu, đấu giá tạo nguồn vốn cho công trình trọng điểm; Phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô để bổ sung vốn cho các công trình trọng điểm.
Một góc phía Tây Hà Nội. Nguồn ảnh: Zing. |
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội phản ánh, trong thời gian qua khó khăn trong thu hút nhà ĐTNN vì giá thuê đất quá cao. Trong khi đó, thực hiện quy hoạch của Hà Nội, một loạt các nhà máy công nghiệp chủ lực, mũi nhọn đã chuyển ra ngoài Hà Nội.
Giải đáp vướng mắc trên, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh giao Cục ĐTNN phối hợp cùng Hà Nội thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao, tinh xảo thay cho các nhà máy công nghiệp chủ lực “cũ”. Bộ trưởng cũng chia sẻ mới ký văn bản Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận để 63 tỉnh, thành, nơi nào cũng trở thành “tỉnh công nghiệp” vào năm 2020. Dựa trên thế mạnh của địa phương, các tỉnh, thành phải xem xét lại mũi nhọn. Ví như, thế mạnh của các tỉnh ĐBSCL phải là nông nghiệp, ở miền Trung là du lịch – dịch vụ…
Tại hội nghị, qua ý kiến đóng góp của các đại biểu Bộ KHĐT và của Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KHĐT đánh giá qua 7 tháng đầu năm, trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn những Hà Nội có nhiều cố gắng. Tuy không đạt mục tiêu quý I nhưng cả năm vẫn dự kiến hoàn thành. Bộ trưởng đề nghị Hà Nội cần đi vào các vấn đề lớn như giải quyết khó khăn cho DN, vấn đề tái cấu trúc DN Nhà nước, thu hút đầu tư. Bộ trưởng nhấn mạnh, Hà Nội là trung tâm lớn, nhưng cũng có thách thức riêng đó là vướng mắc về giá đất, diện tích đất, lao động cũng không dễ tuyển dụng.
Về kế hoạch năm 2015, Bộ trưởng đánh giá Hà Nội đã và đang làm nghiêm túc. Đề nghị năm 2015 có thay đổi là giao Tổng cục thống kê tính chỉ số GRDP theo phương pháp mới, loại trừ yếu tố trùng lặp để có con số tương đối chính xác. Về các chỉ tiêu đầu tư và thu ngân sách, Bộ KHĐT phối hợp với TP để thống nhất cho phù hợp.
Riêng về vấn đề tài chính ngân sách, tỷ lệ để lại cho Hà Nội là 42%, TP đề nghị 45%. Hà Nội có nhu cầu đầu tư rất lớn, Bộ KHĐT cần phải làm việc Bộ GTVT để qua đó đánh giá nhu cầu xây dựng cầu đường của Hà Nội. Bộ trưởng thống nhất cần tính ngân sách lớn hơn để Hà Nội có nguồn để đầu tư mở rộng. Cho phép Hà Nội huy động nguồn vốn trong nước nâng mức huy động lên 150%. Bộ KHĐT sẽ làm công văn kiến nghị Bộ Tài chính trình để Chính phủ chấp thuận.
Với vấn đề đầu tư phát triển, Bộ trưởng giao vụ địa phương rà soát lại các vấn đề Bộ có thể hỗ trợ Hà Nội. Tháo gỡ cho Hà Nội trong các dự án ODA (Hà Nội và T PHCM hiện đang sử dụng nhiều ODA nhất). Bộ KHĐT cũng đồng ý hỗ trợ Hà Nội trong việc xúc tiến đầu tư, giới thiệu nhà đầu tư để Hà Nội có thêm vốn ngoại để phát triển.