Lòng tin và sự minh bạch
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:53, 16/08/2014
Chỉ hơn một tháng sau khi Bộ Tài chính chính thức áp giá trần với mặt hàng sữa dành cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi, thị trường sữa lại lập tức "nóng" khi các doanh nghiệp "tung chiêu phản đòn". Hàng loạt sản phẩm đang được gọi là sữa bỗng dưng được hô biến thành thực phẩm dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng… Nhiều hộp sữa vẫn giữ nguyên kích thước và giá thành nhưng bị giảm trọng lượng tịnh… Những chiêu "lách luật" này được doanh nghiệp sữa lập luận là để phù hợp với quy chuẩn của Bộ Y tế.
Vậy cái quy định của Bộ Y tế ra sao mà "gây biến" như vậy? Rất đơn giản là một con số, rằng sữa bột phải có hàm lượng protein là 34% trở lên. Vậy là từ một con số được đưa ra tưởng như sẽ "ghìm cương" giá sữa lại trở thành kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dụng. Theo tiêu chuẩn này, trên thị trường không có sữa bột, bởi các sản phẩm này chỉ có hàm lượng protein khoảng 14-18%. Lách luật, doanh nghiệp tung đủ "chiêu trò" khiến cho người tiêu dùng hoang mang giữa rừng sản phẩm, không biết đâu là sữa thật đâu là sữa đội lốt thực phẩm dinh dưỡng, còn nhà quản lý sau đợt này chắc chắn sẽ lại phải đau đầu tìm giải pháp ứng phó.
Nhưng chuyện đâu có đơn giản như vậy. Chẳng dễ dàng gì mà tính được giá trần cho sản phẩm sữa khi trên thị trường có hàng trăm loại sản phẩm khác nhau. Tìm một con số tham chiếu phù hợp là điều gần như không thể. Vậy là cái vòng luẩn quẩn có thể sẽ lặp lại. Bởi chính các nhà quản lý còn gặp khó thì doanh nghiệp chẳng hà cớ gì phải nghĩ ngợi. Ngược lại, họ hoàn toàn "thảnh thơi" chờ các chính sách của cơ quan quản lý để "ứng biến" cho phù hợp.
Lần này cũng vậy, không phải là lần đầu tiên cơ quan quản lý bị doanh nghiệp qua mặt. Dù Bộ Tài chính đã có nhiều lần điều chỉnh quy định, nhưng việc sản xuất kinh doanh sữa bột dành cho trẻ em vẫn tiếp tục nhảy múa với nhiều diễn biến khó lường. Có lẽ trong dư luận ai cũng biết là "có chuyện", nhưng chuyện thế nào thì cơ quan chức năng vẫn không thể làm rõ ra được và cũng chưa có giải pháp xử lý hiệu quả. Bộ Tài chính cũng đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra giá sữa, nhưng rút cuộc hầu hết kết luận được đưa ra là giá sữa tăng "không bất thường". Việc minh bạch và ổn định giá sữa vì thế mà lâu nay vẫn chưa được thực hiện. Và một khi các yếu tố cấu thành giá chưa minh bạch thì với một "rừng" các chi phí, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đưa ra các chiêu trò hợp lý để bảo vệ lợi ích của họ, phớt lờ lợi ích của người tiêu dùng, còn mục tiêu "quản" giá sữa của cơ quan quản lý lại đứng trước thử thách mới…