Tổng thống Phần Lan bất ngờ thăm Nga: Tìm kiếm thỏa thuận riêng rẽ?
Thế giới - Ngày đăng : 05:41, 17/08/2014
Tuy nhiên, sự kiện cũng cho thấy vết rạn đang dần rộng mở trong EU xung quanh lệnh trừng phạt Mátxcơva liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Tổng thống Nga V.Putin (trái) và người đồng cấp Phần Lan S.Niinisto trong cuộc gặp tại Sochi. |
Không phải vô cớ khi đúng ngày Tổng thống Phần Lan S.Niinisto thăm Nga, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố EU đang "tự bắn vào chân mình"; đồng thời kêu gọi cả khối cân nhắc lại chính sách trừng phạt Nga. Theo nhà lãnh đạo Hungary, các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Nga gây thiệt hại lớn cho EU, chứ không phải Nga. Không chỉ bày tỏ lo ngại đòn trả đũa của Nga sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế của Hungary, ông V.Orban còn yêu cầu EU bồi thường cho các nhà sản xuất thuộc các quốc gia như Ba Lan, Slovakia, Hungary hay Hy Lạp bị ảnh hưởng từ lệnh cấm vận Mátxcơva…
Đồng quan điểm với Thủ tướng Hungary V.Orban, nhiều nhà phân tích kinh tế cũng nhận định rằng, nhiều thành viên EU đang "ngấm đòn" trừng phạt đáp trả từ phía Nga. Theo Ủy ban Châu Âu (EC), EU là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với kim ngạch thương mại song phương năm 2013 đạt 336 tỷ euro. Trong khi đó, thị phần xuất khẩu của EU vào Nga ước tính khoảng 30% trái cây và hơn 20% các loại rau. Tổng cộng hằng năm Nga nhập khẩu thực phẩm và nông sản chừng 30 tỷ USD, trong đó chỉ 2% là từ Mỹ. Trong cuộc chiến thương mại vừa bùng phát giữa hai bên, hứng chịu đòn "phản công" chính của Nga là các nhà sản xuất và nhà xuất khẩu Châu Âu chuyên cung cấp các loại trái cây, rau quả, giò và xúc xích, pho mát, bơ cùng những sản phẩm từ sữa. Đáng kể là Đức và Ba Lan sẽ mất phần lớn kim ngạch mậu dịch với Nga, thậm chí các nước Baltic như Estonia, Latvia và Litva có thể sẽ bị tổn thất ở mức độ còn lớn hơn...
Không phải ngoại lệ, nền kinh tế Phần Lan - quốc gia có biên giới với Nga - cũng đang hứng chịu một đòn giáng nặng nề từ các lệnh trừng phạt "trả miếng" giữa EU và Nga. Theo cảnh báo của Phòng Thương mại Phần Lan, có gần 50% công ty của Phần Lan bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại đang diễn ra. Quý II năm nay, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Phần Lan được ghi nhận ở mức 0,1%, mức tăng khiêm tốn nhưng cũng đủ đưa nước này thoát khỏi tình trạng suy thoái kỹ thuật. Thế nhưng, căng thẳng thương mại Nga - EU cảnh báo nguy cơ kéo lùi nền kinh tế Phần Lan vì Mátxcơva là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Helsinki và chiếm khoảng 10% doanh thu từ thị trường nước ngoài. Theo các nhà kinh tế học, nếu ảnh hưởng tiếp tục, Phần Lan không những sẽ lâm vào suy thoái mà còn rơi vào khủng hoảng và đất nước Bắc Âu này sẽ phải mất 10 năm để đạt được mức tăng trưởng GDP bằng với năm 2008. Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb lo ngại rằng, tình hình đang quay trở lại hồi thập niên 1990, khi nước này đối diện với cuộc khủng hoảng tài chính sâu sắc. Ông cũng đã yêu cầu EU bồi thường những hậu quả do lệnh trừng phạt Nga của EU tạo ra cho Phần Lan vì miễn cưỡng phải dính vào các nguyên tắc liên đới kinh tế.
Vì những đòn trừng phạt gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu, uy tín của liên minh cầm quyền Phần Lan đang đứng trước nguy cơ sụt giảm đáng kể. Nhiều ý kiến còn tỏ ra nghi ngờ việc chính phủ có thể trụ lại được tới hết nhiệm kỳ, tức là đến tháng 4 năm sau.
Trong bối cảnh như vậy, chuyến thăm của Tổng thống Phần Lan S.Niinisto tới Nga được cho là bước đi xoa dịu căng thẳng và tìm kiếm những biện pháp nhằm giảm nhẹ thiệt hại cho các doanh nghiệp của cả hai bên. Hoàn toàn có thể hiểu được lý do vì sao trước chuyến đi của người đứng đầu nhà nước, Thủ tướng Phần Lan A.Stubb ra hai thông điệp về lập trường của Phần Lan cho ban lãnh đạo EU và Thủ tướng Đức Angela Merkel gồm: Thứ nhất, Phần Lan sẽ không ban hành bất kỳ biện pháp trừng phạt trả đũa nào với Nga. Thứ hai, ngành nông nghiệp của Phần Lan đang cần đến sự giúp đỡ nhất định. Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Vladimir Putin tại thành phố biển Sochi, Tổng thống S.Niinisto đã không ngần ngại khẳng định rằng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Mátxcơva cũng như động thái đáp trả của Nga đã gây phương hại tới quan hệ hai nước. Rõ ràng, trước bài toán nan giải về kinh tế và lợi ích quốc gia, các thành viên EU khó có thể "đồng lòng". Không loại trừ trong thời gian tới với hiệu ứng Phần Lan, các thành viên khác của EU sẽ có những thỏa thuận riêng rẽ với Mátxcơva. Và như vậy, lệnh trừng phạt của EU với Nga có khả năng sẽ bị lạc hướng.