Hậu quả nguy hại
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:52, 17/08/2014
Tình trạng buôn lậu diễn ra ở các tỉnh, thành có đường biên giới với các nước láng giềng, có sân bay và cảng biển diễn ra lâu nay. Cứ hàng nào có lãi là họ buôn và mặt hàng nào lãi cao thì số con buôn càng nhiều và lượng hàng tuồn vào càng lớn. Và để trót lọt, các đối tượng buôn lậu không từ một thủ đoạn nào. Có thể khẳng định, họ không phải là doanh nghiệp hoạt động thương mại chân chính, mà nói cho đúng thì họ chính là con buôn.
Hậu quả do buôn lậu là rõ ràng. Theo thống kê của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, thiệt hại cho ngân sách nhà nước từ buôn lậu thuốc lá mỗi năm lên đến 6.000 tỷ đồng. Trong thời gian qua, hơn 1.000 ô tô nhập khẩu về Việt Nam theo diện Việt kiều hồi hương, trong đó có hơn 200 xe hạng sang và chỉ riêng 200 xe này đã trốn thuế hơn 1.000 tỷ đồng. Đó là những vụ việc bị phát hiện, trong khi buôn lậu diễn ra hằng ngày, rất nhiều trong số đó trót lọt và dĩ nhiên số tiền trốn thuế là vô cùng lớn. Không chỉ thất thu thuế, buôn lậu còn làm chảy máu ngoại tệ của quốc gia. Mới đây trong buổi làm việc của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổng cục Hải quan về buôn lậu và gian lận thương mại, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Tuấn Anh đã báo cáo: "Hằng năm số tiền do tiếp viên và phi công của các hãng hàng không trong nước mang ra nước ngoài "đánh hàng" lên đến 2 tỷ USD"...
Vì sao các cơ quan chức năng đã liên tục bắt giữ, truy tố nhiều vụ song buôn lậu vẫn tái diễn? Tất nhiên do lợi nhuận quá lớn, nhưng nguyên nhân chính là các quy định pháp lý còn bất cập, lại thêm sự tiếp tay của cán bộ, nhân viên cơ quan chức năng thoái hóa biến chất. Rất nhiều vụ buôn lậu chỉ phạt hành chính lái xe chở hàng, không xử lý được chủ vì không đủ chứng cứ và trò diễn này cứ lặp đi lặp lại đến nay vẫn chưa có cách hóa giải. Vụ nhập xe máy cũ phân khối lớn có sự tiếp tay của cán bộ quản lý thị trường tỉnh Hải Dương bị phanh phui năm 2013 mới lòi ra mưu mô: Quản lý thị trường lập biên bản bắt giữ khống rồi lại thanh lý cho chính kẻ nhập lậu với giá rẻ để ăn tiền. Rồi chính sách cư dân xã biên giới mỗi ngày được mua hàng tương đương 2 triệu đồng không phải đóng thuế, bị con buôn lợi dụng, và người dân trở thành kẻ cõng hàng thuê cho đường dây buôn lậu…
Chưa có cơ quan, đơn vị nào đưa ra con số thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam do buôn lậu gây ra, nhưng có thể khẳng định đó là con số không nhỏ. Buôn lậu cũng trực tiếp tác động đến sản xuất trong nước, hàng hóa làm ra không cạnh tranh được về giá bởi hàng lậu trốn thuế nên bán rẻ. Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào sản xuất cũng không dám và vì thế không tạo ra việc làm mới cho xã hội. Nhưng đáng nói hơn cả là tình trạng cán bộ chống buôn lậu lại tiếp tay, bao che cho buôn lậu đã làm mất lòng tin của dân với đội ngũ công bộc nhà nước.
Muốn hạn chế được tình trạng buôn lậu, trước hết phải rà soát lại các chính sách, quy định và khắc phục ngay những bất cập để người thực thi công vụ và các đối tượng buôn lậu không thể lợi dụng, đồng thời xử lý thật nghiêm những cán bộ, công chức tiếp tay cho buôn lậu. Chỉ có như thế mới hạn chế được hậu quả nguy hại cho nền kinh tế đất nước.