Kể chuyện lao động nhà văn: Đừng để hết vốn!
Văn hóa - Ngày đăng : 06:30, 17/08/2014
Xâm nhập để giải mã
Khi nói về một tác phẩm nào đó, có ý chê, văn giới hay có câu "tay này hết vốn rồi!". Hết vốn, nghĩa là đời sống được tái tạo trong tác phẩm không có gì mới mẻ, không có sức lay động sâu sắc hay tạo ra những "cú giật mình" cho người đọc nữa. Sự thật, đời sống ngoài kia vẫn thế, chảy trôi ở các tầng, các lớp như nó vốn có. Nhưng đào xới được đến đâu, giải mã được những tầng nào phụ thuộc vào sự xâm nhập của nhà văn.
Tác phẩm “Ngựa thép” của nhà văn trẻ Phan Hồn Nhiên. |
Văn chương không có những cuộc tổng kết "6 tháng đầu năm", nhưng tạm tính trong năm nay cũng có thể thấy nhiều tác phẩm của các cây bút 6X, 7X ra mắt, thu hút được sự quan tâm của nhiều giới. Ví như "Xuyên Mỹ" - Phan Việt, "Ba ngôi của người" - Nguyễn Việt Hà, "Ngựa thép" - Phan Hồn Nhiên, "Ngửa mặt nhìn trời" - Nguyễn Xuân Thủy, "Xác phàm" - Nguyễn Đình Tú… Có tác phẩm là có sự xâm nhập vào đời sống, chỉ là như trên đã nói ở mức độ nào thôi.
"Xác phàm" của Nguyễn Đình Tú, nhà văn quân đội ra mắt sách mới đây viết về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc - một vùng hiện thực hầu như chưa được đề cập trong văn học Việt. Xét ở góc độ này, đó là một sự dấn thân có ý thức của người viết, như GS Trần Đình Sử nhận định: "Có lẽ cuốn sách của Nguyễn Đình Tú là cuốn đầu tiên viết về cuộc chiến đấu anh hùng bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta chống quân xâm lược Trung Quốc một cách trực diện". Để có những trang viết này, nhà văn áo lính đã không chỉ dành thời gian đi, tìm hiểu, ghi chép mà chắc chắn còn phải dành không ít công sức cho sự suy tưởng. Theo nhà phê bình Bùi Việt Thắng thì tác phẩm cho thấy "vốn sống ngồn ngộn, cùng trải nghiệm dày dặn của nhà văn". Với đơn vị xuất bản thì "tác giả đã làm tròn bổn phận của một nhà văn trong dòng chảy thời đại: Dò tìm, ngụp lặn, bơi ngược dòng bằng cả thân thể, trí năng của mình để chứng thực cảm giác gần gũi, thiết tha, chân thực nhất về một mảng ngầm tâm linh, tâm thế, tâm sử dân tộc".
Chưa bàn hay dở đến đâu, nhưng đó là một nỗ lực kết nối với hiện thực - một hiện thực bắt rễ từ quá khứ và đang hiện diện trong đời sống đương đại.
Một tác phẩm khác là "Ngửa mặt nhìn trời" của Nguyễn Xuân Thủy, với những biến động ở một vùng ven đô Hà Nội trong cơn chuyển mình của đô thị hóa. Nhà văn với ý thức giải mã vùng đất này, ngoài chuyện căng mình như chiếc ăng-ten thu sóng đời sống thì cũng chủ động tìm kiếm, gặp gỡ, khai thác những số phận có thể làm chất liệu cho tác phẩm của mình. Quãng thời gian ấy không hoạch định cụ thể như thời hạn của các dự án kinh tế. Có khi, như tác giả bày tỏ: ngẫm, viết đến một đoạn nào đấy thì "chững" không tiếp được trang nào nữa. Đấy là lúc nhà văn bắt gặp một vỉa tầng của đời sống mà chưa thể giải mã được…
Còn nhiều ví dụ khác nữa trong một số tác phẩm của các nhà văn hôm nay cho thấy những nỗ lực để không rơi vào tình cảnh "hết vốn" khi viết văn. Chả phải cứ đưa những chuyện vụ án vào tác phẩm mới là kết nối với hiện thực. Có khi đi tìm một phương thức phản ánh để bóc tách, làm nổi bật những vấn đề thuộc thế giới tinh thần của con người hiện đại như Phan Hồn Nhiên đã mổ xẻ trong "Ngựa thép" lại cũng là một cách phản ánh hiện thực đáng giật mình…
Chiều sâu chiêm nghiệm
Mới đây, truyền thông bàn nhiều đến chuyện văn chương hôm nay đang ồn ào một dòng giải trí đơn thuần, mà lại thu hút khá đông bạn đọc tuổi "teen teen" mới lớn. Khóc đấy, cười đấy, nhưng cũng quên nhanh đấy. Có lý giải cho rằng là vì văn học của ta bỏ quên một "phân khúc độc giả" tuổi mới lớn. Vậy nên, bạn đọc trẻ thường dễ dàng tìm đến những tác phẩm một chút yêu đương, một chút lãng đãng, một chút thất vọng, hy vọng..., đơn thuần là để tìm kiếm sự đồng cảm, chia sẻ. Những dòng văn học như vậy vẫn sẽ tồn tại song song với các dòng khác, nhưng không bao giờ nên là dòng chính. Không phải vì đối tượng đề cập mà vì cách thức đề cập. Viết nhanh, viết dễ, viết sến thì đời sống có được đề cập đấy mà cũng như không được thấy hết..
Ngược lại, đối lập với hiện tượng này là câu chuyện về một nhà văn trẻ từ nước ngoài về liên tục mấy tháng ròng đi và sống trong một ngôi chùa quê để quan sát, trải nghiệm, thấm hút một vùng hiện thực nhạy cảm. Nhưng điều thú vị như tác giả này chia sẻ không phải ở chỗ "tôi đã thấy gì" mà là ở chỗ "tôi sẽ tiếp tục quan sát, kiểm chứng, quan sát và lại kiểm chứng để tìm kiếm câu trả lời xác đáng nhất".
Quả vậy, cùng một đời sống, nhưng sự tái tạo trên trang viết của nhà văn là khác nhau hoàn toàn. Những câu chuyện được kể bằng sự tái tạo dày công của người viết ít nhiều sẽ có sức lay động người đọc vì nó được đổi bằng trải nghiệm sống của nhà văn. Sống theo cả hai nghĩa, bằng định lượng thời gian gắn kết với sự kiện, hiện tượng nhưng cũng còn bằng định lượng của sự tiêu hao năng lượng và trí tuệ vào sự suy ngẫm, kiến giải các hiện tượng đó. Rất may, việc phản ánh hiện thực ấy trong ý thức của một bộ phận các nhà văn trẻ hôm nay không hoàn toàn chỉ là chuyện "đi thực tế" hay nói "phóng sự hóa" tác phẩm của mình bằng các thông tin "hot" đơn thuần… Nhiều tác giả có ý thức sâu sắc về việc kết nối với đời sống bằng chiều sâu của sự chiêm nghiệm, bằng sáng tạo có tính bếp núc nghề nghiệp.
"Đứt gãy với đời sống" hay không cũng nằm chính ở khía cạnh ấy!