Việt Nam và Mỹ hướng đến quan hệ tương lai
Đối ngoại - Ngày đăng : 17:26, 17/08/2014
Đại tướng Martin Dempsey (bìa phải) nghe giới thiệu dự án tẩy rửa dioxin tại sân bay Đà Nẵng ngày 15-8 - Ảnh: Đăng Nam |
Trong cuộc gặp gỡ với báo chí tại TP.HCM sáng 16-8, đại tướng Martin Dempsey kể ông khởi đầu binh nghiệp vào năm 1970 tại Học viện Quân sự West Point. Từ đó đến nay đã 44 năm trôi qua.
“Ở Hà Nội, tôi nói với người đồng cấp Việt Nam rằng 44 năm trước tôi không thể tưởng tượng có ngày mình sẽ đến đây và có cuộc đối thoại này” - đại tướng Dempsey cho biết.
Ông khẳng định thách thức chung đối với Mỹ và Việt Nam là hướng về tương lai 44 năm tới. “Chúng ta phải tưởng tượng ra tương lai đó. Và đó chính là lý do mà tôi đến Việt Nam” - đại tướng Dempsey nhấn mạnh.
* Tuổi Trẻ: Tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN ở Myanmar vừa qua, Trung Quốc đã bác bỏ đề xuất của Mỹ về việc dừng các hành vi khiêu khích trên biển Đông. Mỹ sẽ phản ứng như thế nào để đảm bảo duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông?
- Đại tướng Dempsey: Việc Trung Quốc không chấp nhận đề xuất ngừng các hành động khiêu khích, gây căng thẳng trên biển Đông là điều đáng tiếc cho cả khu vực và thế giới. Nhưng vấn đề không phải là Mỹ mà là khu vực sẽ hành động như thế nào. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều đồng ý rằng ASEAN cần phải có phản ứng mạnh mẽ hơn. Một phản ứng đa quốc gia là hết sức cần thiết.
Mỹ không đứng về phía nào trong các tranh chấp, nhưng chúng tôi ủng hộ giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, không sử dụng vũ lực. Chúng tôi có hiệp ước quốc phòng với một số nước trong khu vực và sẽ tôn trọng các hiệp ước này. Chúng tôi cũng quyết tâm trở thành đối tác tin cậy của một Việt Nam mạnh mẽ, độc lập và thịnh vượng.
Người đồng cấp Trung Quốc từng nói với tôi rằng Bắc Kinh phải hành động để phản ứng lại chiến lược “tái cân bằng”. Tôi bác bỏ hoàn toàn quan điểm đó. Mỹ có lợi ích quốc gia và lợi ích chung trên biển Đông. Đó là tự do hàng hải, tiếp cận thị trường một cách tự do và cởi mở, tôn trọng trật tự quốc tế. Khi ba nguyên tắc này bị xâm phạm Mỹ buộc phải hành động.
Nhưng tôi không đến thăm Việt Nam để tập trung vào Trung Quốc. Tôi tới đây với mục tiêu tăng cường quan hệ quân sự Mỹ - Việt Nam. Tôi hiểu vấn đề Trung Quốc là mối lo ngại nhưng những cuộc đối thoại của tôi với các lãnh đạo Việt Nam tập trung vào việc tìm cách thực hiện năm nội dung hợp tác song phương (đào tạo sĩ quan, an ninh hàng hải, gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn).
Tất nhiên chúng tôi cũng tận dụng cơ hội để nói về các vấn đề chiến lược địa - chính trị khu vực, an ninh năng lượng, lương thực...
* Vietnam News: Mỹ sẽ đóng vai trò gì trong nỗ lực đảm bảo an ninh hàng hải khu vực?
- Cách bắt đầu là nghiên cứu những lợi ích chung của chúng ta và cách thực hiện, chia sẻ thông tin. Một trong những vấn đề của an ninh hàng hải là phổ biến ý thức an ninh hàng hải.
Việt Nam có đường bờ biển dài hàng ngàn kilômet và việc giám sát hàng hải là một thách thức lớn đối với bất kỳ quốc gia nào. Do đó Mỹ và Việt Nam đã thảo luận về các năng lực cần thiết để đảm bảo việc phổ biến ý thức an ninh hàng hải.
Chúng tôi khuyến khích Việt Nam và các đối tác ASEAN áp dụng phương pháp tiếp cận đa quốc gia đối với an ninh hàng hải và phổ biến ý thức an ninh hàng hải. Có một trung tâm nghiên cứu phổ biến ý thức an ninh hàng hải ở Singapore và chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ tham gia. Điều đó giúp đem lại tầm nhìn rộng hơn thay vì chỉ tập trung ở vùng biển lãnh thổ nước mình.
* New York Times: Khi nào Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam?
- Nhiều quan chức Chính phủ Mỹ, nghị sĩ và tổ chức phi chính phủ cho rằng Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong các vấn đề liên quan lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Do đó phía Mỹ sẽ sớm thảo luận việc dỡ bỏ lệnh cấm.
Quan điểm của tôi là khi lệnh cấm bị dỡ bỏ, Mỹ cần bắt đầu cung cấp cho Việt Nam các thiết bị để giúp hải quân Việt Nam nâng cao năng lực đảm bảo an ninh hàng hải và giám sát hàng hải.
Đó có thể là tàu tuần tra, các thiết bị tình báo, giám sát, do thám... thậm chí một số loại vũ khí mà hiện hải quân Việt Nam chưa có. Giám sát hàng hải là lợi ích chung của hai nước và chúng ta nên bắt đầu từ đó.
Chúng tôi cũng thảo luận về việc tăng cường đào tạo cho các sĩ quan quân sự cả hai nước để tìm cách mới cải thiện sự hợp tác giữa đôi bên, chứ không chỉ là việc cung cấp một thiết bị, một hệ thống vũ khí hay một con tàu cụ thể.
Vị trí chiến lược độc đáo Đại tướng Martin Dempsey đánh giá Việt Nam là quốc gia có vị trí chiến lược độc đáo và quan trọng tại châu Á: “Việt Nam nằm giữa Đông Bắc Á, tại Đông Nam Á và còn là cửa ngõ tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vào năm 2050 sẽ có 7 tỉ trên tổng số 9 tỉ dân thế giới sống ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cả thế giới đang “tái cân bằng” tới khu vực. Chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ là để phản ứng với xu thế này chứ không phải để chống Trung Quốc. Một Việt Nam mạnh mẽ, độc lập và thịnh vượng sẽ là phần quan trọng của khu vực”. |