Vun đắp niềm tin
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:26, 15/08/2014
Hiện vụ việc đang được làm rõ, nhưng chắc chắn dù với động cơ gì thì án phạt nghiêm khắc sẽ dành cho những người thiếu ý thức, đồng thời là bài học cảnh tỉnh cho những ai có ý định lạm dụng mạng xã hội để "ăn không nói có"… Cũng may là trong vụ việc này không xảy ra tình trạng báo chí tiếp tay cho tin đồn, nếu không thì hậu quả chắc sẽ khó lường.
Tuy nhiên, không phải lúc nào các cơ quan báo chí cũng cảnh giác được như vậy. Đã có không ít trường hợp báo chí tiếp tay đắc lực cho tin đồn, thậm chí trong một số vụ việc còn trực tiếp đưa tin sai sự thật, gây hậu quả xấu. Như vụ việc chùa Bồ Đề còn nóng hổi, cơ quan chức năng vừa công bố kết luận điều tra, khẳng định ni sư trụ trì Thích Đàm Lan không liên can đến hành vi mua bán trẻ em. Thế nhưng, trước đó thì trên các trang mạng, kể cả một số báo điện tử đã tràn ngập thông tin tiêu cực về nhà chùa. Những thông tin nhạy cảm này vô hình trung đã dựng lên một "sự thật" khác về một ngôi chùa cổ nổi tiếng - một địa chỉ từ thiện uy tín, quen thuộc với đông đảo phật tử và những người thiện tâm. Cũng phải nói thêm rằng như vậy không có nghĩa là nhà sư không có trách nhiệm, bởi qua vụ việc này đã lộ rõ những “lỗ hổng” trong công tác trị sự một cơ sở tôn giáo kiêm địa chỉ từ thiện, đáng nói là vế thứ hai ngày càng phát triển tự phát, quá tải và quá khả năng kiểm soát của nhà chùa…
Có không ít dẫn chứng tương tự về việc báo chí tham gia đưa tin sai sự thật. Tại hội nghị về công tác tuyên truyền tổ chức đầu tháng 8 vừa qua, một lãnh đạo Công an TP Hà Nội đã nhắc chuyện vài năm trước, một số báo đưa tin người dân một xã ở huyện Đông Anh tẩy trắng trứng gà bằng hóa chất. Rùm beng đến nỗi các cơ quan chức năng của thành phố phải vào cuộc. Té ra là sau khi chứng kiến người dân làm sạch những vết bẩn do đất cát, phân gà bám trên vỏ trứng bằng nước rửa bát, một số "nhà báo" đã tạo dựng "sự kiện động trời" trên. Hậu quả, theo như thống kê của Phòng Kinh tế huyện Đông Anh, trong 6 tháng ròng mỗi ngày các cơ sở chăn nuôi, kinh doanh trứng gia cầm trên địa bàn huyện thiệt hại 650 triệu đồng. Hay như vụ cuối năm 2013, một tờ báo điện tử đưa tin bịa đặt về quan hệ cha chồng - nàng dâu ở một tỉnh Tây Nam bộ. Khi sự thật được làm rõ thì tờ báo nọ đã phải đính chính, xin lỗi độc giả, còn người viết và cả lãnh đạo báo đều bị xử lý trách nhiệm…
Thực tế cho thấy những năm gần đây lĩnh vực báo chí, truyền thông ở nước ta phát triển khá nóng. Đặc biệt, với sự hỗ trợ đắc lực của mạng internet đã ra đời các mạng xã hội, dẫn đến tình trạng bất kể cá nhân nào cũng có thể đăng tải thông tin tùy thích, trong đó có không ít thông tin bịa đặt, "dựng chuyện" để "câu view"… gây hậu quả xấu cho xã hội. Đáng ngại là ngày càng có nhiều tờ báo mạng coi tin đồn như nguồn tin nhằm đáp ứng "cơn khát" thông tin của độc giả. Nguyên nhân là do một số "nhà báo" yếu kém cả về đạo đức, nghiệp vụ và bản lĩnh, do quy trình làm báo cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp và không loại trừ mục đích lợi nhuận của tờ báo...
Tình trạng tung tin thất thiệt trên mạng xã hội, cùng với đó là vấn nạn "bẻ cong dư luận" của một số cơ quan báo chí đã trở thành hiện tượng đáng báo động. Bởi vậy, dư luận mong mỏi các cơ quan quản lý cần có những biện pháp mạnh, xử lý nghiêm tình trạng này, đặc biệt là phải chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan báo chí nhằm thực hiện tốt vai trò "bộ lọc" thông tin, định hướng dư luận, có như vậy mới thực sự góp phần xây dựng, vun đắp niềm tin của người dân.