Càng chặt chẽ, càng nâng cao chất lượng
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:35, 12/08/2014
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém" và "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Do đó, xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay là công tác then chốt, khâu đột phá của mọi vấn đề. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện vẫn có hiện tượng một số cán bộ đặt nhầm vị trí, đưa vào hoặc đưa lên theo kiểu linh động, cơ cấu trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Từ đó xuất hiện tư tưởng "yên vị" chờ bố trí, sắp xếp "ghế" hoặc xuất hiện tâm lý "yên tâm" được ưu tiên đưa vào diện cơ cấu, ngồi một chỗ chờ sắp đặt vị trí, chức danh... Đây cũng chính là nguyên nhân của tình trạng có không ít cán bộ, công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", chờ đến kỳ lĩnh đồng lương từ ngân sách nhà nước. Có thể nói, những con người này hoàn toàn không có đóng góp gì đáng kể đối với đội ngũ "công bộc của nhân dân". Thậm chí sự yếu kém về trình độ năng lực cũng như phẩm chất đạo đức của số người này còn là lực cản đối với công cuộc đổi mới, làm trì trệ sự vận hành của bộ máy hành chính nhà nước và chính là nguyên nhân dẫn đến việc phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực trong thực thi công vụ hoặc chạy chức, chạy quyền...
Vẫn biết rằng những vấn đề nêu trên cần phải khắc phục và loại bỏ, song đây là công việc cần phải kiên trì thực hiện với cách làm quyết liệt, đồng bộ và bài bản. Vào thời điểm này, dư luận đang đặc biệt quan tâm tới việc xử lý những tiêu cực trong cuộc thi tuyển công chức tại Cục Quản lý thị trường (thuộc Bộ Công thương) diễn ra vào tháng 10-2013. Sau gần 9 tháng điều tra, làm rõ một số vấn đề từ đơn thư khiếu nại, tố giác, lãnh đạo cơ quan chức năng đã thừa nhận xuất hiện những tiêu cực trong cuộc thi này. Cần chú ý quản lý thị trường là một ngành đặc biệt, nhạy cảm, bởi đây là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc chống hàng nhái, hàng giả, chống buôn lậu, gian lận thương mại... Như vậy, đạo đức và kỷ luật nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ là những tiêu chí cần đề cao hàng đầu. Song nếu những tiêu cực nêu trên không bị phát giác thì liệu điều đó có ảnh hưởng tới hiệu quả công việc của đội ngũ những người đại diện bảo vệ công lý, pháp luật? Cũng phải nói thêm, đây chỉ là một ví dụ về những chuyện "có vấn đề" trong công tác tuyển dụng hoặc bố trí cán bộ vào các cương vị công tác hiện nay. Lại có những nơi, việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ được làm cho có, cho xong, còn mọi việc đều đã đâu vào đấy, việc thực hiện theo đúng quy trình chỉ là chiếu lệ, chỉ là "kênh" để tham khảo... Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những sai phạm tiêu cực xảy ra một phần là do năng lực yếu kém, phần khác là do phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức; trong khi đó, người có Tâm, đủ Tầm lại không có "chỗ" hoặc được bố trí những công việc phù hợp...
Năm 2013, chỉ tiêu thi tuyển công chức của Hà Nội là 487 người, nhưng với gần 4.000 thí sinh dự thi, chỉ có 160 người được tuyển chọn. Tất nhiên, đây chỉ là một khía cạnh của vấn đề nhưng ít nhiều điều đó cũng nói lên sự nghiêm túc trong việc tổ chức thi tuyển công chức của Hà Nội. Kết quả đó và những công việc đã và đang triển khai tại kỳ thi tuyển công chức năm 2014 đang diễn ra cho thấy quyết tâm của thành phố trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hội tụ đủ năng lực và phẩm chất đạo đức để gánh vác trọng trách xây dựng và phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới.