Mô hình hay, cách làm giỏi
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:20, 16/08/2014
Không chỉ là phục vụ mà phải là dịch vụ
Trả lời cho câu hỏi, điều gì khiến ông tâm đắc nhất về đơn vị, PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn không nói về số bệnh nhân đến khám và điều trị, số ca can thiệp, số kỹ thuật khó hay số tiền mà BV Tim Hà Nội đã có được trong 10 năm qua, mặc dù những con số ấy không phải không gây ấn tượng. Theo Giám đốc BV, điều khiến cho đơn vị khác biệt với các cơ sở y tế khác chính là ở mô hình mà tập thể cán bộ y, bác sĩ và nhân viên y tế ở đây đã xây dựng thành công - BV công lập tự chủ, hạch toán như một doanh nghiệp. Với mô hình này, BV có điều kiện xây dựng cơ chế làm việc để cán bộ y tế làm việc với tâm thế là người cung cấp dịch vụ chứ không chỉ là phục vụ và người bệnh được coi là nhân vật trung tâm.
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Tim Hà Nội. |
Cung cấp dịch vụ hoàn hảo là phải làm cho người sử dụng dịch vụ hài lòng. Để làm được điều đó, từ hộ lý, y tá, đến bác sĩ, phẫu thuật viên… của BV Tim Hà Nội đều thấm nhuần phương châm hành động 3 H - trí tuệ, kỹ năng, tâm sáng và 3 TH - thân thiện, thuận tiện và thanh lịch. Nhờ đó, sau 10 năm, từ ca phẫu thuật tim mở đầu tiên, đến nay đơn vị đã làm chủ mọi kỹ thuật can thiệp tim mạch, trở thành một BV chuyên khoa hoàn chỉnh và là một trong 7 BV tuyến cuối của Bộ Y tế. Để bệnh nhân không phải vất vả chờ đợi trong sự lo lắng vì bệnh tật, căng thẳng vì thái độ không đúng mức, BV đã bố trí nơi tiếp đón, các khoa phòng liên hoàn một cách khoa học, hợp lý, áp dụng quy trình chuyên môn theo tiêu chuẩn Châu Âu, Hoa Kỳ… Cán bộ, nhân viên sẽ phải bắt đầu ngày làm việc từ 6h, nhưng với mô hình tự chủ, BV có điều kiện để bố trí ca phù hợp sao cho họ không phải làm việc quá 8 tiếng một ngày và được bồi dưỡng tiền ăn sáng.
"Ở đây, chúng tôi khuyến khích một người kiêm nhiều việc và làm việc gì thì được hưởng thu nhập từ việc đó một cách công khai, minh bạch, cố gắng để anh chị em có thu nhập đủ sống. Điều này vừa giúp các thầy thuốc không phải tìm cách mưu sinh, đặc biệt là không phải nghĩ về phong bì của bệnh nhân, không đùn việc cho nhau". PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ "bí quyết" để xây dựng được một tập thể đoàn kết, gồm những thầy thuốc vững vàng về chuyên môn và biết chia sẻ, yêu thương người bệnh.
Với những nỗ lực đó của các thầy thuốc, mọi bệnh nhân đến BV Tim Hà Nội đều được khám trong ngày. Ai phải phẫu thuật tim cũng chỉ mất một ngày khám, phẫu thuật trong vòng 3 ngày, can thiệp tim trong vòng từ 1,5 đến 2 giờ kể từ khi nhập viện, ra viện sau từ 3 đến 5 ngày với một trái tim khỏe mạnh hơn. Bệnh nhân đến đây còn có thể lựa chọn cả giờ phẫu thuật và phẫu thuật viên, được tiếp đón bởi những hướng dẫn viên luôn niềm nở, nhẹ nhàng… Gánh nặng bệnh tật vì đó mà vơi đi rất nhiều và quan trọng hơn người bệnh thấy mình thực sự được chia sẻ và chăm sóc y tế chu đáo.
- Tổng số bệnh nhân đến khám 500.000 người. Số bệnh nhân được phẫu thuật là 9.456, được can thiệp tim mạch 4.572. - Thu dịch vụ y tế năm 2013 là 254 tỷ đồng, tăng 10 lần so với 10 năm trước. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, thu 222 tỷ đồng, gấp 2 cùng kỳ năm ngoái. - Khám, cấp thuốc miễn phí cho 25.000 người, phẫu thuật, can thiệp miễn phí cho 50 trẻ em nghèo. |
Không chỉ phát triển mà còn lan tỏa
10 năm không phải là thời gian dài nhưng với những gì đã làm được, BV Tim Hà Nội tự tin để đặt ra cho mình những mục tiêu mà không phải BV nào cũng nghĩ tới. "Nhờ sự đầu tư của thành phố, cơ sở 2 của BV sẽ được xây dựng với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, chúng tôi có điều kiện để dễ dàng làm hài lòng người bệnh. Nhưng như thế là chưa đủ bởi sự hài lòng ấy cũng chỉ trong quy mô của BV, nên trong tương lai chúng tôi sẽ hướng ra cộng đồng" - Giám đốc Nguyễn Quang Tuấn nói về những ấp ủ cho chặng đường tiếp theo của BV Tim Hà Nội.
Không phải là trong tương lai mà đã nhiều năm nay, BV Tim Hà Nội đã có nhiều hoạt động vì cộng đồng. Tự thu, tự chi nhưng không giống như các cơ sở y tế tư nhân, lợi nhuận không phải là mục đích của BV nên số tiền dôi ra được đầu tư trở lại phục vụ người bệnh. Đào tạo, chuyển giao kỹ thuật miễn phí cho các đồng nghiệp ở tuyến dưới của thành phố và các tỉnh lân cận là một trong những hướng "đầu tư" ấy. Nhờ đó, các BV của Hà Nội như Xanh Pôn đã thực hiện được kỹ thuật can thiệp động mạch vành và tim bẩm sinh. Đan Phượng là BV tuyến huyện có đơn nguyên tim mạch đầu tiên. Thanh Trì, Quốc Oai trở thành BV vệ tinh; 20 BV tuyến tỉnh được nhận chuyển giao các kỹ thuật tim mạch và hiện có 4 BV tỉnh đề xuất tham gia đề án BV vệ tinh của Bộ Y tế trong vai trò là BV vệ tinh của Tim Hà Nội. Các lớp đào tạo chuyên sâu cho bác sĩ của Hà Nội và các tỉnh lân cận thường xuyên được mở, trong đó không ít bác sĩ được BV chu cấp kinh phí, tài liệu. Bởi các thầy thuốc ở BV Tim Hà Nội mong rằng có càng nhiều đồng nghiệp đang công tác tại tuyến dưới nắm được các kỹ thuật tiên tiến để nâng cao uy tín của tuyến y tế cơ sở, mạng lưới tim mạch ở Thủ đô được mở rộng và phát triển, giúp người bệnh được tiếp cận chất lượng khám, điều trị cao ngay ở BV gần nhất.
Một trung tâm đào tạo cho người bệnh và người nhà của họ sẽ được thành lập để giáo dục, phổ biến, tuyên truyền cho người dân biết cách phòng, chống các bệnh tim mạch, cách phát hiện sớm để được điều trị kịp thời. Cách "đầu tư" này không phải là "'một vốn, bốn lời" mà lợi ích của nó khó đong đếm, khi người dân Thủ đô nói riêng, các vùng lân cận nói chung có được trái tim khỏe nhờ tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng đến từ trái tim của các bác sĩ BV Tim Hà Nội.