Phát hiện thành phố cổ đại của người Maya trong rừng

Công nghệ - Ngày đăng : 11:25, 18/08/2014

Một cánh cửa có hình miệng quái vật, các ngôi đền kim tự tháp đổ nát và những tàn tích cung điện của người Maya cổ đại, vừa được khai quật trong một khu rừng rậm ở Mexico.

Các dấu tích về thành phố của người Maya cổ đại nói trên được tìm thấy trong rừng rậm thuộc trung tâm bán đảo Yucatan, phía đông nam bang Campeche, Mexico, nơi có thảm thực vật dày và gần như con người không thể tiếp cận, theo News Discovery.

“Những bức ảnh vệ tinh giúp chúng tôi xác định vị trí chính xác các địa điểm”, Ivan Sprajc, trưởng nhóm thám hiểm thuộc Viện nghiên cứu Khoa học và Nghệ thuật của Slovenia (ZRC SAZU) nói.

Cánh cửa có hình miệng quái vật được cách điệu với những chiếc răng nanh dọc theo khung ô cửa. Ảnh: Ivan Sprajc/Discovery.


Vị trí khám phá kéo dài gần 4.600 km2, giữa khu vực Rio Bec và Chenes, cả hai được biết đến với phong cách kiến trúc đặc trưng trong giai đoạn đầu cổ điển cho tới cuối cổ điển, khoảng năm 600-1000 sau Công nguyên. Một trong những đặc trưng của thành phố là lối vào mặt tiền có hình miệng con quái vật trên trái đất.

Địa điểm này trước đây biết đến từ những năm 1970 bởi nhà khảo cổ học Eric Von Euw, Mỹ. Ông phát hiện một số bia đá và ông để lại vài bản vẽ chưa từng được công bố. Tuy nhiên, vị trí chính xác thành phố người Maya cổ đại ông gọi là Lagunita vẫn còn rất bí ẩn.

"Các thông tin về Lagunita rất mơ hồ và hoàn toàn vô ích", Sprajc nói với Discovery News.

Sau khám phá lần này, các nhà khảo cổ xác định được vị trí thành phố Laguinita sau khi so sánh với mặt tiền mới, các di tích còn lại với bản vẽ trước đây của Von Euw.

“Cánh cửa ra vào có hình miệng quái vật đại diện cho một vị thần của người Maya liên quan đến khả năng sinh sản. Nó cũng tượng trưng cho lối vào một hang động dẫn tới thế giới bên kia hoặc dẫn đến nơi ở của tổ tiên”, Sprajc nói.

Nhóm nghiên cứu tìm thấy hài cốt trong một số cung điện lớn, một đền thờ kim tự tháp cao gần 20 m, 10 tấm bia đá, ba bàn thờ làm bằng khối đá tròn thấp, các bức phù điêu khắc chữ tượng hình. Theo nội dung sơ bộ dịch bởi Octavio Esparza Olguin từ Đại học Quốc gia Mexico, một trong những tấm bia được khắc vào ngày 29/11/711, và không may các văn bản còn lại, gồm tên của người cai trị và vợ bị xói mòn nên không đọc được.

Ngoài thành phố Laguinita, một thành phố khác cũng được khám phá, và được nhóm nghiên cứu đặt tên là Tamchen, nghĩa là “Cái giếng sâu”. Tại đây, có khoảng 30 căn hầm dưới đất sử dụng vào việc hứng nước mưa, một trong số chúng sâu gần 13 m.

Giống như trong Laguinita, trung tâm thương mại được bao quanh bởi các tòa nhà lớn. Tamchen bao gồm phần còn lại của một sân với ba ngôi đền trên các cạnh của nó, một ngôi đền kim tự tháp, một tấm bia và một bàn thờ.

“Hai thành phố gợi mở những câu hỏi mới về sự đa dạng nền văn hóa Maya, vai trò khu vực khảo cổ phần lớn vẫn chưa được khám phá trong lịch sử người Maya", Sprajc nói.

Theo Lê Hùng