Khó về đích đúng hẹn

Xã hội - Ngày đăng : 06:03, 11/08/2014

(HNM) - Chưa đầy một năm nữa là kết thúc Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015 nhưng mục tiêu đề ra dường như vẫn xa vời với nhiều địa phương.

Không chỉ vùng khó khăn mới thiếu nước sạch…

Qua rà soát của Bộ NN&PTNT, các địa phương đã sử dụng vốn kế hoạch năm 2014 triển khai xây dựng 318 công trình cấp nước và vệ sinh trong trường học, 126 trạm y tế, 721 công trình cấp nước tập trung. Như vậy, tính lũy kế, toàn quốc hiện có 15.093 công trình cấp nước tập trung ở khu vực nông thôn. Tính đến hết tháng 6-2014, có 84% số hộ nông thôn được sử dụng nước từ các công trình nước sạch, trong đó 42% dân số được sử dụng nước đạt Quy chuẩn 02 của Bộ Y tế; trạm y tế có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 96%; trường học có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 90%. So với mục tiêu chương trình đề ra, chỉ còn 1% dân số chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh và 3% dân số chưa được sử dụng nước sạch.

Trạm cấp nước thị trấn Thường Tín sau khi khôi phục đã cấp nước ổn định cho nhân dân.


Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng, kết quả nêu trên đã góp phần cải thiện điều kiện cấp nước của người dân nông thôn. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu đề ra không đơn giản bởi hiện tại, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh giữa các địa phương có sự chênh lệch khá lớn: Các tỉnh miền núi phía Bắc, dân số được cung cấp nước hợp vệ sinh đạt 80%, Bắc Trung bộ 75% và Tây Nguyên 80%. Đây là những vùng có tỷ lệ cao về người nghèo, dân tộc thiểu số nhưng công trình cấp nước ở nhiều nơi còn hạn chế. Ngay như TP Hà Nội cũng nhiều khả năng không hoàn thành mục tiêu chương trình đề ra bởi đến thời điểm này mới có 35,26% dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, thấp hơn bình quân chung của cả nước 6,74%. Nguyên nhân ở đây chủ yếu do chính quyền địa phương thiếu quan tâm, chưa dành đủ kinh phí đầu tư cho chương trình; có nơi công tác điều hành chưa thực sự quyết liệt, việc thực hiện phân cấp còn bộc lộ những bất cập dẫn đến lãng phí trong đầu tư...

Loay hoay "bài toán" vốn đầu tư

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, ngân sách đầu tư cho Chương trình NS&VSMTNT còn những hạn chế. Cụ thể: Giai đoạn 2012-2014, trong cơ cấu nguồn vốn thực hiện chương trình, ngân sách trung ương chỉ chiếm 11,5%, ngân sách địa phương chiếm 8,1%, người dân đóng góp 7,2%..., đều thấp hơn so với kế hoạch đề ra. Thực tế, thời gian qua, một số địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách kêu gọi doanh nghiệp tham gia xã hội hóa đầu tư xây dựng, quản lý vận hành sản xuất, kinh doanh nước sạch cung cấp cho người dân khá hiệu quả. Đơn cử tỉnh Thái Bình đã ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư như hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng, đền bù giải phóng mặt bằng, cụ thể, doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới công trình nước sạch tập trung được hỗ trợ 3 triệu đồng/m3 sản xuất nước sạch, còn nâng công suất công trình nước sạch tập trung là 2 triệu đồng/m3 sản xuất nước sạch. Nhờ vậy, trong vòng 2 năm qua, trên địa bàn tỉnh này đã có 24 doanh nghiệp đầu tư 27 dự án cấp nước sạch cho nông thôn với số vốn đăng ký đầu tư trên 1.700 tỷ đồng. Thái Bình phấn đấu, trong năm 2015, 100% dân số được sử dụng nước sạch…

Thế nhưng không phải địa phương nào cũng làm được như vậy. Thực tế nhiều nơi rất lúng túng trong việc huy động nguồn vốn đầu tư. Tại Hà Nội, trên cơ sở quy hoạch tổng thể cấp nước sạch nông thôn, thành phố đã phê duyệt đầu tư 6 dự án nước sạch liên xã; khôi phục 13 trạm cấp nước không hoạt động hoặc xây dựng dở dang; thực hiện đấu nối với mạng lưới cấp nước đô thị cho vùng nông thôn; hỗ trợ 40.000 thiết bị xử lý nước cho các hộ nghèo, gia đình chính sách; triển khai thực hiện các dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ..., nhưng hầu hết các dự án vẫn nằm trên "giấy" do chưa bố trí đủ vốn ngân sách. Thành phố cũng đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn với mức hỗ trợ cao nhất theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lại tỏ ra lúng túng nhất là trong định giá tài sản cũ khi tiếp nhận đầu tư trạm cấp nước xây dựng dở dang hoặc ngừng không hoạt động...

Để cởi "nút" thắt trên, nhiều ý kiến cho rằng, đi đôi với việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về mặt bằng, về kỹ thuật, dứt khoát ngân sách địa phương phải hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình nước sạch khu vực nông thôn. Và với những dự án này, việc hỗ trợ kinh phí cần thực hiện theo tiến độ hoặc nghiệm thu từng phần công việc, không nên hỗ trợ sau đầu tư...

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia NS&VSMTNT giai đoạn 2012-2015, Chính phủ đặt mục tiêu 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 45% sử dụng nước sạch đạt Quy chuẩn số 02 của Bộ Y tế với số lượng ít nhất 60 lít/người/ngày; 100% các trường mầm non và phổ thông (điểm trường chính), trạm y tế xã ở nông thôn đủ nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh.

Bài, ảnh: Hữu Hoài