Không chỉ là vấn đề của ASEAN

Thế giới - Ngày đăng : 06:24, 11/08/2014

(HNM) - Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang đứng trước thời điểm quan trọng khi thời hạn chót hình thành cộng đồng vào ngày 31-12-2015 - trên cả ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội đang đến gần.


Dù hơn 80% khối lượng công việc đã được hoàn thành để chuẩn bị cho sự kiện bước ngoặt này, thế nhưng việc hiện thực hóa các mục tiêu còn lại vẫn còn không ít trở ngại khi những thách thức an ninh khu vực ngày một diễn biến phức tạp. Đây là những nội dung được Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM-47), Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 21 (ARF-21) cũng như các hội nghị liên quan - diễn ra cuối tuần qua tại Myanmar - tập trung bàn thảo.

Những nguy cơ an ninh đang đặt ASEAN trước nhiều thử thách.



Là các hội nghị cấp bộ trưởng ngoại giao quan trọng nhất trong năm của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác chủ chốt, AMM-47 cùng các hội nghị liên quan diễn ra vào thời điểm ASEAN kỷ niệm tròn 47 năm ngày thành lập (8/8/1967 - 8/8/2014). Phát huy hơn nữa vai trò trung tâm, chủ đạo của ASEAN trong xây dựng cấu trúc an ninh khu vực cũng như liên kết kinh tế nội khối, thu hẹp khoảng cách phát triển, ứng phó hiệu quả với các thách thức đang nổi lên nhằm hướng tới một Cộng đồng ASEAN hùng mạnh tiếp tục là những ưu tiên trong nghị trình tại AMM-47 và các hội nghị liên quan. Trong đó, hiện thực hóa những nhóm hành động còn lại trong lộ trình xây dựng cộng đồng đã nhận được sự nhất trí của bộ trưởng ngoại giao các nước tham dự AMM-47. Các bộ trưởng nhấn mạnh: Việc xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 sẽ là nền tảng để ASEAN phát triển vững mạnh trong những thập kỷ tiếp theo. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp ASEAN đóng vai trò trung tâm trong các tiến trình hợp tác khu vực, hạt nhân của mạng lưới các liên kết và kết nối đa tầng ở Đông Á.

Diễn ra vào thời điểm Trung Quốc có nhiều hành động gây căng thẳng trên Biển Đông, việc bảo đảm an ninh, ổn định và tự do an toàn hàng hải trên vùng biển địa chiến lược - kinh tế này không chỉ là ưu tiên hàng đầu của ASEAN tại các hội nghị lần này mà còn trở thành mối quan tâm chung của các đối tác trong khu vực và thế giới. Sự kiện Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou-981 (Hải Dương-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), trái với tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã đặt ra cho khu vực nhiều thách thức an ninh. Cho rằng những tranh chấp trên Biển Đông không chỉ liên quan tới các quốc gia có chủ quyền, các hội nghị lần này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 nhằm giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Trong đó, việc thực hiện đầy đủ các cam kết nêu trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực là mục tiêu quan trọng. Việc các bộ trưởng ngoại giao ASEAN nhất trí ra thông cáo chung yêu cầu các bên kiềm chế tại Biển Đông, tránh có những hành động làm phức tạp tình hình đã cho thấy sự đoàn kết trong ASEAN nhằm giải quyết những thách thức chung của khu vực.

Hiện xung đột Biển Đông đã trở thành thử thách lớn nhất đối với sự ổn định của ASEAN cũng như khả năng xử lý của khối trong một vấn đề mang tính sống còn đối với an ninh khu vực Đông Nam Á. Vấn đề này được đặt ra ngay trước khi Cộng đồng ASEAN được hình thành vào năm 2015. Điều đó cho thấy rằng, cùng với việc đón nhận một bước ngoặt trong tiến trình phát triển của hiệp hội hơn 600 triệu dân, ASEAN cũng đang đứng trước những khó khăn lớn đòi hỏi sự quyết tâm, đoàn kết, cùng chia sẻ trách nhiệm giữa các quốc gia. Nếu không có sự đồng thuận và nhận thức sâu sắc về lập trường này, mục tiêu ASEAN sẽ trở thành thực thể chính trị - kinh tế ngày càng quan trọng, hạt nhân và động lực cho các tiến trình hợp tác và liên kết ở khu vực Đông Á và Châu Á - Thái Bình Dương sẽ khó đạt được bởi hòa bình, ổn định sẽ quyết định sự thịnh vượng của nền kinh tế. Đây cũng là lý do khiến Mỹ, một đối tác quan trọng của ASEAN tại hội nghị đã đưa ra đề xuất kêu gọi các bên tranh chấp tại Biển Đông đóng băng mọi hành động gây căng thẳng. Ngoại trưởng John Kerry, người dẫn đầu phái đoàn Mỹ đã nêu vấn đề an ninh, an toàn hàng hải tại Biển Đông là trọng tâm của Washington trong ARF-21. Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Mỹ khẳng định, Mỹ chia sẻ trách nhiệm với ASEAN để thực hiện mục tiêu bảo đảm hòa bình, tự do hàng hải tại vùng biển quan trọng này vì "những gì xảy ra ở đây không chỉ là vấn đề của khu vực và Mỹ mà còn của cả thế giới khi muốn thấy một Đông Nam Á tiếp tục phát triển dựa trên các quy tắc và luật pháp quốc tế" - Ngoại trưởng John Kerry khẳng định.

Đình Hiệp