Doanh nghiệp “khóc ròng” vì các loại phí phát sinh

Kinh tế - Ngày đăng : 06:40, 06/08/2014

(HNM) - Từ việc cảng Cát Lái tăng phí để giảm ùn ứ, hàng loạt hãng tàu


Đủ loại phí phát sinh

Một vấn đề khiến bức xúc là việc tăng phí nâng hạ container (áp dụng từ ngày 15-7) của cảng Cát Lái nhằm… giảm ùn tắc đã "đẻ" ra đủ loại phí khác khiến doanh nghiệp vô cùng khốn khó. Ông Nguyễn Hữu Nghiêm, Giám đốc Công ty TNHH Hào Thành (chuyên nhập khẩu, kinh doanh sản phẩm hạt nhựa) phản ánh, cảng Cát Lái đang thu mức thu phí nâng container từ bãi lên xe giao hàng là 130 USD/loại 20 feet (tăng khoảng 30% so với trước đó). Bây giờ lại thu thêm 100 USD/container do kẹt cầu cảng. Cộng lại hai khoản phí này thì nếu doanh nghiệp muốn lấy ra 73 container (riêng trong tháng 7) thì mất xấp xỉ cả trăm triệu đồng.

Hàng hóa ùn tắc tại cảng Cát Lái ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.



Chưa hết, theo doanh nghiệp này, lấy lý do là hàng hóa lưu thông bị kẹt ảnh hưởng đến năng lực vận chuyển nên chủ tàu cũng "đẻ" ra đủ loại phí. Cụ thể, sau khi cảng Cát Lái áp dụng phí nâng hạ container, các hãng tàu Yang Ming, CMA CGM, OOCL, Wan Hai Vietnam… thông báo áp dụng "phụ phí ùn tắc" tại cảng Cát Lái với mức từ khoảng 1,05 triệu đồng/container 20 feet đến 2,4 triệu đồng/container 45 feet...

Không riêng Công ty TNHH Hào Thành, đại diện cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa có công văn gửi đến Bộ Công thương, Bộ GT-VT, Bộ Tài chính... yêu cầu xem xét việc hàng loạt phụ phí từ hãng tàu, cảng phát sinh trong thời gian gần đây, gây bức xúc cho các doanh nghiệp. Trong đó, theo Vasep, nhiều loại phí bất hợp lý từ các hãng tàu như phí cân đối container (CIC). Bởi phí này lẽ ra cần phải tính vào cước vận chuyển ở đầu nước xuất khẩu, nhưng hiện nay các hãng tàu vẫn thu từ các doanh nghiệp Việt Nam để bù lỗ. Việc "loạn" phí như vậy ảnh hưởng rất lớn đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

"Đụng cái gì cũng thu thì doanh nghiệp còn làm ăn gì được nữa? Có quá nhiều khoản phí rất vô lý, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc", ông Nguyễn Hữu Nghiêm kiến nghị.

Thừa và thiếu

Xung quanh vấn đề ùn ứ hàng hóa tại cảng Cát Lái, buộc phải… tăng phí, ông Ngô Trọng Phàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, tất cả nhằm khuyến khích chủ hàng giải phóng hàng sớm. Bởi trong 6 tháng đầu năm 2014, số tàu biển ra, vào cảng Cát Lái là 3.305 lượt, sản lượng hàng hóa thông qua gần 1.670.000 TEU, tăng 13,8% so với 6 tháng đầu năm 2013. Đặc biệt, trong tháng 3 và 4 vừa rồi, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đều vượt mốc 300.000 TEU/tháng. Đây được xem là mức cao nhất từ trước tới nay, dù cho cảng đã đầu tư bổ sung cơ sở hạ tầng và trang thiết bị nhưng không theo kịp tốc độ tăng sản lượng tàu và hàng hóa thông qua cảng.

Theo bà Phạm Thị Thúy Vân, Phó Giám đốc marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, hàng hóa về cảng Cát Lái tăng vọt như trên khiến thời gian gần đây, năng suất giải phóng tàu có nhiều thời điểm chỉ đạt 45 container/giờ/tàu, giảm 25% so với bình thường (60 container/giờ/tàu); thời gian giao nhận hàng hóa bình quân đối với hành khách chậm lại, trung bình 40 phút/container so với 32 phút trước đây. Thậm chí có những lô hàng nhập khẩu, khách hàng phải chờ sang ngày hôm sau mới nhận được; nhiều chuyến tàu phải chờ cầu từ 18 đến 20h so với yêu cầu, trong khi, thường các tàu chỉ phải chờ từ 2 đến 3 giờ; thời gian vận chuyển container hàng nhập từ các cảng khu vực Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) về cảng Cát Lái để giao cho khách hàng thường xuyên bị chậm trễ, khiến nhiều khách hàng phàn nàn.

Điều đáng nói, theo ông Hồ Kim Lân, Tổng Thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, trong khi cảng Cát Lái ùn ứ hàng hóa thì nhiều cảng ở TP Hồ Chí Minh như Hiệp Phước; Phú Hữu (quận 9) hay Cái Mép… dù đầu tư hàng tỷ USD, nhưng hàng hóa thiếu trầm trọng. Cụ thể hơn, theo bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cảng container trung tâm Sài Gòn (SPCT), thì công suất thiết kế của cảng SPCT là 1 triệu TEU/năm, nhưng trên thực tế từ đầu năm đến nay chỉ khai thác được 350.000 TEU, đạt khoảng 35% so với thiết kế.

Thực tế trên cho thấy, có rất nhiều bất cập trong việc quy hoạch, điều hành hệ thống cảng biển Việt Nam.

Hà Tuấn