"Sức khỏe" ngân hàng qua nửa đầu năm 2014

Kinh tế - Ngày đăng : 07:47, 17/08/2014

Các ngân hàng đã có báo cáo tình hình tài chính nửa đầu năm 2014 với các chỉ số đáng chú ý về lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng tín dụng, nợ xấu...


Theo Báo cáo tài chính (BCTC) của ngân hàng BIDV, tổng tài sản của ngân hàng tính đến 30/6/2014 đạt trên 583.000 tỷ đồng, tăng 5,4% so với đầu năm; dư nợ tín dụng tăng 4,9%, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ là 2,2%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2014, BIDV đạt 2.493 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và đạt 41% kế hoạch năm.

Tại cùng thời điểm, tổng tài sản của ngân hàng Vietinbank đạt 597.636 tỷ đồng, tăng 3,7%; dư nợ tín dụng 377.992 tỷ đồng, tăng 0,45%; lợi nhuận trước thuế đạt 3.873 tỷ đồng, giảm 6,4%

Trong khi đó, ngân hàng SHB có tổng tài sản giảm 2,1% xuống 140.611 tỷ; dư nợ tín dụng tăng 19,6%, tương đương 91.479 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 505 tỷ đồng, tăng 25,9%; nợ quá hạn là 7.471 tỷ đồng, chiếm 8,16% trên tổng dư nợ so với thời điểm cuối năm 2013 là 4.332 tỷ đồng.

Ngân hàng MB tại thời điểm cuối tháng 6 tổng tài sản là 188.570 tỷ đồng, tăng 4,5%; dư nợ tín dụng 94.551 tỷ đồng, tăng 7,9%; lợi nhuận trước thuế là 1.702 tỷ đồng, giảm 5,4% ; nợ xấu 2.915 tỷ đồng, tăng gần 770 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm 3,1% trên tổng dư nợ.

Đáng lưu ý, hầu hết các ngân hàng có mảng đầu tư chứng khoán trong quý II/2014 đều thua lỗ, tỷ lệ nợ xấu tăng. Nhưng nhiều ngân hàng tăng mức trích lập dự phòng rủi ro làm giảm bớt lợi nhuận trước thuế.

Tăng cường quản trị rủi ro, mức tín nhiệm được cải thiện

Tại buổi công bố Báo cáo khảo sát ngành Ngân hàng tại các thị trường mới nổi ngày 13/8, ông Keith Pogson, lãnh đạo phụ trách Dịch vụ Tài chính Ngân hàng của Ernst & Young khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đã phân tích: So với năm 2013, các ngân hàng tập trung cho vay các doanh nghiệp có dòng tiền tốt hơn. Đây là sự thay đổi lớn so với cho vay truyền thống ở Việt Nam là cho vay dựa trên tài sản đảm bảo.

Còn tại Hội thảo "Hiệp ước vốn Basel II: Kinh nghiệm Hàn Quốc và thực tiễn Việt Nam" vừa qua, đại diện NHNN cho biết: Đến cuối năm 2015 sẽ có 10 ngân hàng thí điểm thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II, bao gồm: BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank và VIB. Đến năm 2018, cả 10 ngân hàng trên sẽ hoàn thành việc thí điểm này, sau đó sẽ mở rộng áp dụng Basel II với các ngân hàng thương mại khác trong cả nước.

Chi phí để xây dựng và hoàn thiện việc áp dụng phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II dao động khoảng 4-7 triệu USD, tùy theo hoàn cảnh cụ thể và điểm xuất phát của từng ngân hàng.

Các ngân hàng Việt Nam đang có xu hướng tăng cường quản trị rủi ro, tăng mức trích lập dự phòng dù điều này ảnh hưởng đến lợi nhuận trước thuế.

Trong khi đó, theo đánh giá của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, nếu tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng là 7% thì xác suất xảy ra khủng hoảng khoảng 4,1%. Tỷ lệ CAR nếu tăng lên 1% thì xác suất xảy ra khủng hoảng của ngân hàng sẽ giảm đi 25-30%, tùy thuộc vào điểm khởi đầu của chỉ số vốn.

Mới đây, hãng định mức tín nhiệm Moody's Investors Service đã nâng bậc xếp hạng tín nhiệm đối với tiền gửi ngoại tệ và nội tệ dài hạn và xếp hạng nhà phát hành của 2 ngân hàng Việt Nam là VietinBank và BIDV thêm 1 bậc. Triển vọng đối với bậc xếp hạng này được Moody’s xếp ở mức “ổn định”. Lý do Moody's quyết định nâng bậc xếp hạng đối với 2 ngân hàng này sau khi đánh giá lại sự hỗ trợ mang tính hệ thống đối với xếp hạng về tiền gửi của Vietinbank và BIDV. Moody’s cũng công bố danh sách 7 ngân hàng tư nhân giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm trong lần này gồm: ACB, MB, SHB, Sacombank, VIB, VPBank và Techcombank.

Theo Huy Thắng