Cần tương tác hai chiều

Chính trị - Ngày đăng : 06:01, 12/08/2014

(HNM) - Tuần vừa rồi, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị trực tuyến với thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã bàn giải pháp phát huy vai trò của Thường trực HĐND thành phố trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri.

Nhiều vấn đề được HĐND các cấp đưa ra, tiêu biểu là HĐND huyện Thanh Trì cho rằng, khi gặp phải vụ việc khó khăn, phức tạp, nếu cần thiết có thể tiếp dân xuyên trưa, với sự hiện diện của các ban, ngành. HĐND huyện Mỹ Đức đề xuất, đối với đơn thư khiếu nại, phức tạp, tồn đọng, nhân dân không đồng tình với cách giải quyết, cần thành lập các đoàn giám sát, tái giám sát, làm việc với cơ quan CA, TAND, thanh tra để tìm hiểu đến cùng bản chất vụ việc.

Hai hướng làm việc tuy khác nhau nhưng cùng mục đích là tăng cường mối quan hệ liên thông, điều hòa, phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo dai dẳng ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn. Qua tổng hợp của các đơn vị, vấn đề xây dựng nông thôn mới, thu chi ngân sách, an toàn vệ sinh thực phẩm, bồi thường đất được HĐND các cấp đặc biệt quan tâm giải quyết, thu được kết quả nhất định.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, nỗ lực này chỉ có thể mang lại kết quả toàn diện khi bên cạnh những buổi tiếp dân hằng tháng ở cấp quận, huyện, thường trực HĐND thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát ngược trở lại những việc HĐND cấp dưới đã triển khai; đồng thời, hằng tháng tổ chức tiếp công dân theo vụ việc cụ thể, có sự tham gia đồng bộ của các sở, ngành liên quan để cùng lúc đạt 3 mục tiêu: Chỉ đạo rõ nhiệm vụ các đơn vị liên quan; quy trách nhiệm và ấn định thời gian thực hiện cụ thể. Bởi không ít vụ việc nóng, liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh được người dân kiến nghị ngoài tầm giải quyết ở cấp dưới. Từ thực tế kiểm tra, giám sát cũng cho thấy, việc phối hợp, ứng dụng công nghệ, kết nối thông tin và dữ liệu phục vụ hoạt động tiếp dân, giải quyết đơn thư của công dân, kiến nghị của cử tri giữa các cấp chính quyền còn lúng túng. Một số kiến nghị đã được trả lời nhưng vẫn tổng hợp dẫn đến trùng lặp, lại có kiến nghị đã được giải quyết song việc triển khai của không ít sở, ngành, quận, huyện thiếu dứt điểm. Đặc biệt, có kiến nghị của dân được trả lời quá chung chung, chưa đi thẳng vào vấn đề cử tri nêu. Chính hạn chế này đã làm giảm hiệu quả tiếp dân, giải quyết đơn thư.

Trong giải quyết đơn thư khiếu nại, bên cạnh vai trò của HĐND cấp thành phố chỉ đạo và trực tiếp tham gia giải quyết, rất cần sự chủ động nắm tình hình, xây dựng chương trình, kế hoạch bài bản, chịu trách nhiệm hơn nữa về công tác phân loại, xử lý đơn thư cũng như đề xuất cụ thể với cấp trên những trường hợp quá thẩm quyền của HĐND cấp quận, huyện. Nếu làm được như vậy, trong tương lai các cuộc tiếp dân, giải quyết các bức xúc cấp thành phố sẽ ngày càng ít đi. Rõ ràng, giải quyết đơn thư là một lĩnh vực cần phải sớm cải cách cơ chế phối hợp, tăng tính chủ động của từng cấp.

Hồ Bách