Hà Thành "giữ" xẩm

Văn hóa - Ngày đăng : 06:45, 08/08/2014

(HNM) - Cuối tháng 7, nhóm xẩm Hà Thành ra mắt MV


"Bình mới, rượu cũ" mở hướng mới

Xẩm là hình thức dân ca cổ truyền giản dị, một thời cứ ra ngõ là gặp xẩm, bất kể là trên tàu điện, ngoài chợ, bến tàu, bến đò… Và bởi thế, xẩm gần gũi, quen thuộc với bất cứ ai.

Một cảnh trong bài xẩm “Tiễu trừ cướp biển”.


Đừng trách Hà Nội giờ vắng bóng tàu điện, cũng không thể nói công nghệ hiện đại cùng sự du nhập "nhạc Tây" đã đẩy người ta, nhất là những bạn trẻ, quay lưng với nghệ thuật truyền thống. GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam nhận xét: "Đó là do người nghệ sĩ chưa biết cách đưa nghệ thuật truyền thống đến với công chúng đương đại bằng cách thức phù hợp".

Phục hồi sức sống cho xẩm là nỗi trăn trở bấy lâu của nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền. "Chúng tôi đang hướng tới chứng minh nghệ thuật truyền thống vẫn phù hợp với công chúng ngày nay, kể cả những người trẻ, bằng cách khai thác tính tương đồng", nghệ sĩ Nguyễn Quang Long - thành viên nhóm xẩm Hà Thành cho biết.

Giới trẻ bây giờ thích thứ âm nhạc tiết tấu nhanh, vui nhộn, có thể nhảy múa được. Xẩm cũng có nhiều làn điệu khá tương đồng. Trong MV xẩm "Tiễu trừ cướp biển", nhóm xẩm Hà Thành đã chọn điệu xẩm sai để đề cập đến vấn đề Biển Đông đang được xã hội quan tâm. Phần lời đầy đặn, sử dụng những từ gần gũi, hóm hỉnh của thời nay. Âm nhạc sôi động, nghe như thúc giục. Hình ảnh được dàn dựng trong một buổi chợ, khi người này nói, khi người kia quát mắng, chế giễu... Nghệ thuật ấn tượng với người trẻ nhất thiết phải có sự thú vị. Ở "Tiễu trừ cướp biển", người trẻ cảm nhận hình bóng của rap, của hip hop mà họ đang thích. Như thế đã tăng khả năng tiếp cận với giới trẻ.

Có một số làn điệu nữa trong xẩm cũng có thể hấp dẫn người trẻ. Theo nghệ sĩ Nguyễn Quang Long, sắp tới anh và nhóm sẽ khai thác điệu xẩm chợ - hóm hỉnh, dí dỏm; điệu phồn huê - vui tươi, lạc quan…để ra tác phẩm mới.

Những mong đi tiếp trọn con đường

Theo quan niệm truyền thống, các cụ hay nhắc "thơ ca", có nghĩa lời đặt trước nhạc. Nó thể hiện rằng, phần lời là cái để người ta bày tỏ tâm tư, tình cảm của mình và mượn giai điệu để đưa đẩy. Và bởi vậy, làn điệu âm nhạc truyền thống thì có giới hạn nhưng mỗi thời, mỗi giai đoạn chúng lại được thay đổi lời.

"Bình cũ rượu mới" - đặt lời mới dựa trên làn điệu cũ là phương thức bấy lâu giúp nhạc cổ truyền được bảo tồn và phát triển, kể cả với xẩm. Thế kỷ XX, thời hưng thịnh của xẩm, nhiều nhà cách mạng đã "mượn" xẩm, đặt lời mới để tuyên truyền, giáo dục, kêu gọi nhân dân. "Người hát xẩm cuối cùng" - nghệ nhân Hà Thị Cầu còn được thán phục bởi biệt tài đặt lời mới dựa trên làn điệu cũ như "Theo Đảng trọn đời", "Thuốc phiện"… Bởi vậy, ở thời điểm nào bà cũng là người hát xẩm được yêu thích và biết đến nhiều nhất. NSƯT Thúy Đạt, Chủ nhiệm CLB Nghệ thuật Phật giáo Liên Hoa, tác giả của rất nhiều bài xẩm đặt lời mới như "Biển đảo là quê hương", "Người quê ở phố", "Vào chùa lễ Phật" kể rằng từ khi có những bài hát thiết thân như thế, CLB nhận được sự hưởng ứng rất tích cực. Lịch diễn được đặt, rất nhiều khán giả yêu cầu phát xẩm trên sóng phát thanh, truyền hình. GS Hoàng Chương nói: "Việc đặt lời mới cho xẩm là một sự sáng tạo chứ không phải bắt chước và là sự sáng tạo mang tính đặc trưng dựa trên nền văn hóa dân tộc. Khi bài nhạc nói lên được điều người ta bức xúc, điều người ta quan tâm thì đó là cách tốt nhất để giúp cho nó sống".

Nghệ sĩ Nguyễn Quang Long kể, anh viết "Tiễu trừ cướp biển", tìm ra được hướng đi mới cho CLB của mình sau bao năm trăn trở, nghiên cứu cách bảo tồn xẩm là nhờ lời "bu Cầu" (nghệ nhân Hà Thị Cầu) chỉ bảo trước khi cụ từ giã cõi đời. Đó là cái "duyên" và cái "nghiệp" mà anh quyết theo đuổi đến cùng để gìn giữ, trao truyền nghệ thuật hát xẩm cho lớp sau. Nguyễn Quang Long đang viết "Xẩm tàu bay", nói về sự an nguy khi đi máy bay, hy vọng sẽ được công chúng đón nhận. Sắp tới, nhóm xẩm Hà Thành sẽ thực hiện một đêm diễn với các tác phẩm đặt lời mới, đề cập đến vấn đề thu hút giới trẻ.

"Tiễu trừ cướp biển" cho ra một lối nhìn, một hướng đi. Nhóm xẩm Hà Thành là những người tâm huyết với nghệ thuật truyền thống. Nhưng, chỉ chừng đó chưa đủ, các hoạt động nhỏ lẻ không thể là giải pháp mang tính căn bản đối với nền nghệ thuật truyền thống đang dần mai một. Điều cần lúc này vẫn là một chiến lược bảo tồn và phát triển quy mô, dài lâu mang tầm quốc gia.

An Nhi