Thảo thơm mùa Vu Lan báo hiếu
Văn hóa - Ngày đăng : 07:39, 09/08/2014
Lan tỏa nếp sống văn minh
Đến một số chùa lớn trên địa bàn Hà Nội trong mấy ngày qua, có thể nhận thấy sự "đâu vào đấy" trong việc tổ chức các khóa lễ cầu an cũng như ý thức của phật tử, tín đồ du khách.
Thành viên CLB Thiện Tâm chuẩn bị suất ăn chay miễn phí tại chùa Quán Sứ. |
Như nhiều năm trước, chùa Bằng (quận Hoàng Mai) tổ chức đại lễ Vu Lan báo hiếu vào tối 2-8 (7 tháng Bảy âm lịch) với sự tham gia của hàng nghìn người. Trong buổi lễ này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam đã giảng giải ý nghĩa ngày Vu Lan và hình ảnh bông hồng cài áo, giúp phật tử hiểu và có cách thực hành đúng đắn. Trong lễ Vu Lan diễn ra ngày 3-8 tại chùa Liên Phái (quận Hai Bà Trưng), Hòa thượng Thích Gia Quang, pháp thoại về công đức sinh thành của cha mẹ thông qua câu chuyện Mục Kiều Liên cứu mẹ. Ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan cũng được giới thiệu trang trọng trước nhà Tổ - chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa). Chùa Phúc Khánh tổ chức đại lễ Vu Lan phả độ gia tiên vào ngày 9-8 (14 tháng Bảy âm lịch) với khóa lễ tiếp linh, triệu linh, cúng Phật, tụng kinh Vu Lan. Tại chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm), chương trình hành đạo diễn ra liên tục từ ngày 6 đến 8-8 (11 đến 13 tháng Bảy âm lịch)… Để tránh sự lộn xộn, hầu hết các chùa tổ chức cho phật tử có nhu cầu làm các khóa lễ đăng ký từ tháng Sáu âm lịch. Nhờ đó, các khóa lễ diễn ra liên tục, lượng người tham gia đông nhưng tình trạng quá tải đã giảm so với mọi năm.
Ngoài việc tuyên truyền về ý nghĩa ngày lễ Vu Lan - Rằm tháng Bảy, nhà chùa luôn nhắc nhở người dân thực hành nếp sống văn minh nơi thờ tự. Tại chùa Hà (quận Cầu Giấy), hệ thống loa liên tục truyền thông điệp nhắc nhở phật tử và du khách ăn mặc lịch sự, chỉ thắp một nén hương, không gây ồn ào. Lò hóa mã tại chùa Quán Sứ, vốn thường xuyên hoạt động hết "công suất" ở những năm trước, nay thỉnh thoảng mới "đỏ lửa". Dịch vụ đồ lễ xung quanh các chùa được sắp xếp tương đối trật tự. Các điểm giữ xe được quản lý chặt chẽ, khách thập phương thoát cảnh bị "chặt chém". Giá trông xe tại chùa Quán Sứ, Trấn Quốc phổ biến là 5.000 đồng/lượt xe máy; ở chùa Phúc Khánh là 10.000 đồng/lượt xe máy, giảm đáng kể so với các dịp lễ khác.
Năm nay, nhiều gia đình vẫn sắp cơm tươm tất trên ban thờ tổ tiên, thể hiện lòng biết ơn ông bà, cha mẹ; mua hoa quả, nấu cháo trắng cúng cô hồn, cầu cho họ được siêu thoát nhưng không lãng phí như trước. Trên các tuyến phố chuyên kinh doanh vàng mã như Hàng Mã, Lương Văn Can…, nhiều mặt hàng mới xuất hiện nhưng mức tiêu thụ chậm hơn, giá cả hầu như không tăng.
Tuy chưa thể khắc phục triệt để tình trạng đặt hòm công đức quá nhiều, người đi lễ cài giắt tiền vào tay tượng, đặt "tiền giọt dầu" không đúng nơi quy định, nhưng rõ ràng sự chuyển biến trong việc thực hành nếp sống văn minh nơi thờ tự là điều đáng được ghi nhận.
Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội Lê Thị Tân Trang: Đó là kết quả bước đầu từ việc tăng cường phối hợp giữa các ngành chức năng với Hội Phật giáo các cấp, với chính quyền địa phương nhằm tuyên truyền cho người dân hiểu nét đẹp truyền thống cần được gìn giữ và phát huy, những gì không phù hợp cần phải loại bỏ. Mặt khác, việc xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh cho người Hà Nội được triển khai sâu rộng trong những năm gần đây đã tác động đến nhận thức và hành động của mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô. Đó là những tín hiệu đáng mừng. |
Những tấm lòng thảo thơm
Đức hiếu hạnh, lòng thiện nguyện và sự hướng thiện có dịp lan tỏa trong dịp lễ Vu Lan năm nay. Sau khi tham dự khóa lễ Vu Lan báo hiếu tại chùa Bằng, một phật tử trẻ tuổi ở phường Yên Sở (Hoàng Mai) cho biết: "Nghe các thầy trong chùa giảng giải về ơn nghĩa, công lao sinh thành, em đã thức tỉnh phần nào. Nghĩ về những ngày thường xuyên trái lời cha mẹ, những lần bỏ học, tụ tập lêu lổng, em thấy mình thật không phải".
Từ khi mẹ mất đến nay đã 7 năm, năm nào gia đình bà Nguyễn Thị Xuân Loan (số 2 ngõ Tức Mạc - Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm) cũng chuẩn bị khoảng 300 suất cơm chay để phát miễn phí cho các tín đồ, phật tử nơi xa về chùa Quán Sứ dự các khóa lễ dịp Rằm tháng Bảy. Với bà Loan, đó là cách thể hiện tấm lòng hiếu thảo với người mẹ kính yêu. Bởi khi còn sống, cụ luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với mọi người. "Các mẹ ở xa vất vả lên Hà Nội, tôi chỉ mong các mẹ có được bữa cơm an toàn, bảo đảm. Đó là tấm lòng thơm thảo của chúng tôi", bà Nguyễn Thị Xuân Loan nói.
Những ngày này, CLB Thiện Tâm - nơi quy tụ nhiều nghệ sĩ, diễn viên đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội - đã công đức nhiều suất ăn chay miễn phí cho các tín đồ, phật tử tại chùa Quán Sứ. Nhóm nghệ sĩ phát tâm, mong muốn thông qua sự nổi tiếng của mình để nhân rộng ý thức giúp đỡ cộng đồng. Chị Hà Thị Phương (Nhà hát Ca múa nhạc trung ương) nói: "Khi con người làm việc thiện xuất phát từ tâm, tôi tin điều họ nhận được là sự an lành. Chúng ta hiếu kính với cha mẹ, với người cao tuổi thì khi vào lứa tuổi ấy, tôi tin rằng chúng ta cũng sẽ nhận được những điều tương tự". Có lẽ đó là niềm tin, là triết lý sống mà chị Hà Thị Phương rút ra được trong những chuyến cùng đồng nghiệp đi làm từ thiện. Bởi vậy, chị thường đưa con trai nhỏ Vương Thế Vinh đi cùng để con hiểu người, hiểu đời hơn.