Niên đại đáng kinh ngạc của những sản phẩm làm đẹp và thời trang

Xã hội - Ngày đăng : 16:10, 13/08/2014

Những sản phẩm làm đẹp và thời trang của phụ nữ ngày nay thực tế đã xuất hiện từ rất lâu. Tuy nhiên phải đến khi các nhà khảo cổ tìm thấy các bằng chứng, chúng ta mới biết được tuổi đời thật của chúng.



Mọi người thường nghĩ cơn sốt quần jeans bắt đầu vào những năm 1950 với những người đi đầu như James Dean. Hoặc lâu hơn là những năm 1850 khi Levi Strauss chế tạo loại quần bền chắc cho các thợ mỏ đào vàng ở California. Strauss chắc chắn là người làm quần jeans nổi tiếng, nhưng thực tế loại quần với chất liệu vải bền tương tự như jeans đã xuất hiện từ rất lâu. Năm 2004, một nhà buôn nghệ thuật người Pháp và một giáo viên người Áo đã phát hiện một bức tranh của họa sĩ vô danh người Ý vẽ vào thế kỷ 17. Trong đó, nó mô tả những người lao động mặc loại quần màu xanh indigo, và chúng thường rách, để lộ những đường vải trắng giống hệt chất liệu jeans ngày nay.

Đồ hai mảnh Bikini


Khi kĩ sư cơ khí người Pháp Louis Réard giới thiệu mẫu đồ bơi 2 mảnh cho phụ nữ vào ngày 5/7/1946, ông gọi nó là "bikini" theo tên quả bom nguyên tử thả xuống quần đảo Bikini trước đó vài ngày. Tuy vậy, đồ hai mảnh cho phụ nữ đã có tuổi đời rất lâu. Tòa biệt thự Romana del Casale được xây dựng ở trung tâm đảo Sicily vào đầu thế kỷ thứ 4. Công trình này có một bộ sưu tập các bức tranh khảm, bao gồm cả một bức trên sàn căn phòng được gọi là "Phòng của 10 thiếu nữ" hay "các cô gái bikini". Những người phụ nữ trình diễn khả năng thể thao, chạy, nâng tạ, ném tạ và chơi bóng trong trang phục hai mảnh giống phụ nữ trên các bãi biển ngày nay.

Giày cao gót


Mặc kệ các cơn đau và sự khó chịu khi đi giày cao gót, rất nhiều phụ nữ vẫn sử dụng chúng để có được vẻ đẹp mà họ mong muốn. Các đôi giày cao ban đầu được dùng cho những mục đích đơn giản hơn. Ở châu Âu thời Trung cổ, cả đàn ông và phụ nữ đều đi giày gỗ hoặc kim loại có đế cao khi ra ngoài để bảo vệ đôi chân khỏi bùn, cũng như chất thải của các loài động vật. Theo huyền thoại, phụ nữ bắt đầu đi giày cao gót sau khi Catherine de Medici tới Pháp năm 1533 để cưới Henry, vị vua tương lai. Đôi giày cao gót giúp cô có dáng người và địa vị cao hơn.

Tuy vậy, bà Elizabth Semmelhack (Bảo tàng giày Bata, Toronto, Canada) cho biết nguồn gốc giày cao gót hoàn toàn khác. Chúng xuất hiện vào thế kỷ 16 ở Ba Tư, khi Shah Abbas I chỉ huy lực lượng kị binh lớn nhất thế giới. Đôi giày có gót cao giúp lính kị binh giữ chắc thân mình trên yên ngựa. Phong cách này đến với Tây Âu và nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới quí tộc nơi đây. Tới giai đoạn những năm 1630, phụ nữ bắt đầu áp dụng phong cách nam tính với tóc ngắn, trang phục đàn ông và cả những đôi giày cao gót.

Son môi


Thỏi son môi cổ nhất được tìm thấy ở phía Nam Iraq, thuộc vùng Ur của vương quốc Sumerian. Nó có niên đại từ năm 3000 trước Công Nguyên. Người Ai Cập cổ cũng đã từng tô son. Màu phổ biến nhất là đen ngả xanh, tiếp đó là da cam và đỏ cam. Phụ nữ Hi Lạp cổ cũng tô môi đỏ. Trong khi đó, ở La Mã, cả đàn ông và phụ nữ đều tô son.

Kẻ viền mắt


Nếu từng thấy tượng của nữ hoàng Nefertiti (giai đoạn 1370-1330 trước Công Nguyên) hay các bức tranh của người Ai Cập cổ, người ta có thể nhận thấy việc họ kẻ mắt rất đậm. Không chỉ có phụ nữ mà đàn ông và trẻ em cũng tô các đường màu thẫm xung quanh mắt mình. Phẩm màu được sử dụng là hợp chất chì sulfat.

Sơn móng tay


Các ca sĩ không phải những người đầu tiên sơn móng tay bằng các màu kì dị. Một số nguồn tin khẳng định việc tìm thấy loại phẩm màu sơn móng tay với niên đại từ năm 3200 trước Công Nguyên ở các ngôi mộ hoàng gia vùng Ur. Người Ai Cập cổ từng sơn móng tay bằng mực màu da cam, trong khi người La Mã dùng hỗn hợp mỡ cừu và máu.

Thuốc nhuộm tóc


Hàng nghìn năm trước đây, cả đàn ông và phụ nữ đều nhuộm tóc để che đi phần tóc bạc. Các sản phẩm chiết xuất từ thực vật như chamomile, indigo hay henna đều được dùng để làm phẩm nhuộm. Người Mesopotamian và Ba Tư cũng nhuộm tóc. Người Hi Lạp cổ nhuộm tóc bằng hỗn hợp kali với các loại hoa màu vàng. Người La Mã cũng dùng thuốc nhuộm, loại thuốc này làm tóc rụng, do vậy họ phải sử dụng các bộ tóc giả lấy từ nô lệ.

Theo Phan Hạnh