Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu
Chính trị - Ngày đăng : 06:04, 14/08/2014
Trong đó vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng phải được đặt lên hàng đầu.
Những chỉ đạo mới nhất của Trung ương và Thành ủy Hà Nội về lĩnh vực này chính là nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng.
Lãnh đạo Hội đồng nhân dân và đại diện các cơ quan, đơn vị TP Hà Nội dự buổi tiếp công dân. |
Yêu cầu cấp bách
Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, số vụ việc KNTC đông người, kéo dài, vượt cấp có xu hướng gia tăng. Tại Hà Nội, tình hình KNTC trên địa bàn từ đầu năm 2014 đến nay cũng chưa có chiều hướng giảm. Thống kê của Thanh tra thành phố cho biết, 6 tháng đầu năm, số lượt công dân KNTC tăng 11%; số đơn thư tăng 29% so với cùng kỳ năm 2013. Hiện nay, vẫn còn 10 vụ KNTC tồn đọng kéo dài chưa xử lý dứt điểm thuộc các địa bàn: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Sơn Tây, Mê Linh, Ba Vì, Đan Phượng, Thường Tín và Nam Từ Liêm.
Nghiên cứu mới đây của Bộ Tư pháp chỉ ra rằng: Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng KNTC diễn biến phức tạp tại địa phương là do một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn chưa quan tâm đúng mức tới công tác giải quyết KNTC, đặc biệt là ở cấp xã, phường và cấp quận, huyện, thị xã. Khi phát sinh KNTC, cấp ủy, chính quyền chưa làm tròn trách nhiệm của mình, thiếu quan tâm giải quyết từ gốc (nơi phát sinh KNTC). Trong nhiều vụ việc, do thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, tiến độ giải quyết chậm, việc thẩm tra, xác minh sơ sài, thu thập chứng cứ không đầy đủ, kết luận thiếu chính xác, áp dụng pháp luật cứng nhắc, phương án giải quyết thiếu thuyết phục, dân không đồng tình, tiếp tục KNTC.
Khối lượng công việc tiếp công dân, giải quyết KNTC thường rất lớn; nhiều vụ việc phức tạp. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự phối hợp của cả hệ thống chính trị. Nhưng nhiều năm nay, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng KNTC kéo dài, phức tạp là do sự phối hợp giải quyết giữa các cơ quan chức năng kém hiệu quả. Để xảy ra tình trạng này trách nhiệm không nhỏ thuộc về các cấp ủy, tổ chức Đảng với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện hệ thống chính trị.
Trong Chỉ thị số 35-CT/TƯ ban hành ngày 26-5-2014 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC", Bộ Chính trị nêu rõ: "Công tác lãnh đạo và tổ chức thực hiện của nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền chưa sâu sát, thiếu quyết liệt; người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức chưa quan tâm đúng mức đối với công tác tiếp dân và giải quyết KNTC". Thực tế này đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức Đảng thay đổi nhận thức và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC.
Trách nhiệm của người đứng đầu
Tại một số quận, huyện như Phú Xuyên, Thường Tín, Đan Phượng, Long Biên, Tây Hồ, số vụ KNTC mấy năm trở lại đây giảm hẳn.
Mặc dù nhiều dự án, khối lượng diện tích đất GPMB lớn nhưng vẫn không nảy sinh khiếu kiện đông người, không phát sinh điểm nóng. Nguyên nhân là do các quận, huyện ủy nói trên đều xây dựng nghị quyết chuyên đề, phân công nhiệm vụ cho các ủy viên thường vụ bám sát địa bàn, chỉ đạo trực tiếp việc đối thoại với dân, giải quyết đơn thư KNTC. Đây là cách làm hiệu quả, nhưng nhiều nơi vẫn chậm áp dụng.
Nhằm thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 123-KH/TU ngày 25-6-2014. Kế hoạch nêu rõ: "Công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC cần tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên của cấp ủy, tổ chức Đảng, các địa phương, cơ quan, đơn vị của thành phố". Các cấp ủy, tổ chức Đảng trong Đảng bộ thành phố có trách nhiệm chỉ đạo phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị, Kế hoạch nói trên và các văn bản liên quan trước đó nhằm thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC. Đây là việc làm có ý nghĩa củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng và giữ vững ổn định chính trị, TTATXH, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Căn cứ vào Kế hoạch của Thành ủy và thực tiễn tại cơ sở, các cấp ủy Đảng từ thành phố đến cơ sở phải xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tại đơn vị.
Đặc biệt trong Kế hoạch số 123-KH/TU, Thành ủy đã đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Theo đó, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, thủ trưởng các đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tình hình KNTC và công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC; thực hiện các kết luận, quyết định giải quyết KNTC theo quy định của pháp luật; gắn việc tiếp công dân với giải quyết KNTC ở địa phương. Người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức Đảng phải chú trọng tiếp công dân tại cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân, đồng thời chủ động đối thoại, vận động, thuyết phục công dân để giải quyết, tháo gỡ triệt để khiếu kiện, bức xúc của người dân. Khi phát sinh KNTC, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức phải trực tiếp chỉ đạo xem xét, giải quyết; xử lý nghiêm minh các hành vi thiếu trách nhiệm trong giải quyết KNTC vi phạm Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, hoặc lợi dụng dân chủ kích động gây rối, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự… Những yêu cầu, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên rất rõ ràng và cụ thể. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm và ý thức tự giác thực hiện của cấp ủy, tổ chức Đảng ở cơ sở.