Phải loại bỏ bệnh thành tích

Giáo dục - Ngày đăng : 06:32, 18/08/2014

(HNM) - Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của đại biểu dự hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2014-2015, do Bộ GD-ĐT tổ chức trong tuần qua là chủ trương điều chỉnh quy định đánh giá học sinh (HS) tiểu học theo hướng giảm chấm điểm, tăng nhận xét.


Không đánh giá đồng loạt

Theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, việc đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học đối với HS tiểu học trên cả nước sẽ không dựa trên phương thức cho điểm, mà thông qua việc nhận xét; việc cho điểm số chỉ áp dụng với bài kiểm tra định kỳ vào cuối học kỳ I và cuối năm học. Căn cứ để đưa ra nhận xét, ngoài sự đánh giá của giáo viên còn có sự tham gia ý kiến của phụ huynh, HS trong tổ/lớp và bản thân HS được nhận xét. Theo ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD-ĐT, mục tiêu của việc điều chỉnh cách đánh giá HS là khích lệ HS học tập, rèn luyện hằng ngày chứ không chỉ để ghi nhận kết quả học tập. Cách đánh giá mới đòi hỏi giáo viên phải quan tâm hơn đến cả quá trình học tập và rèn luyện của HS, phát hiện ưu điểm và hạn chế để động viên hoặc có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Sự điều chỉnh này cũng nhằm hạn chế tình trạng đối phó của giáo viên, HS để tạo thành tích ảo, hạn chế áp lực đối với HS nhỏ tuổi.

Cần đánh giá đúng quá trình học tập của học sinh để có những biện pháp kịp thời tránh hổng kiến thức ở bậc tiểu học. Ảnh: Bảo Kha



Điểm mới đáng chú ý trong dự thảo là không áp dụng các tiêu chí mang tính đồng loạt mà đòi hỏi giáo viên phải theo sát quá trình rèn luyện để kịp thời hỗ trợ, động viên theo khả năng của từng HS. Vì thế, quyết định khen thưởng của trường không chỉ dành cho những HS giỏi toàn diện, mà có thể theo từng lĩnh vực. Như vậy, sẽ có những em được khen về môn tiếng Việt, em khác được tuyên dương vì có năng khiếu văn nghệ, có em được nêu gương vì có nhiều tiến bộ trong việc chấp hành nội quy, hiểu biết về kỹ năng sống… Do năng lực của HS không đồng đều, cách đánh giá mới chú trọng đến tiến độ hoàn thành nhiệm vụ của HS nhưng chấp nhận sự khác nhau về thời gian, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng trường hợp cụ thể.

Đến thời điểm này, thông tư quy định việc đánh giá HS tiểu học chưa được ban hành, nhưng theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, quy định này sẽ được áp dụng ngay từ năm học 2014-2015. Với các giáo viên trực tiếp đứng lớp, nếu không sớm có quyết định chính thức thì việc triển khai sẽ gấp gáp, công tác tập huấn không bảo đảm chất lượng và điều đó dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện. Khẳng định sự cần thiết của phương pháp đánh giá mới song TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng bày tỏ sự lo lắng. Ông cho rằng, nếu giáo viên chưa hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa và nắm vững nghiệp vụ đánh giá HS theo cách thức mới thì hiệu quả sẽ không cao. Ngoài ra, cần phải tính đến quỹ thời gian cần thiết để huy động sự tham gia có trách nhiệm của phụ huynh nhằm hỗ trợ con, những lưu ý riêng đối với giáo viên phụ trách lớp có sĩ số đông. Sự chuẩn bị thiếu chu đáo sẽ dẫn đến tình trạng "làm cho có", chất lượng giáo dục không có sự chuyển biến mang tính thực chất.

- HS tiểu học sẽ được đánh giá theo:
+ 3 năng lực: tự phục vụ, tự quản; giao tiếp, hợp tác; tự học, tự giải quyết vấn đề.
+ 4 phẩm chất: chăm học, chăm làm; tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; trung thực, kỷ luật, đoàn kết; yêu gia đình, bạn bè, quê hương…
- Giáo viên chủ nhiệm không được thông báo trước lớp và trong cuộc họp phụ huynh những điểm chưa tốt của HS.

Bàn giao chất lượng giữa lớp dưới và lớp trên

Việc nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục vào cuối năm học (khi HS chuyển từ lớp dưới lên lớp trên) đã được triển khai ở một vài địa phương trong những năm qua, chủ yếu là áp dụng đối với HS lớp 5 chuyển lên lớp 6. Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ giao nhiệm vụ này cho tất cả nhà trường từ năm học 2014-2015, áp dụng với mọi HS. Theo đó, đối với các khối lớp 1, 2, 3, 4, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên nhận lớp vào năm học tiếp theo cùng trao đổi để ra đề kiểm tra định kỳ vào cuối năm học, cùng tham gia đánh giá, sau đó ghi biên bản nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục. Đối với khối lớp 5, việc ra đề kiểm tra chung cho toàn khối sẽ do tổ chuyên môn đảm nhận, việc đánh giá có sự tham gia của giáo viên trường THCS sẽ nhận HS vào học lớp 6.

Giáo viên chủ nhiệm là người chịu trách nhiệm chính trong việc đánh giá HS và thực hiện cam kết bàn giao chất lượng giáo dục của HS trong lớp; đồng thời kiến nghị với cấp quản lý để có biện pháp hỗ trợ đối với những HS đặc biệt. Việc giúp đỡ, bổ sung, điều chỉnh những mặt hạn chế, sự thiếu hụt của HS sẽ được thực hiện qua quá trình rèn luyện trong các năm học bằng phương thức bàn giao chất lượng giữa giáo viên phụ trách lớp ở mỗi thời điểm.

Trước sự lo lắng của dư luận về tình trạng cố tình bàn giao những HS chưa đạt yêu cầu vì "bệnh thành tích", dẫn đến hậu quả "ngồi nhầm lớp" như đã từng xảy ra tại một số địa phương, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định: Chủ trương chung đối với HS tiểu học là hạn chế việc lưu ban, song những HS đã được hỗ trợ, giúp đỡ nhiều lần mà không tiến bộ thì sẽ phải ở lại lớp. Bộ GD-ĐT sẽ có chế tài để giáo viên phải quan tâm, theo sát HS trong suốt quá trình, kịp thời phát hiện và có biện pháp hỗ trợ để HS tiến bộ và đạt được yêu cầu của cấp học, chứ không phải đợi đến kết thúc học kỳ hoặc kết thúc năm học mới đánh giá HS. Theo nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục, đây được coi là một trong những yếu tố cốt lõi của phương pháp đánh giá mới đối với HS tiểu học. Bởi nếu không coi trọng quá trình đánh giá thường xuyên trong năm học, chỉ đến cuối kỳ/cuối năm học mới "chăm bẵm" HS thì hiệu quả không thể cao được.

Thống Nhất