Con đường “đắt nhất hành tinh” nhắc ta điều gì?
Xã hội - Ngày đăng : 05:33, 11/08/2014
Trên thế giới, người ta đã thống kê những con đường được gọi là "đắt nhất hành tinh", nhưng đó là những con đường có giá nhà cao nhất - tức là sinh lợi nhiều nhất. Trước hết phải kể đến đường Severn ở Hồng Công, giá nhà 54.523 euro/m2; tiếp đó là đường Kensington Palace Gardens ở Luân Đôn, giá nhà 55.000 euro/m2; đứng thứ ba là đại lộ Princesse Grace ở Monaco, giá nhà 50.000 euro/m2. Còn ở nước ta, con đường được mệnh danh là "đắt nhất hành tinh" chính là con đường có chi phí xây dựng tốn kém nhất.
Đó là đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu ở quận Đống Đa, TP Hà Nội. Nó chỉ dài khoảng 1.500m, nhưng ngốn tới gần 2.000 tỷ đồng. Thoạt nghe, chi phí khổng lồ này làm nhiều người giật mình khi so sánh khoản chi này với khoản thu ngân sách một năm chưa vượt qua 500 tỷ đồng của một tỉnh Tây Bắc. Hiện đại, quy mô lớn đến cỡ nào mà đắt dữ vậy? Xin thưa, chỉ có hơn 10% tổng chi phí đó là để làm đường, gần 90% còn lại được dành để đền bù… giải phóng mặt bằng.
Quả thực, từ khi dự án được triển khai đến nay, con đường này đã làm tốn không ít giấy mực, làm bùng phát nhiều cuộc tranh luận nảy lửa.
Việc mở rộng các tuyến phố ở Hà Nội có nên theo cách chi phí toàn bộ tại chỗ hay nên tính theo một cách khác? Một số chuyên gia cho rằng, khi mở các tuyến phố, không nên tiếp tục thực hiện phương án "đền bù một cục" cho người dân thuộc diện giải phóng mặt bằng, mà nên theo phương án đền bù theo giá trị, gắn quy hoạch con đường với quy hoạch không gian sử dụng hai bên đường. Cụ thể người đang sử dụng đất được nhận đền bù chủ yếu bằng đất hai bên con đường mới mở mà người ta vẫn gọi là "tái định cư tại chỗ". Dự án mở đường mới sẽ nâng giá đất lên nhiều, có thể tổ chức bán đấu giá, lấy thêm tiền xây dựng chính con đường. Phương án đề xuất này đương nhiên đòi hỏi rất công phu và có thể chưa hẳn đã hoàn toàn phù hợp với thực tế phức tạp của Hà Nội, nhưng dù sao nó cũng gợi mở thêm một cách làm để tránh tiếp tục xuất hiện những con đường kiểu "đắt nhất hành tinh". Quan trọng hàng đầu là hướng đi đúng và biện pháp phù hợp.
Nóng không kém vấn đề chi phí là vấn đề bảo tồn - phát triển. Khi thực hiện phần còn lại của dự án đường Vành đai I, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, thì vấn đề đặt ra là buộc phải xây dựng cây cầu vượt lượn qua nơi có dấu tích Đàn Xã Tắc hiện còn ẩn dưới lòng đất mà hố khai quật khảo cổ từ 8 năm trước chưa đủ để đánh giá toàn diện về di tích này. Bảo tồn và phát triển, không thể hi sinh hoàn toàn cái này cho cái kia. Sau nhiều bàn thảo, tranh luận, cuối cùng, chúng ta đã chọn được phương án xây cây cầu vượt lệch về phía nam, tức là ở vị trí và theo cách thức cho phép giảm tối đa sự đụng chạm gây tổn thương di tích. Cây cầu vượt chưa được khởi công, nhưng con đường đã được khánh thành và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.
Tiêu tốn nhiều tiền của như vậy, nhưng con đường đắt giá này chưa đem lại niềm vui trọn vẹn. Ngoài chuyện chi phí và bảo tồn, còn hai điều bức xúc và đáng tiếc trở thành tâm điểm của dư luận trong thời gian qua: Vỉa hè và nhà siêu mỏng siêu méo.
Khó mà kể hết công năng của cái vỉa hè Hà Nội. Đó không chỉ là nơi dành cho người đi bộ mà còn là nơi sinh hoạt, chỗ mưu sinh cực kỳ phong phú, đa dạng. Mặc dù vậy, từ nhiều năm nay, ở Hà Nội có một tình trạng: Vỉa hè vừa làm xong đã lồi lõm, trồi sụt; vỉa hè bó quá cao khiến người dân không thể dắt xe lên xuống nên buộc họ phải "tự khắc phục". Và thế là cả một tuyến phố lớn như Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu vừa mới khánh thành mà nhìn lổn nhổn, chỗ xây bậc, nơi làm giá sắt, chỗ khác đắp vữa xi măng hay kê gạch đủ loại, trông rất mất mỹ quan, rất vô lý. Ngay sau cuộc kiểm tra tại hiện trường với những lời phê bình nghiêm khắc của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, tháng 7-2014 vừa qua, đơn vị thi công đã buộc phải bật gạch lên làm lại.
Vỉa hè đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu không phải là nơi duy nhất làm bừa làm ẩu, và cũng không phải là nơi làm bừa, làm ẩu nhất. Cái vỉa hè Hà Nội từ lâu đã trở thành đề tài nổi cộm trong câu chuyện thường nhật của người dân Hà Nội với không ít lời trách cứ, ca thán: Vừa làm đã hỏng; vừa làm năm trước, năm sau đã bóc lên làm lại, lý do được đưa ra là để thay vật liệu mới tốt hơn. Anh này làm, anh kia đào, vá lại qua quýt, rồi anh khác lại đào - khi thì anh thông tin - viễn thông, lúc thì anh điện, lúc khác lại anh cấp nước, rồi lại đến anh thoát nước…, cứ thế cái vỉa hè bị quần thảo quanh năm, phố xá như công trường, mưa là bùn, nắng là bụi. Vỉa hè bị đào bới, lẽ ra là chuyện bất thường thì nay trở thành "chuyện bình thường ở quận", cứ như một thứ "định mệnh". "Cái vỉa hè Hà Nội mình nó thế" - với giọng cam chịu, nhiều người ngao ngán nói như vậy.
Chỉnh trang đô thị là cần thiết, phố xá ngày một đẹp hơn là một đòi hỏi đương nhiên. Chính vì thế mà việc nâng cấp vỉa hè chỉ riêng ở 4 quận trung tâm mấy năm qua đã lên tới ngót 1.000 tỷ đồng. Thế nhưng chỉ có nâng cấp vỉa hè một số tuyến phố ở quận trung tâm Hoàn Kiếm là thực sự "đáng đồng tiền bát gạo", còn không ít nơi, sự hài lòng còn là điều mơ ước. Còn nhớ, dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, người ta thông qua một dự án lát đá xanh toàn bộ xung quanh Hồ Gươm trong khi gạch cũ lát xung quanh hồ vẫn còn rất tốt, và trên thực tế đã lát đá xanh được vài trăm mét. Tiếp thu ý kiến phản ảnh của người dân và báo chí, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã bách bộ mấy vòng xung quanh hồ để trực tiếp khảo sát. Ngay lập tức thành phố đã dừng việc tốn kém chưa cần thiết đó lại. Quyết định đúng đắn này được dư luận đồng tình và hoan nghênh. Dịp Đại lễ đó, nhiều hoạt động quy mô lớn và quan trọng diễn ra rất thành công xung quanh Hồ Gươm, và nếu có ai đó vẫn lấy làm tiếc là vỉa hè quanh hồ không được nâng cấp thì có lẽ đó chỉ là người liên quan đến việc phê duyệt và thi công dự án.
Trong cuộc thảo luận ở kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hà Nội vừa rồi, khi phân tích việc lát vỉa hè kém chất lượng, có đại biểu làm công tác quy hoạch lâu năm đã đưa ra ba nguyên nhân: Quy hoạch yếu, thi công gian dối, quản lý kém. Rất đúng! Tuy nhiên, tôi cho rằng còn có một nguyên do nữa không kém phần quan trọng, đó là khâu kiểm tra, giám sát và nghiệm thu. Thực tế, ở nước ta, khâu này thường qua quýt, thiếu trách nhiệm, nhiều khi là để hợp thức hóa việc làm ăn gian dối. Công trình kém chất lượng xảy ra khắp nơi, gây thiệt hại rất lớn, nhưng hầu như chưa xử lý đúng mức các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, nghiệm thu và dường như chưa thấy phạt tù một trường hợp nào.
Hai bên "con đường đắt nhất hành tinh" Kim Liên - Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, nhà cửa lô nhô, cái cao, cái thấp, cái nhô ra, cái thụt vào, nhưng trớ trêu nhất là những căn nhà siêu mỏng, siêu méo. Trong một lần làm việc với các cơ quan chức năng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã thẳng thắn nhắc nhở: "Đường làm chưa xong mà nhà siêu mỏng, siêu méo đã chình ình ra đó" và đồng chí Chủ tịch đã yêu cầu ngăn chặn, xử lý dứt điểm.
Mấy năm qua, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt nhưng cũng chỉ xử lý được khoảng 200 trong số gần 600 nhà siêu mỏng, siêu méo. Theo dự tính, Hà Nội sẽ còn phải bỏ ra tới 255 tỷ đồng để xử lý nhà siêu mỏng siêu méo ở 7 quận. Ở một vài khu phố cũ, trước mắt cũng phải đành chấp nhận sự tồn tại một số nhà siêu mỏng, siêu méo như một thực tế khó coi. Nhưng đối với một khu phố mới, lại thuộc vào hàng "đắt nhất hành tinh", chỉ riêng từ Ô Chợ Dừa tới Hoàng Cầu dài 547m mà có tới 65 nhà "dị dạng" siêu mỏng siêu méo, thì xem ra thật khó tìm được lời giải thích cho thỏa đáng. Lẽ ra, một con đường huyết mạch, tiêu tốn tiền của nhiều như vậy thì nó rất đáng được tập trung công sức, trí tuệ và kinh nghiệm, triển khai đồng bộ ở tất cả mọi khâu, trước hết là quy hoạch, tiếp đến là giải phóng mặt bằng, phương án tái định cư… để Thủ đô có một đường phố hiện đại, kiểu mẫu, không phải chỉ là làm đường cho giao thông mà còn là kiến trúc đô thị tương xứng hai bên mặt phố.
Có phải hoàn toàn do "cái khó bó cái khôn"? Cả thành phố chịu hậu quả nặng nề của một thời kỳ dài thiếu quy hoạch và kỷ cương đô thị, nay lại chịu thêm sức tải lớn của cuộc hợp nhất trong một tình trạng mất cân đối nhiều mặt, từ đó lĩnh vực nào, công việc gì, thậm chí không ít dự án, công trình đều chịu những bất cập lớn. Khó khăn khách quan là một thực tế, nhưng nguyên nhân chủ quan không phải là ít, trong đó, ngoài sự non yếu về trình độ, năng lực, còn có cả sự thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm, đây đó có hiện tượng bị lợi ích nhóm chi phối. Từ đó dẫn đến nhiều chuyện vô lý đến mức nghịch lý. Chỉ nêu ra một việc: Đó là ngôi nhà 2 tầng, dưới nhỏ, trên to, được gọi là "nhà 4 mặt phố" nằm ở ngã sáu Ô Chợ Dừa như cái gai chọc vào mắt người qua lại. Người thì gọi là nó "nằm chình ình", người khác nói là "nằm chênh vênh", lại có người nói là "nằm ngang ngược"… Liệu nó còn nằm ở đó bao lâu nữa? Trong khi đó, có nhiều người dân lại than phiền rằng, do thành phố không có phương án sử dụng miếng đất mỏng và méo còn lại chứ họ đâu có muốn xây nhà siêu mỏng siêu méo. Vậy thực sự lỗi do đâu?
Một đô thị lớn, rất quan trọng và đông dân như Hà Nội chắc chắn sẽ còn phải xây dựng những tuyến phố mới và có thể còn lớn hơn cả "con đường đắt nhất hành tinh" nói trên. Vì thế, những điều chưa vui tại con đường đó đang được lãnh đạo thành phố rút kinh nghiệm nghiêm túc để trở thành bài học bổ ích không chỉ cho việc xây dựng đường phố mà cho mọi công việc xây cất trong tương lai.
Vừa rồi, Hà Nội đã quyết định đặt tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho con đường dài 12km, rộng hơn 100m từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài. Cùng với quyết định được mong đợi đó là một tin quan trọng: Các chuyên gia có uy tín của nước ngoài đã được mời để thực hiện quy hoạch cảnh quan, kiến trúc đô thị hai bên con đường lớn này. Với cách làm mới, nghiêm túc và bài bản, hy vọng đây sẽ là con đường đô thị hoành tráng nhất, hiện đại nhất, thể hiện tầm vóc mới của Thăng Long - Hà Nội trên con đường hội nhập và phát triển.
10-8-2014