Những kiện tướng lặng lẽ mưu sinh

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:56, 09/08/2014

(HNM) - Dù đã giã từ sự nghiệp nhưng với nhiều kiện tướng thể thao thì cuộc tranh tài nào cũng đẹp như những chuyến lãng du.


Điều kỳ diệu dưới vòng xe lăn

Đến thời điểm này, khi đã trở thành ông chủ của một cửa hàng sơn trên phố Nguyễn Khuyến, chàng trai "vàng" của thể thao khuyết tật Việt Nam có thể ung dung nói về lý do mình lặng lẽ rời khỏi đấu trường Para SEA Games cách đây gần chục năm.

Cô gái “vàng” của thể thao khuyết tật Việt Nam Nhữ Thị Khoa bên gánh hàng mưu sinh.


Bộ sưu tập "vàng" của Trương Công Hưng khá phong phú với gần trăm chiếc huy chương, cùng với đó là Huy chương Vì sự nghiệp thể thao năm 2000 và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2001. Năm 2004, Trương Công Hưng chính thức kết thúc sự nghiệp của mình bằng chiếc huy chương bạc trong Đại hội Thể thao người khuyết tật toàn quốc. Làng Thể thao khuyết tật Việt Nam không thể quên việc Trương Công Hưng cùng những người bạn đặt nền móng ra đời CLB Thể thao khuyết tật Hà Nội năm 1990 và đến tận 5 năm sau Hội Thể thao khuyết tật Việt Nam mới chính thức ra mắt.

Với Trương Công Hưng theo nghiệp vận động viên là cái số trời định. Chính ông Vũ Thế Phiệt, Tổng Thư ký Hội Thể thao khuyết tật đã làm cho Hưng cảm nhận tính nhân văn của thể thao rồi dìu dắt anh trong những bước đầu chập chững. Hưng còn nhớ mãi những buổi ban đầu, bàn tay đang quen với những phím đàn bay bổng đã hằn in những chai sạn qua từng khúc đường đua. Sáng sáng, độ 4-5h, ngày nắng cũng như ngày mưa rét người ta lại thấy anh miệt mài tập luyện dọc con đường Hoàng Diệu hay đường Bắc Sơn. Thể thao là bước ngoặt lớn làm thay đổi đời anh. Hưng trở thành vận động viên xe lăn, thành cua rơ xuất sắc đi khắp đó đây. Từ trời Âu xa xôi giá lạnh, nước Mỹ đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia tham gia những sự kiện trọng đại, cả Para SEA Games, cả Para Lympic...

Cứ ngỡ Para Games 2 (năm 2003) lần đầu tiên tổ chức tại quê nhà sẽ là thử thách lớn dành cho Trương Công Hưng, người vẫn quen "đem chuông đi đấm xứ người" để cả thế giới biết đến sức sống mãnh liệt của thể thao Việt Nam. "Ai đi thi mà chẳng muốn được nhất. Mỗi lần được huy chương lại thấy sợ, sợ sẽ không vượt qua được chính mình nữa. Khi mình đã có huy chương, bạn bè, mọi người lại trông chờ".

Không bỏ phí một câu chuyện nào về chàng trai đặc biệt này, đạo diễn Mạnh Cường đã chuyển thể cuộc đời vượt lên số phận của Hưng lên phim. Cuốn phim đã được đem đi dự thi và đoạt vòng nguyệt quế vinh quang trong liên hoan phim điện ảnh và truyền hình thể thao ở Milano - Italia. Nhưng vinh quang này cũng chưa hẳn là bước chân đưa anh đến thế giới bao la gắn với các cuộc đua đỉnh cao. Trong chuyến xuyên Việt, một nhà báo nước ngoài đã hỏi Hưng: "Vì lý do gì, trong suốt cuộc hành trình tôi luôn thấy anh nằm trong tốp đầu khi sức khỏe của anh thực sự không thể bằng những người bạn đến từ các nước khác" để nhận được một câu trả lời cảm động đến chân tình: "Tại sao tôi lại không tiến lên phía trước ngay trên mảnh đất thân yêu của Tổ quốc mình để giới thiệu với bạn bè vẻ đẹp của quê hương xứ sở. Đó chẳng những là động lực háo hức với bất kỳ người khuyết tật nào như tôi mà còn là niềm tự hào to lớn". Hình ảnh của Hưng trong chuyến đi đó cùng câu trả lời giản dị này được phát đi khắp thế giới và trở thành động lực nâng bước anh trong những giải đấu quốc tế vinh danh ý chí và nghị lực con người Việt Nam.

Đá cầu và lái xe đều đòi hỏi tính nghệ thuật

Một thời, cái tên Nguyễn Minh Tâm hay còn được gọi với biệt danh "Tâm con" luôn được xem là một biểu tượng của môn đá cầu khi nắm giữ 8 chức vô địch thế giới và là người duy nhất giành được 3 huy chương vàng của cả 3 nội dung thi đấu đá cầu thế giới… Giờ đây, sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu đỉnh cao, "Tâm con" trở về với những lo toan thường nhật của cuộc mưu sinh hằng ngày nhưng anh vẫn không thể từ bỏ niềm đam mê của mình.

Có lẽ môn đá cầu giống như một cái duyên mà ông trời mang đến cho Nguyễn Minh Tâm. Mới đó, những năm cuối thập kỷ 80, thế kỷ trước, còn thấy cậu bé Tâm chập chững theo người anh trai, một người rất nổi tiếng trong giới đá cầu phủi lang thang các sân cầu. Nhìn các đàn anh bay nhảy, tung hứng quả cầu, cậu bé phố Cầu Gỗ đó lập tức bị quyến rũ bởi môn thể thao đòi hỏi sự khéo léo, dẻo dai này. Chỉ 2 năm, âm thầm làm quen với quả cầu chinh tự tạo từ những đồng xu, Tâm đã bộc lộ tài năng thiên phú của mình và được gọi lên đội tuyển Hà Nội. Cũng từ đây, Nguyễn Minh Tâm bắt đầu hành trình chinh phục các giải đấu đỉnh cao trong nước và quốc tế. Bảng vàng thể thao Việt Nam còn ghi, từ năm 1991 đến năm 2000, "Tâm con" gần như thống trị các giải đấu trong nước. 22 HCV là số danh hiệu mà Nguyễn Minh Tâm giành được từ các giải thanh thiếu niên cho đến giải vô địch quốc gia. Còn trên đấu trường quốc tế, "Tâm con" mang về 8 HCV các nội dung thi đấu ở giải vô địch thế giới từ năm 2000 đến năm 2002, cùng 2 HCV SEA Games 22 diễn ra tại Việt Nam vào năm 2003. Những thành tích ấn tượng trên cho thấy những đóng góp của Nguyễn Minh Tâm đối với thể thao nước nhà là rất đáng trân trọng. Năm 2004, "Tâm con" đã từ giã sự nghiệp thi đấu đỉnh cao. Lý giải cho quyết định này, Minh Tâm cho biết: "Có những thời điểm mình cũng đã từng đi làm giảng viên về môn đá cầu nhưng có lẽ là mình chưa đủ duyên để theo nó". Cái duyên ở đây có lẽ chỉ là cách nói tránh đi của "Tâm con" chứ không phải là lý do thật sự. Bạn bè Tâm vẫn nói, tiếc cho Tâm có lẽ vì việc phải lo toan cuộc sống hằng ngày khiến anh không thể tiếp tục theo đuổi đá cầu.

Khi còn thi đấu, Tâm nổi tiếng với lối đá nhanh nhẹn, mềm dẻo, linh hoạt. Đặc biệt anh sở hữu cảm giác cầu tuyệt hảo. Điểm mạnh nhất của Tâm chính là phòng ngự. Trong đội hình đá đôi hoặc đội chỉ cần có anh ở dưới thì yên tâm tới 90%. Trước đây, khi đá bằng quả cầu nhựa, các đối thủ từng thi đấu với anh đều phải chào thua khi không chịu nổi sự bền bỉ dẻo dai của Tâm. Không thể đóng góp cho môn đá cầu chuyên nghiệp nhưng Minh Tâm cũng có những cách thức rất riêng để quảng bá môn thể thao này. Nguyễn Minh Tâm cho biết: "Ở Hà Nội, có sân đá cầu nào mình cũng đến, vì mình mang trọng trách quảng bá môn đá cầu. Mình được như hôm nay là do môn đá cầu nên mình muốn góp phần nhỏ bé để quảng bá nó".

Dù đã qua sự nghiệp đỉnh cao, trở về đời thường nhưng trong ánh hào quang của những tấm huy chương vẫn thấy niềm đam mê của chàng trai Hà thành với cầu chinh. Giờ đây mỗi buổi chiều trên các sân cầu của Trường Đại học Dược Hà Nội hay ở Công viên Thống Nhất, người hâm mộ đá cầu vẫn thấy bóng dáng "Tâm con" với những vũ điệu cầu quen thuộc. "Sau khi giải nghệ thì mình làm rất nhiều nghề, nhưng nửa năm nay thì mình mới nhận một công việc mới là lái xe cho một công ty nhà nước. Cứ buổi chiều thì mình đi tập cho khỏe. Mình thường chọn sân chơi ở gần nhà cho tiện" - không giấu giếm, Tâm giãi bày. Nói về cái nghiệp mới, chàng trai “vàng” này vô tư so sánh: Giữa đá cầu và lái xe vốn chẳng có gì liên quan nhưng đều đòi hỏi tính cẩn thận và nghệ thuật khi xử lý tình huống. Trên đấu trường nếu xử lý sai một tình huống sẽ dẫn đến thảm bại, cũng như vậy khi đi trên đường phố nếu lái xe không an toàn sẽ nguy hiểm đến chính mạng mình và mọi người.

Số phận không may mắn bằng các kiện tướng Trương Công Hưng và Nguyễn Minh Tâm khi trở về với đời thường, Nhữ Thị Khoa - vận động viên khuyết tật từng đoạt 5 huy chương vàng và phá 4 kỷ lục tại Para Games 2005 chấp nhận vất vả đời thường với sạp bánh mì và hoa quả dạo. Con phố nhỏ Trần Xuân Soạn trong lòng phố cổ trở thành đấu trường mới của chị trên con đường mưu sinh. Cuộc sống bình yên của người kiện tướng lặng lẽ trôi đi, lặng lẽ cuốn vào dòng đời tất bật như thế mỗi ngày!?

Triệu Dương