Vài nét về lịch sử vũ trụ học (Kỳ 2)

Xã hội - Ngày đăng : 07:34, 10/08/2014

Việc phát hiện ra quỹ đạo chuyển động hình elip khi Trái đất quay quanh Mặt trời của Tycho Brahe sau này được nhà bác học người Anh Isaac Newton (1643 - 1727) giải thích dựa trên lực hấp dẫn.


Newton cũng nhận định rằng vũ trụ là biển vô hạn các ngôi sao, đúng như nhận định trước đó mà Galileo qua quan sát bằng kính thiên văn đã kết luận. Qua quan sát, Galileo cũng nhận thấy việc biến mất của một số ngôi sao ở những giai đoạn không quan sát được thể hiện rằng khoảng cách từ Mặt trời đến Trái đất, cũng như từ Trái đất đến các hành tinh là rất lớn. Đến thế kỷ XIX, nhà thiên văn học và toán học người Đức là Wilhelm Bessel (1784 - 1846) đã tìm ra phương pháp để đo khoảng cách từ các ngôi sao đến Trái đất. Mặt trời gần Trái đất nhất và cách 93 triệu dặm. Các hành tinh khác đều ở rất xa Trái đất, gần nhất là 25 triệu triệu dặm. Tuy các hành tinh khác Mặt trời ở xa Trái đất nhưng hầu hết ngôi sao trong dải thiên hà Milky Way của chúng ta đều có thể quan sát được trên bầu trời vào ban đêm.

Ngoài sự ghi nhận các hành tinh và các ngôi sao trong dải thiên hà Milky Way, các nhà thiên văn cũng đã phát hiện các ngôi sao có ánh sáng mờ trên bầu trời đêm, mà họ gọi là tinh vân. Một số nhà thiên văn học nghĩ rằng những tinh vân này có thể thuộc những thiên hà xa xôi. Đến năm 1920, nhà thiên văn học người Mỹ Powell Hubble (1889 - 1953) đã chứng minh rằng một số trong những tinh vân đã chuyển động ra xa dần thiên hà Milky Way. Ông cũng đã phát hiện rằng các thiên hà khác cũng đang dần di chuyển ra xa chúng ta. Càng cách xa thì các thiên hà lại càng chuyển động xa chúng ta nhanh hơn. Đó chính sự mở rộng của vũ trụ. Điều này phù hợp với thuyết tương đối rộng của nhà bác học người Đức Albert Einstein (1879 - 1955). Đến nay, thuyết tương đối rộng của ông được coi là mô hình thỏa đáng nhất để giải thích vũ trụ. Einstein được coi là nhà bác học vĩ đại, người đã đóng góp để vật lý phát triển ở tầm cao mới, một tầm nhìn rộng lớn về khoa học. Trước đó, chính ông lại giới thiệu một số hằng số trong phương trình toán học của mình, có thể cân bằng lực hấp dẫn và giữ cho các thiên hà xa nhau, gọi là hằng số vũ trụ. Đến khi phát hiện ra thuyết tương đối rộng và nhận thấy vũ trụ đang dần mở rộng, ông đã tuyên bố rằng việc giới thiệu các hằng số vũ trụ là sai lầm lớn nhất của cuộc đời mình. Ông đã thể hiện một nhân cách lớn, một tinh thần vì khoa học vĩ đại.

Từ phương trình thể hiện sự mở rộng vũ trụ của Einstein qua thuyết tương đối rộng, nhà toán học và khí tượng học người Nga Alexander Friedmann (1888 - 1925) đã đưa ra giả thuyết về thời điểm hình thành của vũ trụ. Ông đã tính được là cách đây mười nghìn triệu năm trước, lúc đó xảy ra một vụ nổ, được nhà thiên văn học người Anh Fred Hoyle (1915 - 2001) gọi tên là "Big Bang". Từ vụ nổ, các dải thiên hà được sinh ra và chuyển động xa dần nhau.

Kết quả kỳ trước. Nghịch lý Galileo nêu rằng hai tập hợp số vô hạn sau có sự tương ứng 1-1 là tập hợp các số tự nhiên {1, 2, 3, 4… } và tập hợp các số là tích của những số tự nhiên nhân với chính nó {1, 4, 9, 16…} có cùng số phần tử, trong khi tập hợp sau lại thực sự ít phần tử hơn. Trao giải 50.000 đồng/người cho bạn Đặng Minh Tuấn, lớp 9B, THCS Thạch Thất.

Kỳ này. Em hãy tính khoảng cách từ Mặt trời đến Trái đất theo đơn vị kilômét, biết 1 dặm = 1609,34m. Câu trả lời gửi về chuyên mục "Toán học, học mà chơi", Tòa soạn Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Vũ Kim Thủy - Hoàng Trọng Hảo