Cơn sóng ngầm chủng tộc
Hồ sơ - Ngày đăng : 06:26, 19/08/2014
Bất chấp tình trạng khẩn cấp được ban bố và lệnh giới nghiêm được áp dụng từ nửa đêm tới 5h00 sáng hôm sau, người biểu tình vẫn tiếp tục tụ tập tại thị trấn Ferguson, buộc cảnh sát phải dùng bom khói và hơi cay để giải tán. Tuy nhiên, các đoàn người biểu tình vẫn không chịu rời các đường phố, hô vang khẩu hiệu đòi bãi bỏ lệnh giới nghiêm và đòi xét xử viên sĩ quan cảnh sát bắn chết thanh niên da đen 18 tuổi này.
Người biểu tình đòi công bằng cho M.Brown trên đường phố Ferguson, bang Missouri (Mỹ) ngày 16-8. |
Đã có nhiều luồng thông tin trái chiều về nguyên nhân của vụ việc. Theo lời kể của nhân chứng là người bạn của Brown, cảnh sát đã rút súng bắn Brown mặc dù người này làm theo mọi yêu cầu. Trái lại, cảnh sát tuyên bố thanh niên này đã tấn công và tìm cách cướp vũ khí khiến cảnh sát buộc phải nổ súng. Hiện danh tính của người cảnh sát bắn chết Brown vẫn được giấu kín và người này cũng được cho tạm thời nghỉ việc trong thời gian tiến hành điều tra. Hơn một tuần sau cái chết của Brown, làn sóng biểu tình tại Ferguson đã biến thành bạo động với hàng loạt cửa hàng và cây xăng bị đốt phá cùng các vụ đụng độ giữa lực lượng thực thi luật pháp với người biểu tình. Thậm chí, vụ án mạng này đã làm bùng phát làn sóng phản đối không chỉ ở thị trấn Ferguson với 21.000 dân, chủ yếu là da màu, mà còn ở nhiều thành phố của Mỹ. Người dân thị trấn Ferguson cho rằng, Brown bị sát hại vì màu da của mình. Trước tình hình trên, Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết Bộ Tư pháp Mỹ sẽ vào cuộc để điều tra chi tiết về cái chết của thanh niên này.
Từng có quá khứ phân biệt chủng tộc, thị trấn Ferguson đã chứng kiến sự thay đổi nhân khẩu rõ rệt trong những thập kỷ gần đây do số người da màu sinh sống ở đây gia tăng nhanh chóng. Theo Báo USA Today, năm 1970 có tới 99% dân Ferguson là người da trắng. Nhưng đến nay, người da trắng chỉ chiếm 29% dân số, người gốc Phi chiếm 67%. Tuy nhiên, Sở Cảnh sát Ferguson có 53 sĩ quan nhưng chỉ có 3 người gốc Phi. Căng thẳng bùng phát sau cái chết của Brown một lần nữa cho thấy dù là một quốc gia đa chủng tộc, vấn đề sắc tộc vẫn hết sức nhức nhối ở Mỹ. Trong quá khứ, vào năm 2013, phán quyết của Tòa án bang Florida tuyên bố trắng án đối với bị cáo George Zimmerman, người bị cáo buộc sát hại Trayvon Martin, một thanh niên da đen 17 tuổi, đã thổi bùng làn sóng phản đối nạn kỳ thị sắc tộc ở nhiều nơi trên nước Mỹ. Quyết định tha bổng nghi can Zimmerman đã châm ngòi các cuộc biểu tình ở nhiều thành phố lớn của xứ Cờ hoa. Nhưng đây chưa phải là phiên tòa xét xử liên quan đến phân biệt chủng tộc đầu tiên ở Mỹ. Năm 1992, tòa án Mỹ đã tha bổng cho các cảnh sát thành phố Los Angeles trong vụ đánh một người tài xế da đen, dẫn tới một loạt vụ bạo loạn, cướp bóc kéo dài mấy ngày sau đó, làm nhiều người thương vong và gây thiệt hại về tài sản lên tới 1 tỷ USD.
Năm 2008, sự kiện người dân Mỹ thực sự vượt qua quá khứ phân biệt chủng tộc bằng quyết định chọn ông Barack Obama làm vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử 232 năm lập quốc, đã làm dấy lên hy vọng về mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa người da màu và da trắng cũng như sự bình đẳng hơn giữa các chủng tộc ở nước Mỹ. Ở thời điểm đó, 52% người Mỹ tiết lộ với Trung tâm Thăm dò Pew rằng, họ hy vọng mối quan hệ chủng tộc sẽ trở nên tốt đẹp hơn qua việc đắc cử tổng thống của ông B.Obama, trong khi chỉ có 9% dự đoán sẽ xấu đi. Song thực tế không như vậy. Trong cái chết của người thanh niên Brown tuy vẫn chưa có kết luận cuối cùng về sự đúng sai, nhưng tình trạng bạo động ở Missouri và biểu tình phản đối ở nhiều khu vực khác ở xứ Cờ hoa cho thấy chủng tộc vẫn là cơn sóng ngầm nguy hiểm có thể dễ dàng bùng nổ dữ dội và gây nên những hậu quả xã hội khôn lường tại nước Mỹ.