Khi nhà trường là nơi kinh doanh

Giáo dục - Ngày đăng : 06:42, 06/08/2014

(HNM) - Trong những ngày này, hàng nghìn sinh viên Trường ĐH dân lập Hoa Sen (ĐH Hoa Sen - TP Hồ Chí Minh) đang bất an trước việc nội bộ nhà trường (các nhóm cổ đông)


Vì đâu nên nỗi?

ĐH Hoa Sen (thành lập năm 1991) là trường dân lập khá nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh về chất lượng đào tạo và môi trường giáo dục chuyên nghiệp, khi có tới 10.000 sinh viên theo học. Tuy nhiên đang ở đà phát triển thì nội bộ nhà trường đã xảy chuyện. Mới đây nhất, chiều 4-8, Hội đồng Quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) đương nhiệm của ĐH Hoa Sen đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí để phản ứng việc một nhóm cổ đông khác cũng ở trường này (chiếm hơn 30% cổ phần) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường vào ngày 2-8.

Không thể vì lợi nhuận mà bỏ qua chất lượng và môi trường giáo dục.


Cụ thể, tại ĐHCĐ bất thường vào ngày 2-8, nhóm cổ đông chiếm hơn 30% cổ phần đã thống nhất biểu quyết miễn nhiệm đối với ông Trần Văn Tạo, Chủ tịch HĐQT và bà Bùi Trân Phượng, Phó Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen do những sai phạm liên quan đến giáo dục; bầu lại 6 thành viên HĐQT và BKS mới.

Phản ứng về ĐHCĐ bất thường nêu trên, tại cuộc gặp báo chí ngày 4-8, ông Trần Văn Tạo cho rằng, việc tổ chức ĐHCĐ bất thường là vi phạm pháp luật nhà nước và Quy chế của trường, vì cổ đông tham dự ĐHCĐ bất thường chỉ sở hữu cổ phần tương ứng là 59% vốn điều lệ, ít hơn được quy định là 65%. "ĐHCĐ bất thường chỉ nhằm mục đích lật đổ HĐQT và BKS ĐH Hoa Sen", ông Tạo nhận định.

Về căn nguyên của sự "lật đổ", ông Trần Văn Tạo và bà Bùi Trân Phượng cho biết: Trong ĐHCĐ thường niên năm 2013 tổ chức vào tháng 1-2014, nhiều cổ đông đề xuất tăng cổ tức và có người đề nghị lên đến 30%. Mức cuối cùng mà đại hội cổ đông biểu quyết là 20%. Trước đó, bởi tôn chỉ phi lợi nhuận nên cổ tức trường chi cho cổ đông chỉ khoảng 15%. Sự rạn nứt bắt đầu từ đó. "Chúng tôi, HĐQT và BKS đương nhiệm Trường ĐH Hoa Sen xác định và thể hiện rõ quan điểm phi lợi nhuận trong bản cam kết số 772/ĐHHS-HĐQT về việc cam kết hoạt động không vì lợi nhuận theo quy định của pháp luật và tôn chỉ hoạt động của nhà trường từ ngày thành lập đến nay. Do đó, khác biệt giữa lợi ích nhóm và lợi ích bền vững của trường, của xã hội đã dẫn đến ĐHCĐ bất thường này", ông Trần Văn Tạo nhấn mạnh.

Hoang mang

Chưa nói chuyện đúng sai nhưng rõ ràng mâu thuẫn nội bộ đã tác động không nhỏ đến hàng nghìn sinh viên của Trường ĐH Hoa Sen. Sinh viên N.T.L cho biết, sinh viên ĐH Hoa Sen đóng học phí 50 triệu đồng/1 năm, cao hơn nhiều những trường ĐH khác bởi nơi đây khá nổi tiếng về chất lượng dạy và học, thầy cô gần gũi, ra trường dễ xin việc. Tuy nhiên, chính bởi sự "đấu đá" của "các thầy cô" (theo cách gọi của sinh viên) sẽ khiến xã hội đánh giá khác đi về trường và sinh viên tốt nghiệp cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng khi tìm việc làm.

Không chỉ sinh viên, hàng nghìn phụ huynh cũng có chung tâm trạng lo lắng. Một phụ huynh ở TP Hồ Chí Minh bức xúc "Sự việc xảy ra làm phụ huynh chúng tôi rất lo lắng về tương lai con em mình. Xây thì khó, phá thì quá dễ. Chúng tôi rất tôn trọng các cổ đông vì tiền của các vị bỏ ra đầu tư vào trường không phải là làm từ thiện. Nhưng không thể vì lợi nhuận mà bỏ qua chất lượng và môi trường giáo dục.

Nhiều giảng viên của nhà trường cũng hoang mang, lo lắng: "Nếu có sự thay đổi cơ cấu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tương lai, công ăn việc làm của nhiều người. Những người không cùng "phe" với bên này hoặc bên kia liệu sẽ ra sao?".

Không phủ nhận thực tế trên, bà Bùi Trân Phượng cho biết, trường đã có thông điệp để trấn an sinh viên yên tâm học tập. Về việc những mâu thuẫn có thể sẽ kéo dài, do trường có 2 ban lãnh đạo, có thể ảnh hưởng đến việc học của sinh viên, bà Phượng trả lời: "Chúng tôi cũng lo lắng như vậy khi môi trường đào tạo có thể bị ảnh hưởng".

Theo quy định, Trường ĐH Hoa Sen do Bộ GD-ĐT quản lý về đào tạo; UBND TP Hồ Chí Minh quản lý về nhân sự. Trước những mâu thuẫn gay gắt giữa các bên đang tác động tiêu cực đến hàng nghìn giảng viên, sinh viên, rất cần các ngành chức năng vào cuộc.

Nghiêm Ý