Cần hoàn thiện hành lang pháp lý về chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp trẻ em thuộc đối tượng bảo trợ

Xã hội - Ngày đăng : 05:58, 17/08/2014

(HNM) - Hà Nội hiện có hơn 13.000 trẻ em thuộc đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH), trong đó có hơn 1.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được đưa vào nuôi dưỡng tại các trung tâm BTXH công lập, số còn lại đang được chăm sóc tại cộng đồng và cũng được nhiều tổ chức xã hội quan tâm, giúp đỡ.



Phải khẳng định, hầu hết những việc làm của các tổ chức, cá nhân đều mang tính nhân văn, cưu mang, giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, hoạt động từ thiện, nhân đạo cũng có thể bị kẻ xấu lợi dụng, điển hình là vụ việc xảy ra tại chùa Bồ Đề (Long Biên).

Cần làm gì để trong tương lai không xảy ra những vụ việc tương tự, quan trọng hơn là vẫn khuyến khích được các tổ chức, cá nhân chung tay cùng Nhà nước quan tâm, chăm lo, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho những trẻ em bị thiệt thòi? Nội dung cuộc trao đổi của Báo Hànộimới với Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đặng Văn Bất phần nào làm rõ vấn đề này.

Ông Đặng Văn Bất, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội.


Thiếu chặt chẽ trong thực hiện chủ trương xã hội hóa

- Bên cạnh việc chăm sóc trẻ em bình thường, còn có một nhóm đối tượng trẻ em được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và khuyến khích toàn xã hội cùng chăm lo đó là những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt thuộc diện BTXH. Với vai trò là cơ quan quản lý cơ sở BTXH, ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện chủ trương này trong thời gian qua?

- Về vấn đề xã hội hóa công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ thuộc diện BTXH của thành phố hiện nay được thực hiện theo đúng Điều 3, Nghị định 68/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Về chủ trương, Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức trong nước, nước ngoài, cơ sở tôn giáo được phép thành lập các cơ sở BTXH ngoài công lập để nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trong nhiều năm qua, trên cơ sở thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và Giáo dục trẻ em, các ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp đều quan tâm đến vấn đề này. Đặc biệt, đối với ngành LĐ-TB&XH, số trẻ thuộc diện BTXH đã từng bước được đưa vào các trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc với điều kiện tốt. Ngoài 11 trung tâm BTXH công lập trực thuộc Sở LĐ-TB&XH, hiện nay toàn thành phố đã có 16 cơ sở BTXH ngoài công lập, với khoảng 1.500 đối tượng, bao gồm: Người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Kinh phí hoạt động của các cơ sở đó chủ yếu từ nguồn đóng góp của đối tượng và gia đình đối tượng. Điều kiện cơ sở vật chất nhìn chung được bảo đảm. Qua kiểm tra, đánh giá, các cơ sở BTXH công lập đều chấp hành các quy định và trên thực tế đã chia sẻ gánh nặng cho thành phố và đáp ứng nhu cầu của các đối tượng, cùng góp phần làm tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

- Cùng với 16 cơ sở BTXH ngoài công lập hay 11 trung tâm BTXH trực thuộc Sở LĐ-TB&XH, thời gian qua, các tổ chức xã hội, cơ sở tôn giáo và tư nhân cũng đã tham gia đóng góp cùng với thành phố. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các tổ chức này trong hoạt động chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt?

- Hà Nội hiện có 1,7 triệu trẻ em thì có tới 13.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó hơn 1.000 trẻ đặc biệt khó khăn đã được đưa vào nuôi dưỡng tại các trung tâm BTXH công lập. Số còn lại đang được chăm sóc tại cộng đồng và cũng được nhiều tổ chức xã hội quan tâm, giúp đỡ. Thực tế, các trung tâm BTXH công lập cũng chưa đủ khả năng cả về cơ sở vật chất và kinh phí để có thể đưa cả 13.000 trẻ vào chăm sóc, nuôi dưỡng. Do vậy, có nhiều tổ chức, cá nhân, các cơ sở tôn giáo xuất phát từ thiện tâm đã đứng ra nhận nuôi dưỡng các cháu. Trong bối cảnh khả năng, nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế thì sự chia sẻ trách nhiệm ấy rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, cũng có không ít tổ chức, cá nhân, cơ sở tôn giáo chưa hiểu đúng, hoặc thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật đối với việc nhận, chăm sóc giáo dục trẻ thuộc đối tượng BTXH, nên dẫn đến tình trạng chưa chấp hành nghiêm những quy định cụ thể của pháp luật về vấn đề này. Ví dụ như những quy định về diện tích đất sinh hoạt đối với mỗi cháu, điều kiện môi trường, vệ sinh, người nuôi dưỡng trẻ phải được đào tạo, có kỹ năng, có kiến thức... vì các trẻ thuộc BTXH bao gồm nhiều lứa tuổi khác nhau, khả năng phát triển, sức khỏe khác nhau...

- Như vậy, có thể thấy rõ thực trạng là đa phần các cơ sở từ thiện nuôi dưỡng trẻ thuộc diện BTXH đều thiếu (hoặc khó có khả năng đáp ứng) yếu tố cần và đủ nói trên theo đúng quy định của pháp luật, chưa kể thiếu sự quản lý và trên thực tế đã sinh ra nhiều hệ lụy, thưa ông?

- Tôi cho rằng, chúng ra phải đánh giá khách quan, toàn diện về sự đóng góp hết sức tích cực của các cơ sở BTXH, của các tổ chức, cá nhân, cơ sở tôn giáo trong việc chăm sóc trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, hoạt động từ thiện, nhân đạo khó tránh khỏi việc bị kẻ xấu lợi dụng để cho - nhận con nuôi, trục lợi cá nhân, điển hình là vụ việc xảy ra tại chùa Bồ Đề.

Bài học về công tác quản lý

- Theo quy định của Nhà nước, vấn đề nuôi con nuôi là lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp, việc quản lý cơ sở BTXH thuộc ngành LĐ-TB&XH. Riêng công tác quản lý những cơ sở tiếp nhận và nuôi dưỡng trẻ em tự phát thuộc trách nhiệm quản lý hành chính của UBND quận, huyện. Vậy những hệ lụy phát sinh trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt là do đâu, thưa ông?

- Về nguyên tắc, Sở LĐ-TB&XH phải quản lý các cơ sở BTXH vì theo Nghị định 67, 68 của Chính phủ, các cơ sở BTXH được thành lập đều có quyết định của cơ quan chức năng và được cấp phép hoạt động khi có đủ điều kiện. Tuy nhiên có những nơi, mọi người quen gọi là cơ sở BTXH nhưng không được cấp phép ví dụ như chùa Bồ Đề (Long Biên), chùa Trăm Gian (Chương Mỹ), nhà thờ Suy Xá (Mỹ Đức)... Tất cả những cơ sở tự phát này không thuộc chức năng quản lý của ngành LĐ-TB&XH nhưng vì có liên quan tới các đối tượng BTXH nên ngành LĐ-TB&XH phải có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện và giúp các cơ sở đó hoàn thiện các thủ tục (nếu đủ điều kiện) để thành lập các trung tâm BTXH ngoài công lập; nếu không đủ điều kiện thì tuyên truyền, vận động để đưa các cháu về các trung tâm BTXH công lập của thành phố hoặc trở về địa phương. Tuy nhiên, vì không nắm rõ, hiểu không đúng các quy định của pháp luật nên hầu hết chính quyền các địa phương đều cho rằng, vấn đề trên thuộc trách nhiệm của ngành LĐ-TB&XH. Đặc biệt, chính quyền các địa phương cũng chưa quan tâm, giúp đỡ, hướng dẫn các cơ sở đó thực hiện đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, còn có một vấn đề đáng nói ở đây là nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng ở từng cấp còn hạn chế, chưa làm hết vai trò, trách nhiệm của mình để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

- Trở lại sự việc xảy ra ở chùa Bồ Đề (Long Biên), ngành LĐ-TB&XH đã thực hiện hết trách nhiệm của mình hay chưa?

- Có một thực tế, công việc quản lý cũng như tiến hành rà soát các đối tượng BTXH là trẻ em được nuôi dưỡng tại các cơ sở tôn giáo còn gặp khó khăn. Ngành chủ quản chỉ có chức năng quản lý đối tượng BTXH nên muốn kiểm tra, quản lý phải kết hợp với ban, ngành, chính quyền địa phương. Và dù đã đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ cấp phép cho cơ sở tôn giáo nhưng hầu hết các cơ sở này không bảo đảm đủ các tiêu chí theo quy định của pháp luật.

Riêng vấn đề xảy ra ở chùa Bồ Đề, không phải đến bây giờ Sở LĐ-TB&XH mới vào cuộc mà từ tháng 8-2013, Sở đã có Công văn số 1847 gửi UBND quận Long Biên đề nghị quận chỉ đạo phường Bồ Đề thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn việc phân loại đối tượng để tiếp nhận các em vào các trung tâm. Gần đây nhất, ngày 9-6-2014, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục có Văn bản 1575 gửi UBND quận Long Biên về công tác quản lý trẻ em ở chùa Bồ Đề... Với trách nhiệm của mình, Sở LĐ-TB&XH đã đề nghị với quận Long Biên hướng dẫn chùa Bồ Đề thực hiện một số nội dung, như: Tạm dừng tiếp nhận các đối tượng, nếu phát hiện đối tượng bị bỏ rơi, chùa có trách nhiệm báo cáo chính quyền để làm thủ tục tiếp nhận vào trung tâm BTXH theo quy định; tiến hành ngay việc rà soát, phân loại đối tượng hiện đang có mặt tại chùa, nắm bắt thông tin, đánh giá tâm sinh lý, tình trạng sức khỏe và nhu cầu các đối tượng, nếu có địa chỉ rõ ràng thì liên hệ và làm thủ tục bàn giao về địa phương, những đối tượng không xác định được địa chỉ thì làm thủ tục tiếp nhận nuôi dưỡng vào các trung tâm của thành phố.

- Sau khi sự việc xảy ra, trả lời các cơ quan báo chí, ông từng khẳng định chùa Bồ Đề không đủ điều kiện thành lập trung tâm BTXH. Vậy tới đây các cháu đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại chùa sẽ được xử lý như thế nào?

- Đúng vậy. Vì, ngoài cơ sở hạ tầng đất đai, nhà cửa đầu tư xây dựng còn phải có cả cán bộ nuôi dưỡng các cháu được đào tạo bài bản... Hiện, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đang chờ kết luận thanh tra của UBND quận Long Biên và sau đó UBND thành phố sẽ có chỉ đạo. Tuy nhiên, Sở đã sẵn sàng phương án tiếp nhận các cháu về các trung tâm BTXH thành phố.

- Ông đánh giá như thế nào về chất lượng và hoạt động của các trung tâm BTXH của thành phố hiện nay? Liệu việc tiếp nhận thêm các cháu đang nuôi dưỡng tại các cơ sở tự phát có dẫn tới sự quá tải?

- Các trung tâm BTXH trực thuộc ngành LĐ-TB&XH quản lý như: Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 ở Dục Tú (Đông Anh), Trung tâm 2 ở Viên An (Ứng Hòa), Trung tâm 3 ở Từ Liêm, Trung tâm 4 ở Tây Đằng (Ba Vì)... đang thực hiện rất tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Các trung tâm này đều bảo đảm cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, cảnh quan, nhân lực làm việc... Ở các địa điểm trên, các cháu được thụ hưởng đầy đủ chính sách về y tế, giáo dục, học nghề, giới thiệu việc làm để tái hòa nhập cộng đồng… Hiện tại các đối tượng được hưởng chế độ nuôi dưỡng mức thấp nhất là 700.000 đồng/người/tháng và 100.000 đồng/người/tháng tiền chi khác. Bên cạnh đó các trung tâm còn tích cực tăng gia sản xuất để cải thiện điều kiện sinh hoạt. Cán bộ, nhân viên của các trung tâm thường xuyên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, tập huấn về nghề công tác xã hội. Hiện nay, các trung tâm đều sẵn sàng tiếp nhận các cháu ở chùa Bồ Đề về nuôi dưỡng khi có quyết định chính thức của thành phố. Tuy nhiên, để tiếp nhận, chăm sóc các cháu được tốt hơn thì một số trung tâm cần đầu tư thêm về nhân lực và vật lực.

Tăng cường quản lý cơ sở công lập và ngoài công lập

- Rõ ràng, vụ việc xảy ra ở chùa Bồ Đề cho thấy nhiều bài học về công tác quản lý và chắc chắn không chỉ đối với cấp ủy, chính quyền các cấp mà ngay cả ngành chức năng cũng cần chấn chỉnh và khắc phục những bất cập. Cụ thể những công việc chúng ta cần làm là gì, thưa ông?

- UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo, yêu cầu các địa phương nắm chắc biến động số trẻ thuộc diện đối tượng BTXH. Kể từ thời điểm hiện nay, nếu phát hiện trẻ bị bỏ rơi, mồ côi không nơi nương tựa cần báo cáo chính quyền để quyết định việc nuôi nhận. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố yêu cầu rà soát lại tất cả các cơ sở BTXH công và tư trên địa bàn. Sau khi tổng rà soát, bước tiếp theo là yêu cầu các cơ sở phải đăng ký thành lập. Với những cơ sở không đủ điều kiện thì phải trả lại các cháu cho người thân chăm sóc hoặc chuyển đến các cơ sở công lập. Đứng ở góc độ ngành LĐ-TB&XH, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, hướng dẫn các cơ sở về trình tự thủ tục xin cấp phép thành lập trung tâm (nếu đủ điều kiện); đôn đốc các quận, huyện báo cáo thống kê tình hình trẻ thuộc diện đối tượng BTXH để theo dõi, quản lý.

Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu để UBND thành phố có văn bản chỉ đạo cụ thể hơn về vấn đề chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở từ thiện. Đồng thời, Sở thường xuyên duy trì chế độ thông tin, báo cáo, phát hiện kịp thời những vướng mắc ở cơ sở để tháo gỡ. Mặt khác, theo quan điểm của Sở cần khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em; tìm gia đình thay thế cho trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi để tạo điều kiện cho các em được sống trong môi trường gia đình, hòa nhập cộng đồng đồng thời hình thành và phát triển mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội tại các xã phường, thị trấn để tham gia vào hoạt động can thiệp, trợ giúp kịp thời cho trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng. Sở cũng mong muốn các trung tâm BTXH công lập được đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, tài chính để đủ tiềm lực nhận nuôi dưỡng nhiều hơn các đối tượng thuộc diện BTXH. Hiện nay, Sở LĐ-TB&XH đang xây dựng phương án trình UBND thành phố để có cơ chế đặc thù trợ cấp thêm kinh phí nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng BTXH.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Hoàng Thanh Bình