Đã thương thì thương cho trót
Văn hóa - Ngày đăng : 07:44, 10/08/2014
Nhớ thời hoàng kim
Hà Nội được giải phóng, công cuộc xây dựng lại Thủ đô xứng tầm trái tim của cả nước bắt đầu. Sân khấu cũng vậy, từ những gánh hát, phường hát tư nhân với những cô đào, anh kép… hợp thành tổ chức nghề nghiệp dần mang dáng dấp chuyên nghiệp, lại có thêm những bộ môn hiện đại như ca múa nhạc, sân khấu kịch.
Một cảnh trong vở kịch “Quyết đấu giữa sương mù”. |
Quãng 1954-1960, Hà Nội có hai đoàn cải lương Chuông Vàng và Kim Phụng, Đoàn kịch nói Hà Nội, đoàn chèo, đoàn ca múa, Đoàn xiếc Hà Nội… Nói như nhà viết kịch Phạm Văn Quý, đây chính là thời kỳ "diều gặp gió" của cả cải lương, chèo và đặc biệt là kịch nói. "Suốt những năm 60 đến năm 1975, sân khấu Hà Nội cực kỳ náo nhiệt. Các nhà hát không những đỏ đèn hằng đêm mà còn phải luân phiên đi phục vụ tại các tỉnh bạn".
Không chỉ phản ánh không khí sục sôi chiến đấu ở một giai đoạn nóng bỏng, sân khấu Hà Nội còn khám phá những vấn đề thời cuộc, những "chuyện thường ngày ở huyện". Đó là những vở như "Bức tranh mùa gặt", "Tiền tuyến gọi", "Ngôi sao ban ngày" của kịch nói Hà Nội, là "Sợi tơ vàng", "Người cùng phố", "Đôi bạn quê hương", "Những cô thợ dệt" của chèo Hà Nội, là "Bà mẹ bên sông Hồng", "Tấm áo giáp thần kỳ", "Lửa Diên Hồng", "Trưng Vương", "Nguyễn Huệ" của cải lương Hà Nội. Suốt chặng đường chống Mỹ, tên tuổi của các đoàn Kim Phụng, Chuông Vàng, Hoa Mai đã góp phần khích lệ, động viên tinh thần chiến đấu của quân - dân Hà Nội và cả nước.
Đi tìm giấc mơ sân khấu
Nhắc lại thuở hoàng kim, tự hào vì sân khấu Hà Nội đã có một thế hệ nghệ sĩ trưởng thành trong nghề, có những vở diễn ghi được dấu ấn... người làm nghề không thôi trăn trở khi bàn về thực trạng của sân khấu Hà Nội hiện nay. Sự khủng hoảng của sân khấu khi công chúng không còn nô nức đến với các nhà hát đã khiến người làm nghề rơi vào trạng thái bối rối. Nghệ sĩ Thúy Mùi - Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho biết: "Để duy trì hoạt động của một nhà hát trong tình hình hiện nay là quá khó. Khó vì thiếu kịch bản hay, khó vì giá vé cao, khó vì việc bảo đảm tiêu chuẩn của một rạp hát hiện đại, xứng đáng được khán giả công nhận không phải điều đơn giản". Theo nhà viết kịch Ngọc Linh, Trưởng ban sáng tác Hội Sân khấu Hà Nội, "hiện nay, các nhà hát, các đoàn từ trung ương đến địa phương đều na ná giống nhau, chưa có vở diễn nào đem đến cho giới sân khấu và người xem sự bất ngờ".
Các ý kiến nêu khó khăn, phần lớn mang tính thời cuộc, nhưng cũng cho thấy một điều khác, rằng chính giới nghệ sĩ cũng chưa tiếp cận kịp thời với sự đổi thay nhanh chóng của xã hội. Nói rằng công chúng hiện nay có quá nhiều hình thức văn nghệ, giải trí để lựa chọn, sân khấu không còn là ưu tiên hàng đầu, là lựa chọn sáng giá thì cũng đúng. Nhưng nhớ lại thuở hoàng kim, với nhiều người thì "như mới hôm qua", dễ thấy rằng lớp trước cũng không dễ dàng trên con đường kiếm tìm khán giả. Người viết bài này nhớ đến tác gia Lộng Chương, người từng cùng các nghệ sĩ chèo nổi tiếng như Năm Ngũ, Cả Tam, Trùm Thịnh… khôi phục, dựng lại những miếng trò "độc nhất vô nhị" trong nghệ thuật chèo truyền thống, bỏ tiền túi để lập ra đoàn chèo Cổ Phong. Lộng Chương là một tấm gương sáng về sự lăn lộn, bám sát thực tế đời sống để sáng tác những tác phẩm được giới phê bình gọi là "sát sườn" với công chúng, nhờ đó mà thuyết phục họ đến với sân khấu.
Ngày nay, để tồn tại và đứng vững trong giai đoạn khó khăn, nhiều nhà hát đã chủ động, tích cực đổi mới việc xây dựng kịch bản, dàn dựng các tiết mục nhờ sự kết nối nguồn lực xã hội hóa... Tuy nhiên, để có được một "gia tài" bàn giao lại cho thế hệ sau, như sân khấu Hà Nội thuở hoàng kim từng có, đó lại là cả một vấn đề. Câu chuyện vẫn nằm ở sự quan tâm và mức độ quan tâm đến sự phát triển của sân khấu, ở cả cấp quản lý và ở ngay mỗi người nghệ sĩ? Giống như "nàng Đan Thiềm" của sân khấu Việt Nam - NSND Lê Khanh đã từng thốt lên rằng: "Đã quan tâm tới sân khấu rồi thì xin hãy quan tâm nhiều hơn nữa"!