Bảo hiểm xã hội phải được quản lý thống nhất, minh bạch và thuận tiện

Xã hội - Ngày đăng : 06:27, 10/08/2014

(HNM) - Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đang được dư luận rất quan tâm bởi BHXH không chỉ liên quan đến quyền lợi trực tiếp của người lao động mà còn là chính sách an sinh của nước ta.


Mục tiêu hướng tới của luật là thể chế hóa quan điểm, chủ trương trong các văn kiện, nghị quyết của Trung ương; bảo đảm sự bình đẳng trong tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH; bảo vệ quyền lợi của người lao động trong tương lai… nhằm bảo đảm an sinh xã hội ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn trong bản dự thảo Luật. Để làm rõ vấn đề này, Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Phạm Minh Huân.


Ngăn chặn nguy cơ mất cân đối

- Thưa ông, theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), với các chính sách hiện hành, đến năm 2021 quỹ BHXH của Việt Nam sẽ mất cân đối thu chi, buộc phải lấy từ nguồn kết dư để chi trả. Ông có thể cho biết một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc mất cân đối này?

- Nguy cơ về mất cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong tương lai được lý giải bởi nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân cơ bản là do xu hướng già hóa dân số diễn ra rất nhanh trong tương lai gần khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên nhiều và số năm sống khỏe mạnh từ sau 60 tuổi cũng tăng lên 13,8 năm đối với nam và 16,1 năm đối với nữ. Bên cạnh đó là nguyên nhân từ chính sách như: Mức đóng chưa tương ứng với mức hưởng; công thức tính lương hưu chưa hợp lý, tỷ lệ tích lũy quá cao (cao nhất trên thế giới), tỷ lệ giảm trừ mức hưởng lương hưu đối với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi quy định quá thấp so với nguyên tắc đóng - hưởng; lương hưu của người lao động trong khu vực nhà nước chỉ tính căn cứ vào bình quân trên một số năm cuối với mức lương cao nhất; tuổi nghỉ hưu thấp so với đặc điểm nhân khẩu học của Việt Nam. Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện như tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH còn xảy ra nhiều; công tác quản lý đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH còn hạn chế; việc ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa trong tổ chức thực hiện BHXH còn chậm, dẫn đến chưa giảm thiểu được chi phí quản lý...

- Để ngăn chặn nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH có đề xuất những giải pháp được đưa vào dự thảo Luật BHXH sửa đổi như thế nào?

- Để ngăn chặn nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH trong tương lai gần, một số nội dung cụ thể được đưa vào trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi là: Quy định về mở rộng đối tượng thuộc diện áp dụng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện nhằm tăng phạm vi bao phủ của chính sách và các quy định để nâng cao tính tuân thủ; sửa đổi công thức tính hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH để bảo đảm nguyên tắc cân đối giữa đóng và hưởng, công bằng giữa các đối tượng tham gia BHXH ở các khu vực, thành phần kinh tế khác nhau, bảo đảm bình đẳng giữa nam và nữ; quy định giới hạn đối tượng được giải quyết BHXH một lần; tiếp tục nghiên cứu để xây dựng lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho phù hợp với quá trình già hóa dân số và trách nhiệm tham gia BHXH. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định cụ thể hơn trách nhiệm của người sử dụng lao động, của các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, của tổ chức công đoàn trong việc bảo đảm quyền lợi của người lao động về BHXH.

- Ông có thể cho biết vì sao dự thảo Luật BHXH sửa đổi điều chỉnh thời gian đóng BHXH phải đủ 20 năm mới được hưởng 45% tiền lương bình quân đóng BHXH, thay vì 15 năm như hiện nay?

- Theo quy định hiện hành, tỷ lệ mức hưởng tính trên mỗi năm đóng BHXH ở Việt Nam là 2,5% đối với nam và 3% đối với nữ sẽ dẫn tới mất cân đối quỹ trong tương lai gần. Chính sách BHXH hiện hành đang được đánh giá là quy định mức hưởng cao hơn nhiều so với mức đóng góp (mức đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất là 22% trong khi mức hưởng tối đa là 75%). Vì vậy, theo dự thảo Luật BHXH sửa đổi thì tỷ lệ này được điều chỉnh dần từ năm 2020 sẽ là 2,1% và 2,5%. Theo quy định mới, để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% thì người lao động cần có thời gian đóng BHXH là 35 năm (thay vì 30 năm) đối với nam và 30 năm (thay vì 25 năm) đối với nữ; như vậy sẽ khuyến khích người lao động kéo dài thời gian đóng BHXH để đạt mức hưởng tối đa.

Mức hưởng lương hưu phải được cải thiện

- Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách BHXH tự nguyện hiện hành còn thiếu sức hấp dẫn đối với người lao động như mức đóng khá cao, phương thức đóng thiếu linh hoạt, không phù hợp với người lao động có thu nhập thấp thuộc khu vực không chính thức... Vậy, dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này đã điều chỉnh những bất cập này như thế nào?

- Để khắc phục những bất cập khi thực hiện chế độ BHXH tự nguyện theo quy định của Luật BHXH năm 2006 (có hiệu lực ngày 1-1-2008), dự thảo Luật lần này được sửa đổi, bổ sung: Mở rộng đối tượng theo hướng không khống chế tuổi trần tham gia nhằm tạo điều kiện cho mọi người lao động đều được tham gia để có lương hưu khi về già; hạ mức thu nhập tối thiểu làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện để phù hợp với khả năng tài chính của đại bộ phận lao động nông thôn và khu vực phi chính thức; bổ sung phương thức đóng BHXH tự nguyện một năm một lần và một lần cho nhiều năm để tạo sự linh hoạt, thuận tiện hơn đối với người tham gia; và có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện đối với một số trường hợp đặc biệt nhằm khuyến khích người dân tham gia. Cùng với việc mở rộng đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc đối với HĐLĐ dưới 3 tháng, việc thực hiện quy định đóng BHXH sẽ tiệm cận dần với mức tiền lương và thu nhập thực tế của người lao động. Khi đó, thời gian đóng BHXH của người lao động sẽ được kéo dài, mức bình quân tiền lương làm căn cứ tính hưởng BHXH cũng sẽ tăng lên và tiền lương của người nghỉ hưu sẽ ngày càng được cải thiện.

- Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung vào dự thảo luật nguyên tắc sàn lương hưu không thấp hơn mức sống tối thiểu. Ông có nhận xét thế nào về vấn đề này?

- Tôi nhất trí chủ trương cần có quy định này để bảo đảm an sinh xã hội nhưng có lộ trình thực hiện cho phù hợp. Bên cạnh nguyên tắc về đóng - hưởng thì mức lương hưu của người nghỉ hưu cần bảo đảm không thấp hơn mức sống tối thiểu để người nghỉ hưu có thể trang trải các chi phí sinh hoạt khi hết tuổi lao động. Tuy nhiên, quy định này trước mắt chỉ nên áp dụng đối với loại hình BHXH bắt buộc. Đối với loại hình BHXH tự nguyện, để thu hút và tạo điều kiện cho đông đảo người lao động có thể tham gia BHXH thì cần quy định linh hoạt về mức đóng góp và việc cho phép người lao động đóng - hưởng thấp hơn mức đóng - hưởng trong chính sách BHXH bắt buộc. Khi có điều kiện thì mới thực hiện chung cho cả hình thức bắt buộc và tự nguyện được.

- Mức đóng và cách tính BHXH có gì thay đổi trong thời gian tới, thưa ông?


- Về mức đóng BHXH bắt buộc quy định tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi vẫn giữ như hiện hành về tỷ lệ đóng góp, cụ thể là: Người lao động đóng 8% vào quỹ hưu trí và tử tuất; người sử dụng lao động đóng 18%. Tuy nhiên, dự thảo Luật có bổ sung quy định về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc (từ khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực thi hành đến hết năm 2017) là mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật lao động; từ năm 2018 trở đi là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động. Mức đóng BHXH tự nguyện được quy định bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Bảo đảm công khai,sử dụng đúng mục đích

- Để tránh thất thoát, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý quỹ BHXH, ông có những kiến nghị gì?


- Một trong những nguyên tắc khi thực hiện chính sách BHXH được quy định trong Luật BHXH là "Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch, được sử dụng đúng mục đích, được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần". Theo tôi, để hạn chế được thất thoát cho quỹ và nâng cao tính hiệu quả trong quản lý quỹ BHXH thì cần phải thực hiện được đầy đủ nguyên tắc này. Trong quản lý nhà nước về tài chính BHXH cần quy định và hướng dẫn cụ thể về các hạng mục thu, chi; quy chế quản lý đầu tư quỹ BHXH cũng cần phải rõ ràng, minh bạch...; đồng thời phải có cơ chế kiểm tra, giám sát, chế độ báo cáo, kiểm toán… Bên cạnh đó, BHXH là cơ quan quản lý quỹ cần có chiến lược về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng để hình thành được một đội ngũ cán bộ có đầy đủ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng về quản lý tài chính nhằm đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao.

Trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này có quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong việc xây dựng, trình hoặc ban hành cơ chế quản lý tài chính về BHXH; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo việc thực hiện quản lý tài chính về BHXH (Điều 10); bổ sung quy định thanh tra tài chính thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về quản lý tài chính BHXH (Điều 12). Với những thay đổi trên thì công tác quản lý quỹ BHXH sẽ đem lại hiệu quả hơn và hạn chế được những rủi ro, thất thoát cho quỹ BHXH.

- Theo ông, để tăng tính răn đe, chấn chỉnh tình trạng chây ỳ đóng BHXH còn diễn ra khá phổ biến ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và nguồn thu quỹ BHXH, chúng ta cần phải làm gì?

- Nhằm khắc phục, hạn chế tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH, trong thời gian tới chúng ta cần tiếp tục đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về quyền và trách nhiệm trong thực hiện chính sách BHXH; cùng với đó, cơ quan BHXH đăng tên các đơn vị nợ BHXH trên báo chí, thành lập tổ chỉ đạo thu nợ BHXH liên ngành cấp tỉnh… Một trong những nội dung sửa đổi trong dự thảo Luật BHXH lần này là nâng mức lãi chậm đóng BHXH; đồng thời bổ sung quyền của tổ chức công đoàn, tổ chức BHXH được khởi kiện ra tòa đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH... Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất đưa vào Bộ luật Hình sự tội danh trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH để có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động.

Tôi cho rằng, trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về lĩnh vực BHXH cần phải làm một cách nghiêm túc và mạnh mẽ, tránh nể nang, kiểm tra phát hiện xong rồi chỉ nhắc nhở... Để làm được điều đó cần có sự quyết tâm vào cuộc, sự quan tâm của các cấp ủy đảng chính quyền từ trung ương đến địa phương, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020.

- Với việc tăng cường sự quản lý của Nhà nước, quyền lợi của người đóng BHXH sẽ được công khai, minh bạch như thế nào, thưa ông?

- Trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này, Ban soạn thảo đề xuất quy định cụ thể quyền của người lao động là định kỳ 6 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về quá trình đóng BHXH; định kỳ hằng năm được tổ chức BHXH cung cấp thông tin về quá trình đóng BHXH và được yêu cầu người sử dụng lao động, tổ chức BHXH cung cấp thông tin khi có nhu cầu. Quy định trên nhằm giúp cho người lao động được chủ động trong thụ hưởng quyền lợi của mình. Mặt khác, nếu thực hiện tốt quy định này sẽ tạo điều kiện cho người lao động được tham gia vào quá trình giám sát người sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho họ, giúp giảm thiểu và hạn chế tình trạng trốn đóng và nợ đóng BHXH hiện nay.

- Trân trọng cảm ơn ông về những nội dung đã trao đổi!

Vương Tuấn Anh