Toàn ngành xắn tay vào cuộc
Giáo dục - Ngày đăng : 06:44, 19/08/2014
Nhận rõ nhiều bất cập
Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã ưu tiên đầu tư, tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng và ban hành chính sách quản lý và thực hiện việc thanh tra, kiểm tra các điều kiện bảo đảm chất lượng GDĐH. Kết quả có được từ công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động đào tạo cho thấy nhiều vấn đề bất cập trong lĩnh vực này.
Thí sinh tại kỳ thi đại học năm 2014. Ảnh: Như Ý |
Tại hội nghị giữa hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ, Thứ trưởng Bùi Văn Ga thừa nhận rằng: Điều kiện cơ sở vật chất chưa bảo đảm yêu cầu là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả đào tạo. Kết quả kiểm tra việc thực hiện cam kết thành lập trường tại 25 cơ sở (16 trường công lập, 9 trường ngoài công lập) cho thấy một số trường chưa có đất hoặc chưa xây dựng được cơ sở riêng tại địa điểm đăng ký, vẫn phải thuê mượn địa điểm để hoạt động. Thiết bị đào tạo, phòng thí nghiệm tại các trường ĐH, CĐ còn yếu, chỉ có 22,5% phòng thí nghiệm được đánh giá có chất lượng thiết bị tốt; tính trung bình, 3,6 giảng viên, 27,3 sinh viên mới có một máy tính. Mặc dù số giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ tăng lên nhưng so với yêu cầu đổi mới, chất lượng đội ngũ giảng viên vẫn được đánh giá là thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.
Trong số 71 cơ sở GDĐH có báo cáo về tình hình xây dựng và công bố chuẩn đầu ra, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng đa số cơ sở làm việc này một cách hình thức, hầu như không gắn với chương trình đào tạo, cách thức tổ chức đào tạo và đánh giá kết quả học tập của người học cũng như các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo khác. Đặc biệt, việc xây dựng và công bố chuẩn đầu ra chưa gắn với trách nhiệm người học, trách nhiệm với xã hội của các cơ sở GDĐH.
Trong công tác tổ chức đào tạo cũng có nhiều vấn đề đáng lo ngại: Kết quả thẩm định hồ sơ và luận án tiến sĩ năm 2013-2014 cho thấy, việc quản lý hồ sơ đào tạo nghiên cứu sinh trong giai đoạn đầu chưa tốt, nhiều hồ sơ không đầy đủ, chưa bảo đảm quy trình bảo vệ luận văn (hơn 89% số hồ sơ thẩm định phải bổ sung, rút kinh nghiệm). Chất lượng luận án chưa cao (79% phải chỉnh sửa, bổ sung và 3,1% không đạt yêu cầu, phải thành lập hội đồng thẩm định).
Theo các chuyên gia giáo dục, những hạn chế nói trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Do phân tầng cơ sở GDĐH chưa rõ ràng nên các trường không xác định được mục tiêu đào tạo cụ thể, điều này dẫn đến thực tế là người được đào tạo theo hướng ứng dụng lại thiếu kỹ năng thực hành, được đào tạo theo hướng nghiên cứu lại thiếu kiến thức chuyên sâu về lý thuyết. Hiện tại, các trường ĐH còn thiếu đội ngũ quản trị giàu kinh nghiệm. Dù Luật GDĐH đã trao cho các trường quyền tự chủ rất cao nhưng lãnh đạo các trường vẫn còn dè dặt, chưa thoát được tư duy bao cấp. Hệ thống GDĐH bị quá tải trong khi hệ thống dạy nghề khó tuyển người học, việc phân luồng khó thực hiện.
Thay đổi tư duy, vào cuộc mạnh mẽ
Để đạt được mục tiêu trước mắt và lâu dài theo Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, ngành GDĐH đã đề ra những giải pháp cụ thể cần phải thực hiện một cách khẩn trương, trong đó có việc sớm soạn thảo Nghị định phân tầng, xếp hạng các cơ sở GDĐH. Theo đó, thực hiện Luật GDĐH, các cơ sở GDĐH cần phân thành 3 nhóm, gồm định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng và các trường CĐ thực hành nghề nghiệp. Với công tác kiểm định chất lượng đào tạo, bao gồm kiểm định chất lượng chương trình và chất lượng cơ sở GDĐH - vốn đang gây bức xúc, Bộ GD-ĐT đã thành lập hai trung tâm kiểm định trực thuộc hai ĐH quốc gia nhưng trong thời gian tới cần có thêm một số trung tâm ở các vùng, miền trên cả nước nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm định.
Lãnh đạo các trường ĐH đã bày tỏ ý kiến về các giải pháp mà Bộ GD-ĐT đề ra. Nhiều người nhấn mạnh tới việc xây dựng đội ngũ - cả về chất và lượng, không chỉ về năng lực chuyên môn mà cả về năng lực quản trị. Về chuẩn đầu ra, các trường cần có cam kết mạnh mẽ, minh bạch để bảo đảm chất lượng sinh viên sau tốt nghiệp. Trong quá trình thảo luận, các đại biểu cũng nhấn mạnh sự cần thiết có cơ quan dự báo nhu cầu nhân lực trong tương lai gần để làm cơ sở cho thí sinh chọn ngành, chọn trường ĐH, chú trọng việc xây dựng chiến lược ngắn hạn, trung hạn, dài hạn về phát triển nhà trường, bảo đảm sự phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập. Không ít người ủng hộ việc tập trung quản lý các trường, chuyển hệ thống trường nghề - hiện thuộc Bộ LĐ-TB&XH quản lý - về Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, nhiều ý kiến tập trung về vấn đề quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH. Các trường đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu ban hành quy định đơn giản hơn để các trường thực hiện quyền tự chủ một cách thuận lợi; không nên chú ý quá nhiều vào vấn đề tuyển sinh mà lơi lỏng quy trình đào tạo, bởi nếu không có quy trình thực sự chặt chẽ, chất lượng thì không thể có kết quả đào tạo tốt.
Ghi nhận ý kiến từ các nhà trường, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng các trường cần tiếp tục tổ chức thảo luận rộng rãi để thu thập ý kiến đóng góp cho đề án đổi mới GD-ĐH trên cơ sở tổ chức thảo luận chung trong các khối, ngành. Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, điều quan trọng nhất là cần có sự đổi mới về tư duy, toàn ngành, toàn đội ngũ phải thay đổi và cùng vào cuộc.