Xứ Đài không phải thiên đường

Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 07:13, 10/08/2014

(HNM) - Tại Đài Loan, hiện có gần 90.000 cô dâu Việt đang sinh sống, song không phải tất cả trong số họ đều có hạnh phúc khi làm dâu xứ người. Bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán… là rào cản khiến nhiều cô dâu Việt gặp khó khăn khi hòa nhập cuộc sống nhà chồng.

Chuyện buồn nơi đất khách

Lấy chồng Đài Loan đã 12 năm, chị Nguyễn Thị Ánh Loan - quê ở TP Hồ Chí Minh - vẫn nhớ mãi cảm giác lần đầu đặt chân đến đất khách quê người chị kể: "Khi mới sang, chưa biết tiếng nên nhà chồng nói chuyện hầu như mình không hiểu. Mình nói gì, yêu cầu gì chồng cũng gật đầu đồng ý. Có bận, chờ mãi không thấy anh ấy thực hiện lời hứa, mình hỏi lại hóa ra anh ấy không hiểu mình nói gì. Lúc cáu lên thì anh ấy có những lời lẽ thô tục. Từ những mâu thuẫn nhỏ trong gia đình do bất đồng ngôn ngữ, mình quyết tâm ghi ra giấy những từ mới và cố gắng học thuộc từng ngày".

Chị Nguyễn Thị Ánh Loan tại trụ sở Hiệp hội thanh nữ Cơ đốc giáo (YWCA) ở Đài Bắc.



Dù đã cố gắng để hòa nhập với cuộc sống nhà chồng cũng như văn hóa xứ người, song cuộc sống gia đình chị Ánh Loan ngày càng khó khăn hơn vì chồng không đi làm. Không có tiền trang trải cuộc sống, chị phải gửi đứa con trai đầu lòng về Việt Nam nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Để có thêm thu nhập, chị Ánh Loan đi làm bán thời gian cho một số siêu thị và làm nhiều công việc tạp vụ khác. Và điều không mong muốn đã xảy ra hai vợ chồng ly hôn vì nhiều lý do. Chị Ánh Loan cho biết: "Mình đã chứng kiến nhiều cảnh cô dâu Việt lấy chồng Đài qua môi giới. Môi giới nói một đằng nhưng thực tế lại khác. Nhiều công ty môi giới làm ăn theo kiểu "treo đầu dê, bán thịt chó" khiến nhiều cô dâu Việt bị sốc khi sang đây. Nhiều trường hợp cưới một người nhưng lại phải sống với người chồng khác, thậm chí người chồng còn bị tàn tật hoặc thần kinh có vấn đề… Cùng với bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, những mâu thuẫn trong gia đình nảy sinh là nguyên nhân dẫn đến bạo lực và ly hôn, khiến nhiều cô dâu Việt phải trở về nước".

Làm gì để hòa nhập?

Hiểu được những khó khăn của các "cô dâu ngoại" trong hòa nhập với cuộc sống tại Đài Loan, nhiều năm qua Hiệp hội phụ nữ Đài Loan đã đứng ra làm trung gian giới thiệu các lớp học về văn hóa, ngôn ngữ, nội trợ, cách chăm sóc con cái… cho các "cô dâu ngoại", trong đó có các cô dâu Việt. Bà Ping Lee, đại diện Hiệp hội thanh nữ Cơ đốc giáo (YWCA) - một NGO tại thành phố Đài Bắc chuyên hỗ trợ "cô dâu ngoại" cho biết: "Thời gian qua chúng tôi đã giúp nhiều chị em nước ngoài mới lấy chồng Đài Loan. Khi mới đến, chị em thường không hiểu tiếng, nên chúng tôi mở các lớp học ngôn ngữ, tìm hiểu về phong tục tập quán, văn hóa… Chúng tôi còn đứng ra liên hệ với các nơi khác hay mở các trung tâm rồi mời giáo viên đến hỗ trợ các cô dâu. Đây là những việc làm cần thiết nhằm giúp các cô dâu nước ngoài thuận lợi hơn trong hòa nhập với cuộc sống nhà chồng".

Những đơn vị như Sở Lao động, Tổng cục Di dân, Sở Di dân, đặc biệt các NGO của Đài Loan… đều có những chương trình giúp hỗ trợ, xử lý các vấn đề mâu thuẫn gia đình; đồng thời cung cấp những số điện thoại đường dây nóng để có sự can thiệp kịp thời. Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cũng đề xuất những chương trình như tái tạo việc làm, dạy nghề cho các cô dâu Việt, khuyến khích họ mở những quán ăn Việt Nam… Khi có công ăn việc làm, các cô dâu sẽ thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, cũng như có tích lũy riêng cho mình.

Khi mới lấy chồng Đài Loan, chị Ánh Loan thường đến các trung tâm thuộc hỗ trợ ở Đài Bắc để học ngôn ngữ, văn hóa. Sau này khi có kiến thức, hiểu ngôn ngữ chị quay lại các trung tâm này để hỗ trợ các cô dâu Việt khác mới sang. Từ kinh nghiệm của bản thân chị chia sẻ: "Đài Loan không phải là thiên đường để kiếm tiền như nhiều cô dâu vẫn lầm tưởng. Vì có nhiều khác biệt, nên các cô dâu trước khi lấy chồng cần chuẩn bị kỹ tinh thần cũng như những yếu tố cần thiết để hòa nhập cuộc sống gia đình nhà chồng một cách tốt nhất".

Đình Hiệp