Làm để… “đắp chiếu”?

Bạn đọc - Ngày đăng : 06:51, 07/08/2014

(HNM) - Tân Hưng là 1/7 xã có nhiều hộ nghèo ở huyện Sóc Sơn.

Trạm cấp nước sạch thôn Hiệu Chân.



Nhằm tăng cường hạ tầng thiết yếu về cung cấp nước sạch sinh hoạt, cải thiện môi trường cho các hộ nghèo, ngăn ngừa bệnh tật có liên quan đến môi trường nước... cho các hộ nghèo, cận nghèo, ngày 29-10-2010, Sở NN&PTNT có Quyết định số 1624/QĐ-SNN phê duyệt Dự án hỗ trợ đầu tư nước sinh hoạt nông thôn ở 7 xã còn nhiều hộ nghèo huyện Sóc Sơn, trong đó có xã Tân Hưng. Dự án này thuộc dự án Tổng thể phát triển kinh tế, xã hội nhằm giảm nghèo ở 7 xã có nhiều hộ nghèo huyện Sóc Sơn được UBND TP phê duyệt năm 2008. Theo quy định, mỗi hộ nghèo ở 7 xã được hỗ trợ làm giếng khoan, máy bơm, sân giếng, bể lọc nước. Xã Tân Hưng có 564 hộ dân ở các thôn Đạo Thượng, Cốc Lương, Ngô Đạo được hỗ trợ làm 27 giếng khoan, xây 205 bể lọc, 243 sân giếng và 89 máy bơm. Riêng hai thôn Hiệu Chân và Cẩm Hà được triển khai xây dựng 2 trạm cấp nước mi ni để cấp nước cho 409 hộ có nhu cầu sử dụng nước sạch. Việc xây trạm cấp nước nhằm bảo đảm an toàn cho đê sông Cầu bởi địa bàn thôn Cẩm Hà và Hiệu Chân nằm ở vị trí xung yếu, vào mùa mưa lũ hằng năm thường xuất hiện mạch đùn, mạch sủi từ giếng khoan phun lên kèm theo nước và bùn đất…

Tháng 9-2013, toàn bộ các hạng mục theo thiết kế như giếng khoan, bể chứa, bể lắng, nhà điều hành… được hoàn thiện và bàn giao cho xã Tân Hưng vận hành, quản lý. Theo dự án được duyệt là 409 hộ, nhưng thực tế mới lắp đường ống, đồng hồ cho hơn 300 hộ (?). Giải thích về sự chênh lệch này, ông Nguyễn Chí Quý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Quá trình triển khai thực hiện dự án, chi cục đã tiến hành khảo sát thực tế, lấy danh sách số hộ nghèo có nhu cầu dùng nước sạch ở hai thôn Cẩm Hà, Hiệu Chân, đồng thời phát cho mỗi hộ một "Bản cam kết dùng nước". Hộ gia đình nào đồng ý, có xác nhận của chính quyền địa phương thì mới được lắp đường ống, đồng hồ nước. Nhưng khi thi công đợt 1, có một hộ xin tự nguyện không lắp đồng hồ, 30 hộ nằm ở khu vực vi phạm hành lang bảo vệ đê, 9 hộ không có tên, 96 hộ không đúng họ tên đăng ký ban đầu, 32 hộ nằm rải rác ở khu lẻ nên việc lắp đặt đường ống sẽ tốn kém. Sau khi chi cục khảo sát và thi công đợt 2 đã nâng tổng số hộ được lắp đồng hồ lên 343 hộ với 6.346m ống (trong khi dự án chỉ được duyệt 5.709m ống - PV). Như vậy, rõ ràng ngay từ ban đầu thực hiện dự án, công tác khảo sát thực tế của chi cục đã… không đúng thực tế.

Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay ở Tân Hưng là trạm cấp nước ở thôn Hiệu Chân đang hoạt động, nhưng trạm ở thôn Cẩm Hà trong tình trạng… "đắp chiếu". Theo ông Đỗ Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, công suất mỗi trạm cấp nước cho 200-250 hộ dân. Xã đã xây dựng cơ chế mỗi trạm có 1 tổ vận hành gồm 2 người, hỗ trợ mỗi người 1 triệu đồng/tháng. Thôn Hiệu Chân có 113 hộ được lắp đường ống, đồng hồ, nhưng chỉ có 90 hộ sử dụng nước từ trạm. Hiện xã đang gặp khó khăn do số lượng hộ dùng nước sạch quá ít, hằng tháng phải bù lỗ tới 50% chi phí vận hành, quản lý trạm và tiêu thụ điện năng. Riêng thôn Cẩm Hà có 230 hộ được lắp đường ống, đồng hồ, nhưng… không có hộ nào đăng ký sử dụng nước sạch. UBND xã cũng đã tuyên truyền, vận động, tổ chức hội nghị họp dân tại thôn Cẩm Hà để thống nhất số lượng hộ sử dụng nước sạch, nhưng các hộ dân không đến họp (?). Trưởng thôn Cẩm Hà Nguyễn Văn Sơn cho biết: "Thôn có 318 hộ dân. Do thời gian từ khi khảo sát đến khi hoàn thành dự án quá lâu nên 80% số hộ đã bỏ tiền mua máy lọc nước. Còn một số hộ muốn sử dụng nước sạch, nhưng lại muốn được Nhà nước… hỗ trợ hoàn toàn tiền sử dụng nước".

Sự việc ở xã Tân Hưng cho thấy công tác tuyên truyền, vận động để các hộ dân sử dụng nước sạch thuộc về chính quyền địa phương. Nhưng vấn đề liên quan đến trách nhiệm trong công tác khảo sát thực tế khi thực hiện dự án xây trạm cấp nước mi ni và biện pháp tháo gỡ khó khăn để 2 trạm cấp nước không bị "đắp chiếu" và hoạt động cầm chừng rất cần được các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương quan tâm, tránh gây lãng phí tài sản của Nhà nước.

Trần Lê