Mỹ mở lại không kích trên đất Iraq: Sự can thiệp không mong đợi
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:23, 13/08/2014
Mở lại không kích trên đất Iraq là quyết định không dễ với Tổng thống B.Obama. |
Quyết định của Nhà trắng bắt nguồn từ việc IS giết hại, vây hãm người Yazidi trên các miền đất hẻo lánh, đẩy họ vào tình cảnh nguy khốn. Theo đó, hàng chục nghìn người, đặc biệt là người Công giáo và người thiểu số Yazidi không theo đạo Hồi đã phải chạy trốn. Các tay súng IS đã sát hại hàng trăm người Yazidi, chôn sống nhiều người vô tội và bắt phụ nữ làm nô lệ. Thậm chí IS đe dọa tiêu diệt người Yazidi nếu không cải đạo Cơ đốc giáo sang đạo Hồi. Trước các diễn biến đẫm máu này, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, một tội ác diệt chủng sẽ xảy ra nếu không được ngăn chặn. Người đứng đầu nước Mỹ đã phê chuẩn chiến dịch không kích hạn chế cũng như vận chuyển đồ cứu trợ cho cộng đồng người thiểu số Yazidi đang mắc kẹt trên các vùng núi khô cằn và bị đe dọa tính mạng từ IS. Đợt không kích đầu tiên ngày 8-8 vào phiến quân IS bằng bom do laser dẫn đường của hải quân Mỹ đã đánh dấu sự can thiệp quân sự trở lại của Washington sau 3 năm Tổng thống B.Obama thực hiện rút quân khỏi Iraq.
Quyết định can thiệp quân sự trở lại vào Iraq là không dễ dàng với người đứng đầu nước Mỹ. Trong bối cảnh nội các Iraq chia rẽ và xung đột sắc tộc không ngừng lan rộng, đồng thời cuộc triệt thoái quân Mỹ khỏi Iraq đầy trắc trở hoàn tất hồi tháng 12-2011 - sau hơn 8 năm Mỹ dấn thân vào cuộc chiến tranh tại quốc gia Vùng Vịnh - là yếu tố khiến chiến dịch không kích như đang diễn ra bị trì hoãn. Không khó để nhận ra rằng, cuộc chiến tốn tiền hao của của xứ Cờ hoa đã tạo ra sự hỗn loạn hôm nay ở Iraq. Trong những tuần qua, Bagdad đã liên tục kêu gọi Mỹ hỗ trợ vũ khí và viện trợ khi các tay súng của IS bắt đầu càn quét vùng Tây bắc nước này. Nhưng lý do quan trọng hơn để chiến dịch không kích được thực hiện là nếu phát động cuộc chiến Iraq là một sai lầm chết người thì việc rút quân và để mặc Iraq rơi vào bất ổn sẽ là sai lầm nghiêm trọng hơn. Vì thế, bất chấp khó khăn tài chính, mâu thuẫn phe phái chính trị cũng như các cuộc khủng hoảng cục bộ cả trên bộ lẫn trên biển trải dài từ Châu Âu đến Châu Á… đang kéo căng chính sách đối ngoại Mỹ thì trách nhiệm hỗ trợ Iraq đẩy lùi "đám cháy" IS vẫn buộc Washington phải vào cuộc. Bởi nếu không can dự, Mỹ sẽ để tuột những thành quả đạt được ở Trung Đông và mất thêm lòng tin nơi các đồng minh trong khu vực như Saudi Arabia, Qatar…
Tuyên bố không có lịch trình cụ thể cho chiến dịch không kích trở lại Iraq của Tổng thống B.Obama vì không thể giải quyết vấn đề chỉ trong vài tuần lễ đã nhận được sự đồng tình của nhiều nghị sĩ Mỹ. Chủ tịch Hạ viện John Boehner còn nói, lẽ ra Nhà trắng phải hành động sớm và mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, đồng minh Anh và Pháp cũng ủng hộ quyết định của Mỹ. London cho biết sẽ ngay lập tức thả dù hàng viện trợ cho người di tản và Paris sẽ gửi các thiết bị cấp cứu. Tuy nhiên, ông B.Obama nhấn mạnh sẽ không cho phép Mỹ một lần nữa bị cuốn vào chiến tranh ở Iraq.
Bên cạnh cuộc khủng hoảng nhân đạo và quân sự chưa có hồi kết, Iraq đang rơi vào khủng hoảng toàn diện với đỉnh điểm vào ngày 11-8, khi Tổng thống Iraq Fouad Massoum chỉ định Phó Chủ tịch Quốc hội Al-Abadi làm Thủ tướng mới, đứng ra thành lập Chính phủ mới trong khi Thủ tướng đương nhiệm Al-Maliki vẫn tại nhiệm. Sự kiện ông Al-Abadi được chỉ định thành lập nội các mới nhằm giảm thiểu chia rẽ nội bộ đã nhận được sự ủng hộ của Liên hợp quốc và Mỹ. Ngay lập tức, Thủ tướng đương nhiệm Al-Maliki tuyên bố không từ bỏ nỗ lực đảm nhận thêm một nhiệm kỳ Thủ tướng thứ ba và cho biết đang đâm đơn kiện Tổng thống vì vi hiến. Sự kiện này có nguy cơ làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng toàn diện tại thời điểm mà Iraq đang rất cần một mặt trận đoàn kết, thống nhất để chống lại làn sóng thánh chiến IS đáng sợ.
Các mục tiêu của IS ở miền Bắc Iraq bị oanh tạc dữ dội trong những giờ qua của hải quân Mỹ đánh dấu bước dấn thân mới trong sự can dự của Washington vào cuộc xung đột đẫm máu đang diễn ra tại Iraq như một hệ lụy từ việc Mỹ đem quân vào xứ này năm 2003. Cuộc chiến địa chính trị ở khu vực mà Nhà trắng từng muốn đoạn tuyệt xem ra thật khó khăn và sẽ còn ám ảnh nước Mỹ.