Vì sao ngành đường sắt bị “tước” quyền chủ đầu tư hàng loạt dự án?
Kinh tế - Ngày đăng : 08:14, 19/08/2014
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông do Cục ĐSVN làm chủ đầu tư vừa bị Bộ GTVT thay thế (ảnh: Hữu Nghị) |
Nhiều người cho rằng, động thái “tước” quyền làm chủ đầu tư của hàng loạt dự án đường sắt sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn ODA đối với Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) và Tổng Công ty ĐSVN của Bộ GTVT - điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử của ngành này - chắc hẳn phải xuất phát từ những nguyên nhân rất lớn.
Trao đổi với PV Dân trí, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho hay: Thời gian qua, Cục ĐSVN và Tổng Công ty ĐSVN được giao làm chủ đầu tư các dự án đường sắt nhưng không thể hiện được vai trò, năng lực điều hành, quản lý và triển khai các dự án của ngành mình.
Nói về lí do cụ thể dẫn tới quyết định chuyển chức năng chủ đầu tư 18 dự án đường sắt cùng lúc, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Tiến độ thực hiện các dự án đường sắt chậm và chất lượng không đảm bảo, ở các dự án có vốn vay ODA thì việc quản lý và sử dụng nguồn vốn không hiệu quả”.
Cũng theo người đứng đầu ngành GTVT, việc chuyển chức năng chủ đầu tư các dự án đường sắt cũng nằm trong lộ trình tái cơ cấu, sắp xếp lại Tổng Công ty ĐSVN và các BQL Dự án đường sắt của Bộ GTVT. Vì vậy, cùng với việc chuyển chức năng chủ đầu tư các dự án, BQL Dự án đường sắt thuộc Cục ĐSVN và Tổng Công ty ĐSVN cũng sẽ được khẩn trương chuyển về BQL Dự án đường sắt trực thuộc Bộ GTVT.
Liên quan đến vấn đề này, Vụ Kế hoạch - Đầu tư có nhiệm vụ chủ trì, giải quyết các thủ tục với các nhà tài trợ vốn ODA về việc chuyển chủ đầu tư dự án. Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông sẽ chủ trì, tham mưu công tác đấu thầu, thực hiện đầu tư, thẩm định phê duyệt thiết kế để không làm gián đoạn quá trình thực hiện đầu tư các dự án.
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Mục đích chuyển chức năng chủ đầu tư và sáp nhập các BQL về trực thuộc Bộ nhằm tổ chức lại hệ thống BQL Dự án đường sắt, khắc phục những tồn tại và yếu kém để quản lý và điều hành tốt hơn, đảm bảo chất lượng các dự án đường sắt. Quyết định này cũng nhằm chống tiêu cực, chống tham nhũng tại các dự án đường sắt và ngành đường sắt”.
Rõ ràng, khi yêu cầu tiến độ và chất lượng các công trình giao thông đang được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là các dự án đường sắt có vốn vay ODA từng bị các nhà tài trợ “cân nhắc” tiếp tục hay tạm dừng, thì việc khẩn trương thay thế chủ đầu tư là hoàn toàn chính đáng.
Cần phải nói thêm rằng, với ngành đường sắt, ngoài sự “chậm tiến” còn phải kể đến những sự vụ ồn ào xảy ra trong thời gian qua. Điển hình là dự án đầy tai tiếng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) giai đoạn 1, sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản với trị giá 4,2 tỷ Yen - các quan chức cấp cao của ngành đường sắt Việt Nam bị nhà thầu JTC Nhật Bản tố giác nhận hối lộ 80 triệu Yên vào hồi tháng 3. Hiện nay 6 lãnh đạo của BQL Dự án đường sắt thuộc Cục ĐSVN và Tổng Công ty ĐSVN đã bị cơ quan công an bắt giữ để điều tra.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông (sử dụng vốn vay Trung Quốc) cũng “rùm beng” vì phải điều chỉnh tổng mức đầu tư thêm 300 triệu USD. Tại dự án này, Bộ trưởng Đinh La Thăng từng đình chỉ công tác đối với Cục trưởng Cục ĐSVN vì có phát ngôn không đúng và thiếu trách nhiệm gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành GTVT.
Trong bối cảnh hiện nay, không phải là chuyện khó hiểu khi Bộ GTVT liên tiếp đưa ra những quyết định “sống còn” cho ngành đường sắt. Và đây có lẽ cũng chính là những “liều thuốc” tốt nhất trong cuộc “đại phẫu” nhằm đổi mới toàn diện ĐSVN.