Thủ tướng R.T.Erdogan đắc cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: Nhiệm kỳ nhiều thách thức

Thế giới - Ngày đăng : 06:19, 12/08/2014

(HNM) - Không nằm ngoài dự đoán, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã trở thành Tổng thống đầu tiên đắc cử trong cuộc bầu cử theo hình thức phổ thông đầu phiếu ngày 10-8 tại quốc gia như một dấu nối giữa hai lục địa Á - Âu .

Thủ tướng R.T.Erdogan đã đắc cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.



Theo kết quả do hãng thông tấn nhà nước Anadolu công bố ngày 11-8, với 100% số phiếu được kiểm, Thủ tướng R.T.Erdogan - lãnh đạo đảng Công lý và Phát triển (AKP) đã giành 51,96% số phiếu, xếp trên ứng cử viên của đảng Dân chủ Nhân dân Ekmeleddin Ihsanoglu với 38,33% và ông Selahattin Demirtas ứng cử viên của đảng Cộng hòa nhân dân và đảng Phong trào dân tộc với 9,71%. Đây là một kết quả không gây bất ngờ với dư luận Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực. Nó đánh dấu chiến thắng của cá nhân ông R.T.Erdogan, người đã giữ chức Thủ tướng từ năm 2003. Tuy nhiên, việc đảm đương cương vị Tổng thống trong nhiệm kỳ 5 năm không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Thách thức lớn nhất của ông R.T.Erdogan hiện nay là hiện thực hóa kế hoạch đầy tham vọng đã vạch ra trong quá trình tranh cử. Đó là cam kết tăng cường vai trò của Tổng thống, từ một chức vụ mang tính nghi thức thành một vị trí quyền lực mang tính thực tế nhiều hơn. Nhà lãnh đạo 60 tuổi này cũng khẳng định sẽ sử dụng quyền lực lớn hơn của Tổng thống để thúc đẩy các dự án phát triển hạ tầng cơ sở của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có việc xây dựng đường sá và sân bay mới để phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, tân Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với hàng loạt thách thức có thể bùng phát từ những bất ổn đang lan rộng trong xã hội trong thời gian gần đây như các cuộc biểu tình chống Chính phủ tới bê bối tham nhũng dẫn đến cải tổ nội các cùng những chính sách bị cho là "độc đoán" không hợp lòng dân... Điều này khiến tỷ lệ người dân ủng hộ Chính phủ của ông R.T.Erdogan liên tục suy giảm. Các nhà phân tích cho rằng, chiến thắng của ông R.T.Erdogan lần này là nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ các cử tri tôn giáo bảo thủ có thu nhập trung bình tại khu vực miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ và các huyện nghèo ở Istabul. Thế nhưng, nếu không có những biện pháp hữu hiệu trước những "cơn sóng ngầm" đang âm ỉ trong xã hội thì không loại trừ khả năng những cử tri trung thành sẽ quay lưng lại với người mà họ vừa bỏ phiếu lựa chọn là tân Tổng thống R.T.Erdogan.

Giới quan sát cho rằng, để củng cố chiếc ghế quyền lực mới, Tổng thống đắc cử R.T.Erdogan sẽ phải tìm cách sửa đổi hệ thống nghị viện, thu hẹp quyền hạn của cơ quan lập pháp. Tuy nhiên, trên hành trình hiện thực hóa tham vọng, ông R.T.Erdogan sẽ vấp phải rào cản là Tòa án Hiến pháp. Bức "tường thành" này dự báo sẽ tạo ra sự căng thẳng trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới.

Trên thực tế, trước đây, AKP đã thất bại trong nỗ lực sửa đổi Hiến pháp và chính đảng của ông R.T.Erdogan đang tiếp tục cố gắng thúc đẩy kế hoạch này bằng cách giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội năm sau. Theo quy định hiện hành, Hiến pháp sửa đổi phải nhận được sự ủng hộ của 2/3 nghị sĩ Quốc hội. Trong trường hợp chỉ có 60% nghị sĩ ủng hộ, Hiến pháp sửa đổi phải nhận thêm được lá phiếu tán thành của các cử tri trong một cuộc trưng cầu ý dân sau đó. Nếu giành được thế thượng phong và chiếm đa số tại Quốc hội khóa mới, khả năng sửa đổi Hiến pháp được thông qua là khả thi.

Tuy nhiên, tuyên bố "định hình lại" hệ thống chính trị của Tổng thống đắc cử R.T.Erdogan ngay từ bây giờ đã vấp phải sự phản đối của lực lượng đối lập khi cho rằng, ông R.T.Erdogan đang phá hoại "di sản" của người sáng lập ra Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ. Trong thời gian tới, cấp độ phản đối được giới đối lập cảnh báo sẽ gia tăng và tạo ra những làn sóng mới chống lại đảng AKP cầm quyền.

Dẫu vậy, mục tiêu giành chiếc ghế Tổng thống của ông R.T.Erdogan đã trở thành hiện thực. Tuy nhiên, 5 năm bình ổn đất nước và theo đuổi những mục tiêu tham vọng như mong muốn của Tổng thống R.T.Erdogan sẽ là cả một chặng dài nhiều thách thức.

Quỳnh Chi