Nhiều lỗ hổng quản lý

Đời sống - Ngày đăng : 05:43, 14/08/2014

(HNM) - Những ngày này, câu chuyện về trẻ em ở chùa Bồ Đề (quận Long Biên) được dư luận hết sức quan tâm.



UBND quận Long Biên sẽ có kết luận thanh tra toàn diện về chùa Bồ Đề, song phía Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) nhận định, chính quyền, ngành chức năng chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi… Từ đây, vấn đề được đặt ra là cần có cơ chế quản lý như thế nào để vừa thực hiện mục tiêu xã hội hóa công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi vừa bảo đảm quyền lợi của các em.

Khu Nhà Mở nuôi dưỡng các cháu bé bị bỏ rơi ở chùa Bồ Đề. Ảnh: Tiền Phong


Trách nhiệm của cơ quan quản lý

Đi sâu tìm hiểu công tác chăm sóc trẻ mồ côi, tàn tật, nhiễm HIV, lang thang, cơ nhỡ (gọi chung là trẻ thuộc đối tượng bảo trợ xã hội) mới thấy việc này còn nhiều vấn đề cần bàn. Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có gần 1,7 triệu trẻ em, trong đó có 13.000 trẻ mồ côi, tàn tật, nhiễm HIV, lang thang, cơ nhỡ và chỉ có trên 1.000 cháu đang được nuôi dưỡng, học tập ở 11 trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn. Số trẻ còn lại đang sống trong cộng đồng, được các hộ gia đình nhận đỡ đầu, nhận con nuôi, hoặc sống trong các cơ sở nuôi dưỡng trẻ lang thang mồ côi, cơ sở tôn giáo...

Theo Bộ Tư pháp, việc các cơ sở tôn giáo mở lòng từ bi hỉ xả chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi, lang thang, cơ nhỡ là việc làm nhân đạo, được xã hội đánh giá rất cao. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là những cơ sở thiện nguyện như nhà chùa, nhà thờ… không có chức năng nuôi và chăm sóc trẻ mồ côi. Trên thực tế, việc nuôi trẻ ở nhà chùa cũng chưa phù hợp với lợi ích của trẻ, chưa bảo đảm môi trường sống thích hợp cho trẻ, không bảo đảm đúng mục đích xác lập quan hệ giữa người nhận và người được nhận nuôi. Vì lẽ này, trước việc một số sư trụ trì các chùa ở Hà Nội đề nghị Sở Tư pháp TP cho đăng ký nuôi con nuôi, tháng 6-2013 Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) đã chỉ đạo Sở Tư pháp yêu cầu phòng tư pháp các quận, huyện hướng dẫn dừng nhận nuôi trẻ ở nhà chùa khi có yêu cầu hoặc chỉ giải quyết thủ tục giám hộ cho nhà chùa hay sư trụ trì để trẻ em được nhập khẩu, đăng ký khai sinh và có đủ điều kiện để đi học sau này. Với trách nhiệm của mình, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã đề nghị các địa phương, trong đó có quận Long Biên hướng dẫn trụ trì chùa Bồ Đề thực hiện việc tạm dừng tiếp nhận các đối tượng. Nếu phát hiện trẻ bị bỏ rơi, nhà chùa có trách nhiệm báo cáo chính quyền để làm thủ tục tiếp nhận vào trung tâm bảo trợ xã hội theo quy định.

Đề cập đến trách nhiệm quản lý nhà nước, Cục trưởng Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Bình cho biết, vấn đề nuôi con nuôi là lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp, việc quản lý cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định của Nhà nước lại thuộc Bộ LĐ-TB&XH. Riêng công tác quản lý những cơ sở tiếp nhận và nuôi dưỡng trẻ em tự phát thuộc trách nhiệm quản lý hành chính của chính quyền địa phương. Như vậy, để xảy ra vụ việc như ở chùa Bồ Đề trước hết do chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc quản lý, giám sát việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi.

Kiện toàn các cơ sở ngoài công lập

Trên thực tế, trong khi các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước chưa đủ sức cưu mang hết những trẻ em bị bỏ rơi, trẻ mồ côi không nơi nương tựa thì rất cần xã hội hóa công tác này. Trên địa bàn Hà Nội không chỉ có chùa Bồ Đề mà còn có chùa Suy Xá, chùa Trăm Gian... nuôi dưỡng trẻ. Thống kê chưa đầy đủ ở 32 tỉnh, thành phố trên cả nước hiện có hàng nghìn trẻ em đang được nuôi dưỡng trong các nhà chùa và cơ sở tôn giáo. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em ngoài công lập đều không đáp ứng được các yêu cầu theo quy định tại Nghị định số 68/2008/NĐ-CP và Nghị định số 81/2012/NĐ-CP là phải có đầy đủ điều kiện về con người và cơ sở vật chất để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

Đi sâu tìm hiểu, cốt lõi của vấn đề không chỉ có thế. Hiện, quy định cơ quan chịu trách nhiệm về công tác quản lý các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi còn chồng chéo. Đặc biệt, với những cơ sở từ thiện, thiện nguyện của tư nhân, tập thể, nhà chùa, nhà thờ vẫn chưa có quy định rõ ràng về quy trình nhận nuôi, chăm sóc trẻ. Dù việc giám sát công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và hỗ trợ dạy nghề cho trẻ mồ côi đã có văn bản quy định nhưng cũng chưa đầy đủ. Đã đến lúc Bộ LĐ-TB&XH cần tổng rà soát, sắp xếp lại các cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi tự phát để kịp thời khắc phục những bất cập, bảo đảm đúng quy định. Với cơ sở đủ điều kiện cần khẩn trương làm thủ tục pháp lý, yêu cầu chính quyền sớm ra quyết định thành lập cơ sở nuôi trẻ để ổn định đời sống, tâm lý cho các em.

Trường hợp không bảo đảm tiêu chuẩn, kiên quyết dừng hoạt động tiếp nhận trẻ; đồng thời, rà soát hoàn cảnh, địa chỉ của từng em để đưa về địa phương hoặc các trung tâm bảo trợ của thành phố. Bộ Tư pháp cũng cần tăng cường phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân và các sư trụ trì về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, để các em có hoàn cảnh khó khăn tìm được gia đình thay thế phù hợp, được chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển tốt nhất.

Hà Phong