Sự khác biệt từ sen

Văn hóa - Ngày đăng : 06:44, 12/08/2014

(HNM) -Chẳng phải vô cớ mà trong giới gọi họa sĩ Đặng Phương Việt là


Đầu cắt cua, đôi mắt lém lỉnh, dáng vẻ đậm đà nhưng nhanh nhẹn, áo phông, quần soóc gọn gàng, bề ngoài Đặng Phương Việt chẳng có vẻ giống nghệ sĩ. Thế nhưng chàng trai phố cổ chưa hề rời cây cọ trong suốt 20 năm và khẳng định được mình khi có đến hai mảng tranh mà khó ai vượt qua, nó gắn luôn với tên anh: "Việt Hàng Mã" và "Việt Sen". Đặng Phương Việt lý giải, anh sinh ra ở phố Hàng Mã, nên những sản phẩm mã giấy đã in hằn trong tâm trí anh, chỉ vẽ và vẽ ra như một sự định sẵn. Còn với sen, Việt nói rằng chính sen đã chọn anh để làm cầu nối, giúp người đời nhìn thấu suốt được sâu vẻ thanh khiết, cao sang của hoa sen. Và luôn là sen trắng bởi những hoài niệm quá đắm đuối của người họa sĩ này với vùng đầm sen trắng mênh mông ven hồ Tây trước kia, chứ không phải sen hồng như bây giờ. Đặng Phương Việt không thể đếm được mình vẽ bao nhiêu bức về sen, nhưng bức nào anh bảo cũng suy nghĩ mất 20 năm. Để khi cầm cọ, anh với sen hòa là một: "Sen trong Việt" và "Việt trong Sen".

16 bức trưng bày tại triển lãm hầu hết là sơn dầu khổ lớn, có bức tới 360cm x 160cm chỉ được hoàn thiện trước thời điểm triển lãm vài giờ. Anh đều "gọi" chúng chỉ bằng một chữ, như "Mờ", "Lá", "Lặng", "Nổi", "Mây", "Mặc", "Tím", "Hồng", "Vàng"… Duy có bức lớn nhất và cũng gây ấn tượng nhất được anh đặt hai chữ "Màu nắng". Về cảm quan, sen Việt vẽ có màu sắc vô cùng sống động. Nhưng nó không đơn giản như một sự tả thực của màu hoa trắng trên nền lá xanh mà là những màu rực rỡ chẳng ai thấy trong đầm sen bao giờ như đỏ ối, tím đậm, cam vàng, khói ngà… Đặng Phương Việt quả quyết: Quan trọng là chúng đẹp, bạn có thấy bức tranh đẹp không? Có!

Những lần triển lãm trước, tranh của Đặng Phương Việt thiên về diễn tả tâm cảm, tức là cái nhìn, cái cảm của mình lúc ấy với hoa sen. Còn lần này, anh thể hiện rõ vai trò của một chiếc cầu nối, đưa công chúng đối diện với nội tâm của hoa sen, đẩy những mảng màu, góc cạnh lên cao trào, giúp họ có cảm giác được giải thoát, được tái sinh ngay tại đây - trước mỗi bức tranh. Làm được điều ấy cũng bởi bản thân họa sĩ là một phật tử đạo tràng, đã nhiều năm nghiên cứu kinh pháp hoa và thấm nhuần đạo lý của nhà Phật: "Hoa sen thanh khiết chỉ cho Pháp thân thanh tịnh. Sen trong bùn đã có sẵn mầm của hoa sen toàn vẹn hương sắc, tựa như tâm chúng sinh đã có sẵn tâm Phật tràn đầy viên mãn. Trong mỗi bông sen, cánh sen, gương sen có cùng một lúc. Khi cánh sen rụng hết thì gương sen lộ ra đầy đặn. Đó cũng là ý nghĩa nhân quả đồng thời". Chẳng thế, hoa sen là loài hoa mang ý nghĩa thiêng liêng đối với bất cứ người Việt nào. Trong những ngày tháng 7 tâm linh này, triển lãm "Sen trong Việt" của Đặng Phương Việt bỗng có duyên.

Thi thoảng lướt các phòng tranh Đặng Phương Việt lại bắt gặp một vài sự "nhái", có lúc bạn bè giận dữ gửi cho xem ảnh triển lãm này nọ có bức nhang nhác phong cách vẽ sen của anh, Việt chỉ cười. Anh cảm thấy mình may mắn vì đã tìm được lối đi riêng, cá tính và định hình được phong cách, còn họ - những người "nhái" kia thật đáng thương trong cảnh bế tắc.

An Nhi