Thách thức mới với thủ tướng Pakistan
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:50, 16/08/2014
Vụ khủng bố mới nhất xảy ra nhằm vào hai căn cứ của lực lượng không quân Pakistan gần thủ phủ Quetta, tỉnh Baluchistan khiến nhiều tay súng phiến quân thiệt mạng, một số nhân viên an ninh bị thương. Dù chưa tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm nhưng phiến quân Taliban từng tuyên bố sẽ đáp trả đẫm máu các chiến dịch quân sự của quân đội chính phủ nhằm vào lực lượng này ở khu vực bộ lạc Bắc Waziristan.
Cuộc tuần hành của những người biểu tình tại thủ đô Islamabad đang đe dọa sự ổn định của Pakistan. |
Tuy nhiên, đó chưa phải thách thức lớn với Chính phủ của Thủ tướng Nawaz Sharif. Sự kiện hàng chục nghìn người ngồi trên nhiều phương tiện từ xe tải, xe buýt đến xe gắn máy… vượt 300km từ thành phố Lahore tiến về thủ đô Islamabad những ngày qua để biểu tình đòi Thủ tướng N.Sharif từ chức đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Với cáo buộc Thủ tướng gian lận phiếu bầu trong cuộc bầu cử Quốc hội năm ngoái, dòng người biểu tình do Chủ tịch đảng đối lập Tehrik-e-Insaf, ông Imran Khan, chính đảng lớn thứ ba trong Quốc hội cầm đầu đang không ngừng gây sức ép lên Thủ tướng N.Sharif.
Thực tế cho thấy, bất ổn tại Pakistan đã leo thang từ tuần trước sau khi nổ ra các cuộc đụng độ giữa cảnh sát với những người ủng hộ Chủ tịch Phong trào nhân dân Pakistan (PAT) Tahirul Qadri - người đang đòi thành lập một "chính phủ dân tộc lâm thời" gồm các nhà kỹ trị và chuyên gia. Để gây sức ép với chính phủ, Chủ tịch đảng đối lập Imran Khan và Chủ tịch PAT Tahirul Qadri đã kêu gọi kế hoạch "một triệu người tuần hành" ở thủ đô Islamabad bắt đầu từ ngày 14-8.
Trước sức ép ngày một lớn từ phe đối lập, Thủ tướng N.Sharif đã đề nghị Tòa án Tối cao thành lập một ủy ban để điều tra các cáo buộc gian lận trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013 nhằm hóa giải cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở quốc gia Nam Á này. Tuyên bố trong một thông điệp quốc gia được truyền hình khắp cả nước trước lễ kỷ niệm Ngày Độc lập 14-8, Thủ tướng N.Sharif đã đề nghị Chánh án Tòa án Tối cao đứng ra thành lập một ủy ban gồm 3 thành viên "để tiến hành điều tra độc lập và minh bạch" các cáo buộc. Cùng với cam kết sẽ sửa đổi Hiến pháp, Thủ tướng N.Sharif còn khẳng định sẽ tại vị hết nhiệm kỳ 5 năm khi các cuộc tổng tuyển cử mới sẽ diễn ra vào năm 2018. Tuy nhiên, thiện chí của Thủ tướng N.Sharif đã ngay lập tức bị Chủ tịch đảng đối lập Imran Khan bác bỏ với tuyên bố chỉ công nhận ủy ban trên khi Thủ tướng N.Sharif từ chức và một chính phủ lâm thời được thành lập.
Ngày 15-8 đã nổ ra đụng độ ở thành phố Gujranwala của Pakistan sau khi xe chở thủ lĩnh đối lập Imran Khan trong cuộc biểu tình trên đường chống chính phủ tiến về Islamabad trúng đạn. Nữ phát ngôn viên của thủ lĩnh đối lập I.Khan, bà Aneela Khan xác nhận xe của thủ lĩnh bị tấn công nhưng ông này không bị thương. Đoàn xe hộ tống ông I.Khan bị người dân ném đá, song cảnh sát không can thiệp. |
Chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Quốc hội năm ngoái đã đưa ông N.Sharif trở lại lần thứ ba làm Thủ tướng Pakistan. Nhiều chuyên gia phân tích đã chỉ ra rằng, những thách thức mà ông N.Sharif phải đối mặt trên cương vị người đứng đầu nội các là không nhỏ. Trong đó, làm thế nào để xử lý hiệu quả vấn đề khủng bố trong nước - vấn đề Taliban của Pakistan - là một thách thức hàng đầu với khả năng cầm quyền của Thủ tướng N.Sharif. Bởi từ năm 2007 đến nay, Pakistan luôn phải đối mặt với làn sóng bạo loạn từ lực lượng phiến quân Taliban; đặc biệt tại khu vực Bắc Waziristan. Các phần tử khủng bố không ngừng tiến hành cuộc chiến chống nhà nước Pakistan, phá hoại cuộc sống của người dân, ngăn cản sự phát triển kinh tế, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Đầu tháng 7 vừa qua Quốc hội Pakistan đã sửa đổi Luật Bảo vệ Pakistan 2014. Theo đó, tăng gấp đôi khung hình phạt tù tối đa đối với các tội phạm tấn công khủng bố và nâng thời hạn giam giữ nghi can lên 60 ngày. Theo luật vừa được sửa đổi, các lực lượng an ninh được phép bắt giữ đối tượng tình nghi trong vòng 60 ngày mà không cần công bố nơi giam giữ hay các cáo buộc chống lại nghi can; đồng thời cho phép phạt giam đối với đối tượng phạm tội tấn công khủng bố lên tới 20 năm, tăng 10 năm so với trước.
Đạo luật chống khủng bố mới được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện tình hình an ninh tại Pakistan; rút ngắn quy trình xét xử và kết án, hỗ trợ cho cuộc chiến chống khủng bố của Islamabad. Thế nhưng, giữa lúc cuộc chiến chống khủng bố vẫn còn nhiều khó khăn, cuộc biểu tình xuyên bang có nguy cơ gây bất ổn ở thủ đô Islamabad lại đặt ra cho Chính phủ của Thủ tướng N.Sharif thêm thách thức trong nỗ lực ổn định tình hình đất nước.