Rút đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu

Đời sống - Ngày đăng : 16:43, 13/08/2014

Tuổi nghỉ hưu của người lao động vẫn giữ như quy định hiện hành là nữ 55, nam 60 thay vì đề xuất nâng 5-7 năm, theo dự thảo mới nhất luật Bảo hiểm xã hội.

Để đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí, dự luật Bảo hiểm xã hội đưa ra tại kỳ họp Quốc hội tháng 6 vừa qua đã đề xuất tăng dần tuổi nghỉ hưu từ năm 2016 cho đến khi nữ đủ 60 và nam đủ 62. Tuy nhiên, đa số đại biểu không đồng tình với đề xuất này.

Vì thế, bản dự thảo mới nhất đưa ra bàn luận tại Thường vụ Quốc hội sáng 13/8 vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành. Cụ thể, tuổi nghỉ hưu của nam vẫn là đủ 60 và nữ là đủ 55. Những trường hợp làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... được nghỉ trước thời hạn.

Nhằm ngăn chặn khả năng vỡ quỹ bảo hiểm hưu trí, cách tính lương hưu hàng tháng được ban soạn thảo đề xuất với hai phương án. Phương án một, từ năm 2018, mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng của lao động nữ và 20 năm của lao động nam. Sau đó cứ thêm mỗi năm, lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Phương án hai là số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm; mỗi năm sau tăng thêm một năm và từ 2022 là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% với nam và 3% với nữ, mức tối đa bằng 75%.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Ủy ban tán thành phương án một nhưng cần có quy định về lộ trình nâng số năm đóng với nam giới. Cụ thể như sau: Đến năm 2018 là 16 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó mỗi năm tăng một để từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Lộ trình này tạo điều kiện để lao động nam có thời gian thích ứng với các thay đổi chính sách theo hướng cân đối đóng - hưởng như mục tiêu xây dựng luật.

Đa số thành viên Thường vụ Quốc hội tán thành phương án một.

Theo dự luật, từ năm 2018, lương hàng tháng đóng bảo hiểm xã hội sẽ gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Ảnh: Anh Quân.


Một biện pháp tránh vỡ quỹ bảo hiểm hưu trí được đề xuất là áp dụng cách tính tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động (quy định hiện hành chỉ có mức lương). Đa số đại biểu tán thành thực hiện quy định này từ 1/1/2018 thay vì từ ngày 1/7/2015 khi luật có hiệu lực.

Theo ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, người lao động ngoài Nhà nước hiện nay rất thiệt thòi. Quy định lương tối thiểu của người lao động là 1,9-2,7 triệu đồng, doanh nghiệp làm hợp đồng 2 triệu và suốt nhiều năm không hề nâng. Khi nghỉ hưu, tính bình quân lương đóng trong suốt quá trình nên lương rất thấp. Thực tế doanh nghiệp trả cho lao động 4-5 triệu đồng, bao gồm cả phụ cấp tiền nhà, đi lại, ăn… vì thế, áp dụng quy định trên sớm chừng nào thì người lao động đỡ thiệt.

“Đa số đồng tình đến năm 2018 thì phải thực hiện quy định này. Không thể đến lúc đó doanh nghiệp kêu khó khăn lại thôi, cứ đổ hết lên đầu người lao động”, ông Tùng nhấn mạnh.

Bà Trương Thị Mai cũng đề xuất năm 2018 dù lương tối thiểu chưa cán mức như bộ luật Lao động thì vẫn phải đóng như luật Bảo hiểm xã hội quy định. Đóng cao thì lương mới cao.

Ngoài những quy định nhận được sự đồng thuận cao như trên, dự luật mới vẫn còn gây tranh cãi về việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội là cán bộ không chuyên trách cấp xã, giao thẩm quyền thanh tra cho cơ quan bảo hiểm xã hội...

Dự kiến dự luật Bảo hiểm xã hội sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.

Theo Nam Phương