Bài đầu: Quan trọng nhất là độ tin cậy
Tuyển sinh - Ngày đăng : 05:46, 11/08/2014
LTS: Hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 - NQ/TƯ của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI), Bộ GD-ĐT đang dành nhiều tâm sức cho việc đổi mới thi cử. Theo đó, việc tổ chức một kỳ thi quốc gia chung đang được Bộ GD-ĐT xúc tiến một cách tích cực để có thể thực hiện vào năm 2015. Mốc thời gian không còn xa trong khi xã hội còn có nhiều băn khoăn cần được giải tỏa, ngành GD-ĐT cũng có không ít sức ép cần vượt qua để kỳ thi có thể được thực hiện theo dự định, và quan trọng hơn là đạt được mục đích đề ra…
Bài đầu: Quan trọng nhất là độ tin cậy
Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, nếu được thực hiện, kỳ vọng tạo ra những thay đổi quan trọng trong cách học, cách dạy ở các trường phổ thông vốn đang bị coi là thụ động và lỗi thời. Kết quả của kỳ thi này sẽ được lấy làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, góp phần đáng kể vào việc giảm sự tốn kém và phức tạp cho xã hội. Tuy nhiên, để đạt được những mục đích trên, trước tiên, điều mà xã hội trông chờ chính là kỳ thi phải bảo đảm được tính khách quan, độ tin cậy và khả năng đánh giá chính xác trình độ, năng lực của thí sinh.
Nhiều người kỳ vọng việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia chung được thực hiện sẽ giảm sự tốn kém và phức tạp cho xã hội. Ảnh: Viết Thành |
Không thể trì hoãn
Mặc dù mốc thời gian năm 2015 được đưa ra khá đột ngột, song, ý tưởng về việc này trên thực tế đã được bàn thảo từ đề án cải tiến tuyển sinh giai đoạn 2002-2007. Vào thời điểm đó, Bộ GD-ĐT đã lấy ý kiến đóng góp của xã hội để chuẩn bị tổ chức một kỳ thi quốc gia đi cùng với sự kết thúc của "3 chung". Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, kế hoạch này "được hoãn". Một trong những lý do quan trọng dẫn tới sự hoãn là chúng ta chưa thể yên tâm về khâu coi thi, vốn được cho là nguyên nhân làm nảy sinh tiêu cực. Hình ảnh trèo tường vào khu vực thi, ném bài thi, "phao" thi trắng sân trường sau mỗi buổi thi… trong một thời gian dài chính là minh chứng cho thấy sự lo lắng đó là có cơ sở. Thời điểm đó, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, mặc dù cơ sở tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN phải dựa vào kết quả thi và học tập ở 3 năm phổ thông, song, khi chưa đủ điều kiện thì không thể cứ gộp hai kỳ thi làm một, để rồi hầu như chỉ sử dụng kết quả từ một bài thi làm căn cứ đưa ra quyết định quan trọng về tương lai của một cá nhân. Với những băn khoăn ấy, các nhà quản lý đã "lắng lại", đặt ra yêu cầu được cho là "sát sườn" hơn lúc bấy giờ, đó là tập trung vào đổi mới khâu kiểm tra đánh giá ở bậc phổ thông, làm tốt kỳ thi tốt nghiệp và tạm giữ ổn định phương án "3 chung".
Trở lại thời điểm hiện nay, nhiệm vụ đổi mới kỳ thi tốt nghiệp đã được Bộ GD-ĐT đặt làm ưu tiên hàng đầu trong lộ trình đổi mới theo Nghị quyết 29 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI), các phương án đổi mới kỳ thi THPT quốc gia đã được đề ra cụ thể để lấy ý kiến dư luận. Lúc này, những khó khăn, bất cập trong việc tiến hành kỳ thi chung được bàn thảo trên tâm thế không thể trì hoãn hơn được nữa, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: Tất cả những đổi mới về thi cử, nếu gây khó khăn cho ngành giáo dục nhưng có lợi cho xã hội thì vẫn nên làm. Nếu cảm thấy một kỳ thi bớt được tốn kém cho xã hội, cho các gia đình, tiếp cận được với mục tiêu đổi mới, thì phải quyết tâm và phải đổi mới quyết liệt, đi đến cùng.
Dẫu xác định là việc không nên trì hoãn nhưng nỗi ám ảnh từ quá khứ - về độ tin cậy của một kỳ thi diễn ra trên diện rộng - dường như vẫn bủa vây cả người trong và ngoài cuộc. Các trường ĐH, CĐ - đối tượng quan tâm tới chất lượng của kết quả thi nếu họ muốn sử dụng kết quả này, hoặc một phần, để làm căn cứ xét tuyển đầu vào - cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT trong nhiều năm qua đã không đánh giá được một cách khách quan về chất lượng giảng dạy và học tập trong trường phổ thông. Thậm chí, với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao hằng năm từ 96 đến 99%, lại không có sự chênh lệch đáng kể giữa các địa phương, nhiều người cho rằng kỳ thi nặng về hình thức và nên bị loại bỏ. Ngoài ra, năm nào cũng xảy ra những sai phạm tại một số hội đồng thi, khi hiện tượng trao đổi bài, quay cóp diễn ra ngang nhiên. Dù chỉ là cá biệt, song những hạt sạn lớn ấy vẫn làm xói mòn lòng tin của xã hội.
Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT đang được Bộ GD-ĐT xúc tiến tích cực. Ảnh: Nhật Nam |
Đã thực chất hơn?
Giữa nhiều luồng tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn, một mặt Bộ GD-ĐT cho biết đang tích cực ghi nhận và tiến hành tập hợp ý kiến qua nhiều kênh, một mặt vẫn khẳng định không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT mà sẽ tiến hành đổi mới sao cho "nghiêm túc, công bằng và thực chất". Mùa thi vừa qua, theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, những đổi mới đã được đưa ra nhằm giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm tốn kém cho xã hội nhưng vẫn bảo đảm độ tin cậy. Bên cạnh đó, lường trước được những khả năng tiêu cực trong xét xếp loại tốt nghiệp, Bộ đã chỉ đạo các sở GD-ĐT, trường học thực hiện tốt việc chấm điểm và đánh giá học sinh. Ông Mai Văn Trinh cho biết, đến nay, nhiều Sở GD-ĐT đã chủ động thực hiện quản lý điểm và đánh giá học sinh bằng phần mềm. Vì vậy, điểm số của học sinh khó có thể thay đổi một cách dễ dàng.
Cùng với đổi mới đánh giá suốt quá trình học THPT, Bộ GD-ĐT cũng đã nỗ lực để kỳ thi tốt nghiệp THPT giúp ích hơn cho việc đánh giá kết quả dạy và học một cách thực chất. Một chuyên gia giáo dục đã phân tích từ những số liệu có được từ nhiều kỳ thi và đưa ra nhận định: Dù việc thi cử không bao giờ có thể nói là hết tiêu cực, song, hiện nay, kỳ thi tốt nghiệp đã nghiêm túc hơn rất nhiều. Năm 2014, dù tỷ lệ tốt nghiệp đạt trên 99% và không có sự chênh lệch nhiều giữa các tỉnh, thành nhưng tỷ lệ thí sinh đạt điểm 5 trở lên ở các môn không phải là tuyệt đại đa số. Cụ thể, con số này ở môn văn là 77,6%, lý 76,2%, sử 96%, toán 81,8%, hóa 94,3%, địa 96,5%, ngoại ngữ 95,6%, sinh 78,3%. Khối giáo dục dục thường xuyên, tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều: Môn văn 51,2%, lý 46,6%, sử 90,9%, toán 54,6%, hóa 82,4%, địa 93,8%, sinh 68,2%. Khác với nhiều năm trước, phổ điểm các môn thi của một hai năm gần đây, nhất là năm 2014 khá đẹp, thể hiện bằng đồ thị hình chuông. Có nghĩa là, điểm thi của thí sinh phân bố khá đều về hai phía, đỉnh chuông nằm ở khoảng 5,5 đến 6 điểm với các môn được coi là môn chính. Phổ điểm đó cho thấy, đề thi phân hóa tốt, công tác coi thi, chấm thi nghiêm túc.
Thêm nữa, một trong những lý do khiến cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trở nên đáng tin cậy hơn là đã thể hiện rõ tính cạnh tranh. Chính bởi tâm lý "anh đỗ thì tôi sẽ trượt" đã khiến cho các thí sinh giám sát lẫn nhau. Đó là những cơ sở để Bộ GD-ĐT tin tưởng kỳ thi THPT sau sẽ thực chất, kết quả là đáng tin cậy và quyết tâm triển khai vào năm tới, một vị lãnh đạo bộ khẳng định.