Bẫy suy thoái sẽ nhấn chìm Italia?
Thế giới - Ngày đăng : 07:00, 10/08/2014
Tỷ lệ thất nghiệp tại Italia liên tục lập kỷ lục mới. |
Theo Báo cáo từ Cơ quan Thống kê Istat, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý II vừa qua đã giảm 0,2% so với quý I năm 2014. Như vậy, liên tục trong hai quý đầu năm, GDP của Italia tăng trưởng ở mức -0,3%. Những số liệu nêu trên cũng khẳng định kinh tế Italia ốm yếu hơn những dự báo tồi tệ nhất từng được đưa ra trước đó. Nhiều khả năng đến cuối năm 2014, Italia vẫn trong tình trạng suy thoái và ảnh hưởng xấu đến triển vọng kinh tế năm 2015. Tăng trưởng âm cũng có nghĩa đất nước hình chiếc ủng sẽ phải đối mặt với những khó khăn để giữ tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP dưới 3% theo thỏa thuận "kỷ luật ngân sách" mà Rome đã ký kết. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này lên đến 13,6%, đặc biệt tỷ lệ giới trẻ từ 15 đến 24 tuổi không có việc làm tăng lên 46%. Tức là số người Italia thất nghiệp đã lên đến con số 3,487 triệu người. Đây là con số kỷ lục kể từ khi Istat tiến hành thống kê lần đầu vào năm 1977. Hiện trong Liên minh Châu Âu (EU), tỷ lệ thất nghiệp ở Italia chỉ đứng sau Tây Ban Nha và Hy Lạp.
Như vậy, đất nước hình chiếc ủng đang đứng trước nguy cơ "lỗi hẹn" với mục tiêu tăng trưởng như Thủ tướng M. Renzi đã đề ra khi trở thành người đứng đầu nội các vào cuối tháng 1 vừa qua. Theo vị thủ tướng trẻ tuổi nhất lịch sử Italia, tăng trưởng GDP năm 2014 sẽ ở mức trung bình 0,8%. Mức tăng này được hỗ trợ bởi một chương trình cắt giảm chi tiêu công và giảm thuế bao gồm 10 tỷ euro trong các khoản thuế thu nhập hướng tới người có thu nhập thấp. Đây là một phần trong gói cải cách được giới chuyên gia kinh tế đánh giá cao với chương trình tăng năng suất và hiệu quả; đồng thời giảm chi phí sản xuất, giảm thuế cho các doanh nghiệp và tạo thêm việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, để một chương trình mang nhiều tham vọng trở thành hiện thực trong bối cảnh kinh tế Italia hiện nay là không hề dễ dàng.
Để đối phó với chiều hướng tiêu cực của nền kinh tế, Chính phủ Italia tiếp tục triển khai gói các biện pháp hỗ trợ như cắt giảm chi phí năng lượng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; cho phép doanh nghiệp nợ thuế; ban hành những quy định mới cho phép công ty bảo hiểm và các quỹ tín dụng trực tiếp cho các doanh nghiệp vay vốn… Song đề xuất nêu trên không được giới lãnh đạo doanh nghiệp đón nhận nhiệt tình bởi họ cho rằng gói biện pháp này thiếu một chiến lược rõ ràng và không góp phần giải quyết những nhu cầu thực sự của ngành công nghiệp. Trên thực tế, những cải cách mà Thủ tướng M.Renzi thực hiện cũng là mục tiêu mà các chính phủ tiền nhiệm từng hướng tới nhưng đều bất thành. Một trong những áp lực lớn nhất của Thủ tướng M.Renzi vào thời điểm này là làm thế nào để có được thành công trên con đường mà hai nhà lãnh đạo tiền nhiệm Mario Monti và Enrico Letta đã thất bại đặc biệt trong bối cảnh chương trình kinh tế đầy kỳ vọng mà nhiều người gọi là "liệu pháp sốc của Renzi" không phát huy hiệu quả như mong đợi…
Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra vào năm 2008, Italia đã có tới 4 lần thay thủ tướng. Nếu ông M.Renzi không nhanh chóng đưa ra những biện pháp mới để mang lại triển vọng tích cực cho nền kinh tế, rất có thể chính trường Italia sẽ lại đứng trước những sóng gió mới. Điều này nếu xảy ra sẽ tiếp tục cản trở nỗ lực của Rome nhằm vượt qua "bẫy" suy thoái đang đe dọa nhấn chìm nền kinh tế quan trọng trong Eurozone nhưng phải trải qua những khó khăn triền miên.