Công bố Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Xã hội - Ngày đăng : 14:38, 14/08/2014

Ngày 14/8, tỉnh Ninh Bình tổ chức công bố Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1266, ngày 28/7/2014, của Thủ tướng Chính phủ.

Thành phố Ninh Bình ngày càng khởi sắc. Ảnh: Thế Minh/baoninhbinh.org.vn


Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Thắng cho biết: Đô thị Ninh Bình mở rộng có diện tích 21.052 ha, gấp hơn 4 lần hiện nay, bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Ninh Bình hiện tại và huyện Hoa Lư, xã Gia Sinh thuộc huyện Gia Viễn, xã Mai Sơn thuộc huyện Yên Mô, xã Khánh Hòa và xã Khánh Phú thuộc huyện Yên Khánh, một phần ranh giới hành chính xã Yên Sơn và phường Tân Bình thuộc thị xã Tam Điệp, xã Sơn Lai và xã Sơn Hà thuộc huyện Nho Quan.

Về tính chất, đô thị Ninh Bình là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, du lịch của tỉnh, đồng thời là trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch cấp quốc gia, có ý nghĩa quốc tế; là đô thị đầu mối giao thông, cửa ngõ phía Nam vùng duyên hải Bắc Bộ; là địa bàn có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa chiến lược và là dấu mốc quan trọng, tạo tiền đề, động lực để địa phương đổi mới, phát triển hơn nữa. Đây cũng là cơ sở pháp lý nhằm tăng cường công tác quản lý đô thị, đất đai, giao thông, xây dựng… của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; là căn cứ để xác định việc xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư cũng như đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các ngành kinh tế, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đô thị Ninh Bình ngày càng văn minh, hiện đại.

Theo Công ty tư vấn Nikken Sekkei Civil Engineering. Ltd (Nhật Bản), về quy mô dân số, đô thị Ninh Bình đến năm 2020 có khoảng 28,5 vạn người và đến năm 2030 có khoảng 40 vạn người. Không gian đô thị phát triển theo mô hình đô thị đa tâm gồm khu vực đô thị trung tâm và các khu vực đô thị phụ trợ. Khu vực đô thị trung tâm gồm thành phố Ninh Bình và thị trấn Thiên Tôn cùng với các khu đô thị mở rộng về phía Nam (từ tuyến đường Ngô Gia Tự đến tuyến đường cao tốc Bắc - Nam) và khu đô thị mở rộng về phía Bắc (khu vực các xã Ninh Khang, Ninh Mỹ đến sông Hoàng Long ở phía Bắc, sông Đáy ở phía Đông và tuyến đường ĐT 477 kéo dài tránh Quốc lộ 1A ở phía Tây). Các khu đô thị phụ trợ được xác định là khu đô thị Bái Đính; Quần thể danh thắng Tràng An (Cố đô Hoa Lư, khu du lịch Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư); trung tâm Ninh Hải - Ninh Thắng, Ninh Vân, Mai Sơn.

Khu vực nông thôn bao quanh sẽ hình thành vùng sinh thái nông nghiệp, đóng vai trò là vùng đệm xanh bảo vệ Di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới Tràng An. Cùng với định hướng về phát triển không gian đô thị, đất dành cho các lĩnh vực cũng được xác định và quy hoạch đảm bảo yêu cầu phát triển lâu dài. Hệ thống giao thông, các điều kiện về kỹ thuật điện, cấp, thoát nước, hệ thống chiếu sáng, thông tin liên lạc, các giải pháp về môi trường… các dự án đầu tư cũng được quy hoạch, quản lý và triển khai thực hiện tương ứng với không gian theo 2 trục: Đông - Tây với đường và kênh Vạn Hạnh, trục Bắc - Nam với đường Đinh Tiên Hoàng là trục chính, đảm bảo cho cảnh quan, kiến trúc thành phố được xây dựng hài hòa, bền vững, phù hợp với lộ trình phát triển và đầy đủ các tiêu chí của đô thị loại I trong tương lai.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh yêu cầu, các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức giới thiệu, phổ biến công khai quy hoạch trong nhân dân, để người dân hiểu và tạo sự đồng thuận khi thực hiện. Chính quyền các cấp ban hành các văn bản pháp quy về quản lý xây dựng theo đồ án được phê duyệt; lập chương trình phát triển đô thị và triển khai ngay quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phù hợp; xây dựng lộ trình mở rộng các đơn vị hành chính thành phố trong vùng; chú trọng khuyến khích xã hội hóa đầu tư kinh doanh các dịch vụ công của đô thị như: thoát nước, xử lý nước thải, rác thải, chiếu sáng… Bên cạnh đó, tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án phát triển đô thị đảm bảo đúng tiến độ, giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề tại khu vực mới đô thị hóa; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng; tạo điều kiện thuận lợi khẩn trương thực hiện các dự án đầu tư của Trung ương và của tỉnh trên địa bàn; phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp (chủ yếu là công nghiệp sạch), tiểu thủ công nghiệp làm động lực cơ bản thúc đẩy kinh tế phát triển và làm "xương sống" cho sự phát triển đô thị./.

Theo Vũ Anh Minh