Hậu quả của xói mòn đạo đức, lối sống
Pháp luật - Ngày đăng : 07:08, 09/08/2014
Những ngày qua, dư luận không khỏi bàng hoàng trước thông tin về vụ án Phạm Duy Quý (SN 1993, ở xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, Hải Dương) gây ra vụ thảm sát vào chiều tối 2-8, khiến 4 người tử vong. 4 nạn nhân trong vụ án lại là bố mẹ đẻ, bà nội và chị họ của Phạm Duy Quý. Những thông tin ban đầu cho hay, Quý gây án một cách lạnh lùng, tàn bạo, sau đó thản nhiên đến cơ quan CA đầu thú. Một cán bộ điều tra cho biết, đối tượng có nhiều biểu hiện bất thường về tâm lý, có tiền sử "nghiện" trò chơi điện tử. Trước đó không lâu, cuối tháng 7 vừa qua, tại tỉnh Lào Cai, Ngô Thị Ngọc (SN 2000, mới là học sinh lớp 8) đã dùng dao truy sát mẹ đẻ làm nạn nhân tử vong...
Trong đánh giá tình hình tội phạm 6 tháng đầu năm 2013, Người phát ngôn Bộ CA, Trung tướng Phạm Danh Cộng thông báo, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội đang dã man hơn, tàn bạo hơn. Còn trên địa bàn Hà Nội, lãnh đạo CATP cho biết, tuy số vụ án giết người 6 tháng đầu năm 2014 giảm 14% so với cùng kỳ năm 2013 nhưng những vụ giết người do mâu thuẫn xung đột tức thời, mang tính chất bột phát trong sinh hoạt chiếm tỷ lệ cao và đáng chú ý đã xảy ra nhiều vụ giết người thân trong gia đình (trong số 37 vụ án mạng xảy ra trên địa bàn thành phố 6 tháng qua, có 7 vụ xảy ra do mâu thuẫn nội bộ gia đình, tăng 3 vụ (75%) so với cùng kỳ năm 2013). Điều đáng nói là án mạng gia đình tăng trong khi nhiều loại án nghiêm trọng khác đang giảm.
Qua phân tích các vụ án, cơ quan CA cho rằng, phần lớn nguyên nhân dẫn đến hành vi mất nhân tính của thủ phạm đều xuất phát từ việc đối tượng có vấn đề về tâm thần hoặc gây án trong tình trạng không làm chủ được bản thân, có thể do nghiện ma túy (nhất là ma túy tổng hợp), nghiện rượu. Cá biệt, có trường hợp hung thủ bột phát tức giận từ mâu thuẫn tưởng như bình thường trong gia đình, trong sinh hoạt hoặc ghen tuông vợ chồng, tranh chấp tài sản nội bộ. Điển hình là ngày 13-7, do mâu thuẫn về đất đai, Nguyễn Văn Sáu (SN 1972) xô sát với em trai là Nguyễn Văn Lịch (SN 1976, cùng trú tại xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ). Sáu đã dùng dao đâm vào ngực anh Lịch làm nạn nhân bị thương nặng và tử vong tại bệnh viện. Hay như trường hợp Ngô Thị Ngọc, đối tượng gây án chỉ vì bị gia đình ngăn cản chuyện yêu đương. Như vậy có thể thấy, nguyên nhân dẫn đến án mạng gia đình đến từ cả 2 phía: Gia đình và xã hội mà phần lớn do chính sự thờ ơ của phụ huynh, sự xa rời trong quan hệ thân tộc, sự tha hóa trong lối sống.
Về phía xã hội, sự tấn công của những "mặt trái" như tệ nạn ma túy, điều kiện và đòi hỏi về kinh tế vật chất tác động qua nhiều năm đã ít nhiều xói mòn đạo đức, lối sống và văn hóa ứng xử của một bộ phận người dân. Đây là nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn gia đình không được giải quyết theo những tiêu chuẩn, đạo đức truyền thống, dẫn đến hành vi bạo lực. Về mặt gia đình, trong nhiều trường hợp, cha mẹ quan tâm không đầy đủ, đúng cách với thế hệ trẻ cũng dễ dàng đẩy thanh thiếu niên đến tệ nạn, văn hóa độc hại, hình thành lối sống hư hỏng, suy nghĩ cực đoan, khi gặp hoàn cảnh bất thường sẽ dẫn đến những hành vi rất khó lường.
Đánh giá từ những góc độ như trên, cơ quan CA khẳng định, để phòng ngừa án mạng gia đình không thể chỉ trông chờ vào cơ quan bảo vệ pháp luật. Trong khi đó, phần đông trong xã hội, bao gồm cả nhiều cấp ủy, chính quyền, gia đình, nhà trường, đoàn thể vẫn thờ ơ với nguy cơ này, nên chưa chủ động đối phó bằng hành động. Vì vậy, điều đáng lo ngại là khả năng tội phạm giết người vì "nguyên nhân xã hội", giết người thân có thể chưa được ngăn chặn hiệu quả. Đã đến lúc phải có cái nhìn trực diện và nghiêm túc hơn về loại tội phạm này, từ đó có sự phối hợp hành động mạnh mẽ.